Nhà văn Nhật Chiêu: Tình yêu với sách, với văn chương luôn là mạch sống dồi dào trong tôi
Lâu nay, độc giả và giới văn chương biết đến cái tên Nhật Chiêu là nhà văn, nhà nghiên cứu. Thế nhưng khi đến với TP Hội An (Quảng Nam), thông qua những chương trình giao lưu về văn hóa, nhiều người biết Nhật Chiêu với vai trò là “sứ giả” của sách, của những đề tài văn chương rất mới. Và cũng từ đó, một tủ sách mang tên ông đã được hình thành ngay tại trung tâm phố cổ Hội An.
Nhà văn Nhật Chiêu bên tủ sách mang tên ông. |
Nhà văn Nhật Chiêu sinh năm 1951, có hơn 40 năm miệt mài nghiên cứu, giảng dạy và viết lách. Từ trẻ ông đã mê đọc sách, nhất là sách chuyên sâu về văn hóa, văn học Nhật Bản, Anh, Mỹ, Đức... Từ sau năm 1975, Nhật Chiêu gắn bó việc dạy văn ở trường Nguyễn Thị Minh Khai (TPHCM), trước khi là giảng viên Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn TPHCM. Ông còn được nhiều độc giả yêu mến trong vai trò một dịch giả, nhà nghiên cứu văn học, văn hóa Phật giáo... Ông dành thời gian xây dựng giáo trình cho sinh viên các môn văn học Nhật, Trung Cận Đông, Phương Đông... với nhiều đầu sách nhiều lần tái bản như: Ba nghìn thế giới thơm (biên khảo), Những kiệt tác văn chương thế giới (viết chung), Basho và thơ Haiku (biên khảo), Nhật Bản trong chiếc gương soi (biên khảo), Tôi là một kẻ khác, Ân ái với hư không… Có thể khẳng định, gia tài lớn nhất trong cuộc đời nhà văn Nhật Chiêu đó là hơn 10.000 quyển sách mà ông đã đọc, nghiên cứu, đã viết và hiện vẫn lưu trữ ở nhà ông tại TP Hồ Chí Minh. “Tôi mê văn chương từ bé. Trước khi trở thành một dịch giả, một thầy giáo, một người viết sách thì tôi đã là độc giả của rất nhiều tác giả, rất nhiều nền văn hóa. Gia tài lớn nhất của tôi là kho sách hàng vạn cuốn. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy chưa bao giờ là đủ. Càng đọc nhiều ta lại càng có khát khao muốn đọc, muốn biết nhiều hơn nữa. Sách vừa cho ta kiến thức vừa thôi thúc ta trên hành trình khám phá thế giới, đi sâu hơn nữa vào thế giới văn chương”, Nhật Chiêu bày tỏ.
Là chuyên gia về Nhật Bản, tại TP Hội An, nơi văn hóa, văn chương Nhật đã thấm đẫm suốt nhiều thế kỷ qua và đã trở thành nếp sống thì sự có mặt của nhà văn Nhật Chiêu đã trở thành chiếc cầu nối giữa bạn đọc Việt và văn chương Nhật Bản. Tại đây, ông đã trở thành diễn giả các chương trình Áo dài Việt Nam và tình yêu văn học, Truyện Kiều một góc nhìn khác, Thơ Haiku và văn học Nhật… Những chương trình này không chỉ đáp ứng mong mỏi của số đông những người yêu thích văn chương tại Quảng Nam – Đà Nẵng mà còn đưa đến những nghiên cứu rất mới của ông dành cho giới sinh viên, học thuật. Nhật Chiêu thường có thói quen tặng sách cho các học trò thân thiết. Không ít "đệ tử" của ông giờ theo nghề giáo, nối tiếp nghiệp giảng. Họ được thầy tặng những quyển sách ngoại văn gắn liền với một thời tự học của ông. Ông luôn dặn học trò đọc sách trong tinh thần cầu thị, đọc có chọn lọc, biết tự phân tích, phản biện, so sánh và đối chiếu. Và thực tế trong những cuốn sách ông viết cũng thường xuyên xuất hiện bóng dáng của những tác phẩm, tác giả khác dưới góc nhìn soi chiếu, tương quan.
Ở tuổi gần 70, sức khỏe đã giảm sút nhưng nhà văn Nhật Chiêu vẫn không ngừng đọc để truyền thêm tình yêu tiếng Việt mãnh liệt đến với nhiều học trò. “Hơn 5 năm qua, hàng tuần, một người bạn ở Mỹ của tôi là Đặng Lãm đã không quản ngại công sức lùng sục bằng được những tác phẩm văn chương thuộc nhiều thể loại và có giá trị nghiên cứu cao gửi về nước. Nhờ bạn, tôi chưa bao giờ thiếu sách mới để đọc. Tôi đã ngưng hầu hết các công việc vì sức khỏe không cho phép nhưng tình yêu với sách, với văn chương vẫn là mạch sống dồi dào trong tôi”, Nhật Chiêu cho biết. Hiểu được tâm huyết của thầy, chị Lê Thu Hiền một học trò cũ của thầy Nhật Chiêu đã đứng ra tổ chức một tủ sách mang tên Nhật Chiêu. Tủ sách ban đầu có khoảng 50 đầu sách tiếng Anh, Việt, Nhật chủ đề văn hóa, văn học của hai nước, được đặt tại đình Cẩm Phô, một di tích văn hóa trên đường Nguyễn Thị Minh Khai-nơi được xem là phố Nhật Bản của TP Hội An. Đến đây, độc giả có thể tìm được ấn phẩm của nhiều tác giả như Murakami, Yoshimoto Banana, Kawabata, Nguyên Ngọc, Nhật Chiêu, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư... Tủ sách đã ra đời trong khuôn khổ lễ hội Nhật Bản - Hội An lần thứ 16 vừa qua. Chị Lê Thu Hiền cho biết: “Với những đóng góp và cống hiến của thầy cho văn chương và nhiều thế hệ học trò, tôi muốn tôn vinh thầy ngay khi thầy còn sống, còn nghiên cứu, còn tiếp lửa cho học trò. Tủ sách vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và sẽ càng dày hơn nữa thông qua sự hỗ trợ của bạn bè khắp nơi. Tôi mong muốn rằng nơi đây sẽ không chỉ là tủ sách mang tên thầy, tôn vinh sự nghiệp của thầy mà còn là nơi để bạn đọc khắp nơi có thể đọc sách miễn phí và giao lưu văn chương, đó cũng là con đường ngắn nhất để hiểu thêm về văn hóa”.
ĐỒNG DAO