Báo Công An Đà Nẵng

Nhà văn Mai Văn Tấn với văn học dân gian Vân Kiều

Thứ ba, 17/04/2018 10:58

Nhà văn Mai Văn Tấn người làng Quy Hậu, xã Liên Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông là người sưu tầm, biên soạn hai tập sách văn học dân gian dân tộc Vân Kiều: Truyện cổ Vân Kiều (tập 1, 1974; tập 2, 1978); Dân ca Vân Kiều (1979). Dân tộc Vân Kiều sống trên hai mái Trường Sơn, tập trung ở hai huyện Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị) một ít ở H. A Lưới (TT-Huế) và một số ở Lào (tây Trường Sơn ). Người Vân Kiều có tiếng nói riêng, nét văn hóa riêng nhưng thời xa xưa chưa có chữ viết. Nhà văn Mai Văn Tấn khi đang là sĩ quan bộ đội biên phòng đã có nhiều năm gắn bó, lăn lộn cùng đồng bào Vân Kiều, nên ông rất am hiểu cuộc sống, sinh hoạt, phong tục, tập quán của họ.

Người Vân Kiều có nhiều truyện cổ kể về sự tích các dòng họ, nguồn gốc dân tộc, tình yêu nam nữ...

Những mẫu chuyện cổ tích mà nhà văn sưu tầm được phần lớn là do các già làng, trưởng bản kể lại. Chuyện cổ tích của người Vân Kiều vừa tương đồng vừa dị biệt với chuyện cổ tích của người Kinh và một số dân tộc khác. Những mẫu chuyện cổ được lưu truyền bằng miệng qua bàn tay gọt giũa, nhào nặn, tu chỉnh tài tình của nhà văn đã trở thành những áng văn đẹp, giàu hình ảnh, giàu chất thơ. Mai Văn Tấn là tác giả của một số tập truyện ngắn và ký có tiếng vang đáng kể, như: Dấu chân người chiến sĩ biên phòng, Đất ấm… nên khi nghe già làng, trưởng bản kể, ông chắc chắn có cho thêm “gia vị” để làm tăng giá trị biểu cảm và tính nhân văn. Ông đã đổ bao nhiêu công sức, tâm huyết, thời gian để hoàn chỉnh 23 mẫu chuyện mà ông sưu tầm được. Truyện Sự tích cái ống bương nước đã phần nào thể hiện đời sống tình cảm của người Vân Kiều. Câu chuyện có thể tóm tắt như sau: Ngày xửa ngày xưa có anh Văn Loi hiền lành tốt bụng, cưới một cô gái xinh đẹp tên là A Tung. Vì quá yêu vợ, Văn Loi không để cho A Tung làm gì cả. Một hôm, Văn Loi vào rừng săn bắn đến tối mịt vẫn chưa về. Ở nhà hết nước, A Tung không đợi Văn Loi về lấy nước như mọi khi, đành quảy gánh xuống suối. Lâu ngày không gồng gánh, trời lại tối, dốc trơn, A Tung bị ngã, chết thảm dưới chân dốc. Văn Loi kêu khóc thảm thiết, rồi ôm xác vợ lao xuống dòng thác. Khi được buôn làng vớt lên, xác hai vợ chồng vẫn quấn chặt lấy nhau. Từ đó, dân Vân Kiều bỏ tục gánh nước, chỉ lấy nước bằng ống bương. Truyện Vì sao đồng bào Vân Kiều có tục cưa răng cũng giàu tính nhân văn như thế. Có một chi tiết trong câu chuyện này vừa thể hiện đời sống tình cảm, vừa thể hiện trí thông minh của người Vân Kiều. Đó là chi tiết: khi lão A Nha  độc ác bắt Xà Nông cõng A Mang lên đỉnh núi rất cao, không cho dừng nghỉ và cấm uống nước, A Mang đã hát vào tai chàng, “làm vui cho những bước leo dốc nhọc nhằn”. Đến lưng chừng dốc, A Mang xổ tóc ra cho A Nông “ngậm ngọn tóc lấy nước uống” (trước đó, nàng đã khôn khéo nhúng tóc cho ướt để làm nước dự trữ). Đôi trai gái sau đó đã quyết định bỏ bản làng - nơi có lắm điều khắc nghiệt - để được “tự do yêu nhau ở một nơi xa lạ như đôi chim trên núi”. Hai người ngồi trên đỉnh núi và hát, “tiếng hát ngân quyện trong trái tim đôi trai gái rồi vút cao mãi lên tầng mây trắng, lên vầng mây xanh…”. Câu chuyện đã phần nào thể hiện khát vọng tình yêu, khát vọng tự do của người Vân Kiều. Truyện Chàng Lờng và lão Bay Bưm ca ngợi tình chung thủy, lên án những kẻ tham lam, độc ác. Chuyện kể rằng: Chàng Lờng lấy được một cô vợ xinh đẹp. Lão nhà giàu tham lam Bay Bưm tìm đủ mọi cách chiếm đoạt vợ chàng. Nhờ Dàng (trời) giúp đỡ, vợ chồng chàng Lờng đã lừa lão Bay Bưm sập bẫy. “Ở hiền gặp lành, ác dã ác báo” không chỉ là triết lý của truyện cổ tích  người Kinh, người Vân Kiều cũng muốn chứng minh điều đó. Trong chuyện này, các tác giả dân gian Vân Kiều có sử dụng một số yếu tố hoang đường: “Chiếc gậy thần có thể nối qua hai đỉnh núi”, chiếc hòm ướp xác bằng đá, con gà và con diều hâu nhốt trong hòm. Ở trong hòm, “con gà trống thần ngày ngày ăn hết dòi bọ trên xác Lờng, con diều hâu thì uống hết nước thối tha từ xác chết chảy ra” để duy trì sự sống cho chàng Lờng.       

Có thể khẳng định: Truyện cổ Vân Kiều  do nhà văn Mai Văn Tấn sưu tầm và biên soạn đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng truyện cổ Việt Nam.

Mai Văn Tấn không chỉ sưu tầm, biên soạn truyện cổ mà ông còn sưu tầm biên soạn cả ca dao dân ca của người Vân Kiều. Sách Dân ca Vân Kiều gồm 196 khúc ca. Nhà thơ Ngô Minh nhận xét: “Thơ người Vân Kiều có thân phận tựa như cây đàn Khlui (tiếng kèn tiếng vui, tiếng khlui tiếng buồn). Bài thơ về Thân phận kèn khlui chính là thân phận của người Vân Kiều được kể với lối ví von hình ảnh ngôn ngữ cô đọng hàm súc: Thương kèn khlui/ Số phận dập vùi/ Từ thuở măng tơ/ Có người đến bẻ/ Khi thành cây tre/ Mưa dập gió dồi/ Con voi đi ngang/ Xéo lên cành lá/ Con chim bay xa/ Ngọn tre làm tổ/ Chưa khổ hay sao?/ Ai kia ngồi đó/ Lại đốn tre về/ Dùi tre thành lỗ/ Xương thịt quặn đau/ Lòng săn rét gió/ Ta cất tiếng kêu/ Trong ngoài đều rõ...”. Tiếc là nhà văn Mai Văn Tấn ra đi vì căn bệnh hiểm nghèo vào tuổi 55 vào năm 1986 nên công việc sưu tầm, biên soạn truyện cổ, ca dao dân ca của ông vẫn còn dang dở. Cho đến nay, chưa thấy có ai kế nghiệp nhà văn ngoài ông Hồ Chư. Tuy tuổi tác đã cao nhưng ông Hồ Chư vẫn ngày đêm âm thầm cống hiến sức lực của mình trong việc bảo tồn, lưu giữ những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, đặc biệt là lãnh đạo hai tỉnh Quảng Trị và TT-Huế cần có kế hoạch đào tạo những người thay thế, để kho tàng văn học dân gian quý báu của dân tộc Vân Kiều không bị mai một cùng năm tháng.

MAI VĂN HOAN