Nhà văn Lê Minh Khuê-những trang văn chân thực và ám ảnh
(Cadn.com.vn) - Lê Minh Khuê, nữ nhà văn gốc Thanh Hóa thuộc thế hệ những nhà văn bắt đầu sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Các tác phẩm của Lê Minh Khuê ra đời đầu những năm 70 của thế kỷ XX đều viết về cuộc sống chiến đấu của thanh niên xung phong và bộ đội trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa. Bà còn là một trong những cây bút truyện ngắn hàng đầu thành danh với những tác phẩm về đề tài hậu chiến.
Sự nghiệp văn chương của Lê Minh Khuê gắn với những thành công, thành tựu về truyện ngắn. Cho đến nay bà đã sở hữu 12 tập truyện ngắn, mỗi tập đánh dấu một bước đi vững chắc trong nghề văn: Những ngôi sao xa xôi (1973), Cao điểm mùa hạ (1978), Đoạn kết (1980), Một chiều xa thành phố (1986), Bi kịch nhỏ (1993), Lê Minh Khuê - Truyện ngắn (1994), Trong làn gió heo may (2000), Những dòng sông buổi chiều cơn mưa (2001), Màu xanh man trá (2005), Một mình qua đường (2007), Những ngôi sao, trái đất, dòng sông (2008), Nhiệt đới gió mùa (2012).
Đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ, nhà văn Lê Minh Khuê dường như đã biết chọn cho mình cách sống cân bằng, không ồn ào, không bon chen và thư thái. Có lẽ vì thế mà những truyện ngắn của bà, từ “Những ngôi sao xa xôi”, “Cao điểm mùa hạ” hay “Nhiệt đới gió mùa”... lại gần gũi, chân thực và ám ảnh người đọc. Lê Minh Khuê thuộc số ít các nhà văn đương đại Việt Nam có tác phẩm được chọn đưa vào chương trình sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 9 (truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi). “Những ngôi sao xa xôi” kể về 3 nữ thanh niên xung phong gan dạ, trách nhiệm và yêu đời. Giữa núi rừng bạt ngàn, giữa trận chiến ác liệt, họ vẫn thấy mình tự do, đầy lý tưởng.
Đây là truyện ngắn đầy chất thơ miêu tả thành công vẻ đẹp tâm hồn đầy mơ mộng nhưng cũng vô cùng quả cảm, anh dũng của thế hệ trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong thời buổi hội nhập, toàn cầu hóa sôi động, văn chương Việt Nam đang cố gắng thoát khỏi tình trạng “nhập siêu” để tiến đến một sự cân đối khi có thể “xuất khẩu” ra thế giới với ý nghĩa là một thị trường khó tính. Theo thời gian, các tác phẩm của các nhà văn đương đại Việt Nam đã có cơ may “đổ bộ” vào lãnh thổ các nước có truyền thống văn chương lớn như Pháp, Mỹ, Anh,... Truyện ngắn Lê Minh Khuê đã được dịch sang tiếng Anh, xuất bản ở Mỹ. Tập truyện ngắn Những bi kịch nhỏ đã được dịch ra tiếng Đức, đoạt giải thưởng xuất bản sách tại Hội chợ sách Frankfurt... Những cống hiến của Lê Minh Khuê trong lĩnh vực văn chương đã giúp bà nhận được những giải thưởng trong nước và quốc tế: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1987 cho tác phẩm Một chiều xa thành phố, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001 cho tác phẩm Trong làn gió heo may, Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2012. Năm 2008 Lê Minh Khuê đã nhận được Giải thưởng văn học quốc tế mang tên Byeong Ju Lee (nhà văn lớn Hàn Quốc, 1921-1992) cho tập truyện ngắn Những ngôi sao, trái đất, dòng sông.
Giả sử nếu chỉ được phép chọn 5 tác giả truyện ngắn thời kỳ đổi mới văn chương rất có thể Lê Minh Khuê sẽ nằm trong “top” đó: Nguyễn Minh Châu – Nguyễn Huy Thiệp – Lê Minh Khuê – Trần Thùy Mai – Phan Thị Vàng Anh. Sáng tác của Lê Minh Khuê là đối tượng nghiên cứu của nhiều khóa luận tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ ở các trường đại học, viện nghiên cứu văn học…
V.H