Báo Công An Đà Nẵng

Nhà văn Quân đội: Lớn lên cùng đất nước!

Thứ hai, 22/12/2014 09:03

(Cadn.com.vn) - Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta đã sản sinh ra đội ngũ nhà văn, nhà thơ mang áo lính hùng hậu. Trong Tổng tập Nhà văn quân đội, kỷ yếu và tác phẩm (NXB QĐND, năm 2000) có khoảng 300 nhà văn chiến sỹ được ghi tên. Các thế hệ nhà thơ mang áo lính nối tiếp nhau đồng hành cùng dân tộc làm nên nền thi ca cách mạng hào hùng-lãng mạn-nhân văn trong suốt 70 năm qua.

Có thể nói, đó là binh đoàn chủ lực tinh nhuệ đặc biệt, có những cống hiến xuất sắc vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc và sự phát triển của văn học nước nhà trong hơn nửa thế kỷ qua. Mở đầu cho các thế hệ nhà văn, nhà thơ quân đội viết về chiến tranh cách mạng và người lính là lớp nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp mà tên tuổi của họ vẫn được lớp con cháu hôm nay nhắc đến một cách trân trọng: Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng, Chính Hữu, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Huỳnh Văn Nghệ, Xuân Miễn, Trần Mai Ninh, Hoàng Lộc, Thôi Hữu, Thâm Tâm, Hồ Phương... Trong buổi khởi đầu, trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn, gian khổ, chính họ đã viết nên những áng văn, bài thơ thật sự xuất sắc có giá trị về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật. Đó là Tây Tiến (Quang Dũng), Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm), Đồng chí (Chính Hữu), Đèo Cả (Hữu Loan), Nhớ máu (Trần Mai Ninh), Nhớ Bắc (Huỳnh Văn Nghệ), Nhớ miền Đông (Xuân Miễn), Thư nhà (Hồ Phương)...

Viết về người lính giải phóng quân là nguồn cảm hứng bất tận
của các nhà văn, nhà thơ quân đội. 

Lâu nay nhiều người vẫn có thói quen gọi những người viết văn trong quân đội là những nhà văn mặc áo lính. Gọi thế chưa thật chính xác vì phần lớn trong số họ chỉ trở thành nhà văn, nhà thơ sau khi vào bộ đội và sau nhiều năm mặc quân phục. Trước khi trở thành nhà văn, Nguyên Ngọc là đội viên đội Võ trang tuyên truyền của LLVTQK5 hoạt động ở Tây Nguyên; Nguyễn Minh Châu là cán bộ thuộc Ban Tham mưu của một sư đoàn, Quang Dũng là đại đội trưởng của Tiểu đoàn bộ binh Tây Tiến... (kháng chiến chống Pháp).

Trong kháng chiến chống Mỹ điều này càng trở nên phổ biến: Nguyễn Đức Mậu là chiến sĩ bộ binh của một sư đoàn; Đỗ Chu, Lưu Quang Vũ: Phòng không- không quân, Dương Kỳ Anh: sĩ quan điều khiển tên lửa; Nguyễn Duy, Anh Ngọc: Binh chủng thông tin liên lạc; Hữu Thỉnh một trong "Năm anh em trên một chiếc xe tăng"; Chu Lai: Đặc công; Phạm Tiến Duật: Bộ đội vận tải thuộc Đoàn 559; Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh là "lính chiến" Mặt trận Tây Nguyên... Chính cuộc đời chiến đấu đầy chất anh hùng ca và bi tráng đã thôi thúc họ cầm bút, đúng như một nhà thơ đã viết "Không có sách chúng tôi làm ra sách/Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình". Và sách của họ "làm ra" là một khối lượng phong phú đồ sộ bao gồm tiểu thuyết, hồi ký, truyện ký, truyện ngắn, bút ký, thơ ca. Tài năng của nhiều người làm ta khâm phục.

Thu Bồn đâu phải chỉ có trường ca và tiểu thuyết, bài thơ "Vấp một tiếng chim" của anh là một kiệt tác. Trần Đăng Khoa vẫn là "thần đồng" trong những bài thơ như "Thơ tình người lính biển", "Lính đảo hát trường ca". Phạm Ngọc Cảnh nhập ngũ năm 1947, đến thời chống Mỹ vẫn hết sức trẻ trung và duyên dáng trong "Lý ngựa ô giữa hai vùng đất". Nhà thơ "thảo dân" Nguyễn Duy vừa dân dã vừa bác học qua "Hơi ấm ổ rơm" và "Tưởng niệm". Hữu Thỉnh vẫn ám ảnh người đọc trong nhiều bài thơ từ tập thơ "Thương lượng với thời gian". Các nhà thơ Dương Kỳ Anh, Anh Ngọc, Vương Trọng vừa tài vừa tình trong "Bài thơ người đi tìm phần mộ em trai mình", "Khúc ca ru dưới bóng Ăng Co", "Chị Dậu". Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm  học thức và giàu tính sử thi ở "Lửa đèn" và "Đất nước". Nguyễn Minh Châu đầy nhạy cảm và tài năng trong truyện vừa "Cỏ lau". Nguyễn Khải tỉnh táo và thâm thúy qua tiểu thuyết "Gặp gỡ cuối năm". Nguyễn Trọng Oánh quả cảm và quyết đoán khi viết tiểu thuyết "Đất trắng". Nguyên Ngọc khiến người đọc ngả mũ kính nể trong truyện ký "Cát cháy". Đỗ Chu, Ma Văn Kháng tài hoa, nhiều suy ngẫm trong một số truyện ngắn và tiểu thuyết...

Và còn nhiều, nhiều lắm, những tên tuổi khác đã quen thuộc với bạn đọc cả nước bằng những tác phẩm xuất sắc đủ các thể loại, có thể đứng vững được với thời gian. Trong số những người được nhắc tên và chưa được nhắc tên, nhiều người đã trở thành những tên tuổi lớn của văn chương Việt Nam, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT và những phần thưởng cao quý khác.

Lực lượng nhà văn Quân đội thật xứng đáng là một lực lượng hùng hậu, một đội ngũ tài năng!.

Lê Xuân Đồng