Nhân 8-3, đọc "Nhan sắc"
Ngay từ xa xưa, cái đẹp luôn là một trong những điều được bậc chí nhân quân tử quan tâm. Tục ngữ ca dao, nói về cái đẹp cũng là nội dung được quan tâm nhiều nhất. Thành ngữ Việt có câu: Cái nết đánh chết cái đẹp. Và ở đây, không có nghĩa là có sự coi thường cái đẹp mà chính là cái nết cũng là cái đẹp. Cái nết, cái ẩn bên trong, tâm hồn và cái bộc lộ ra bên ngoài, hình thức thể xác. Sự đồng điệu giữa tâm hồn và thể xác là sự tạo nên cái đẹp nhất quán, cái đẹp "không tỳ vết". Trong cuộc sống, thơ luôn được tôn vinh như cái đẹp. Có lẽ vì thế mà người ta hay dùng từ nàng thơ để ví von, so sánh thơ với cái đẹp của người phụ nữ.
Mặn mà... |
Cũng bàn về cái đẹp nhưng cái đẹp ở đây có vẻ rất cụ thể "Nhan sắc". Xét ở góc độ khái niệm, nhan sắc là chỉ vẻ đẹp, sắc đẹp của người phụ nữ. Trong khổ đầu bài thơ, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh viết: Nhan sắc/Thường là do trời ban cho/Người đàn bà coi như báu vật/ Họ thường tiêu xài nhan sắc của mình tùy theo mỗi số phận…".
Trong cuộc sống hằng ngày, khi thấy người phụ nữ có nhan sắc, người ta thường hay nói: Ôi trời, người đâu mà đẹp thế, xinh thế! Hoặc: Trời ban cho sắc đẹp. Đấy là cách nói nôm, đời thường. Nhưng nhan sắc quả là tài sản, một tài sản mà không phải mấy người có được. Đối với người phụ nữ có nhan sắc, không chỉ là tài sản mà còn là niềm tự hào. Niềm tự hào ấy được khẳng định qua các cuộc thi sắc đẹp. Ở đây, Nguyễn Ngọc Hạnh lại sử dụng động từ "tiêu xài". Thứ trời ban, niềm tự hào, một tài sản, báu vật lại đem tiêu xài. Người xưa có câu: Miệng ăn núi lở. Dẫu tài sản ấy, báu vật ấy, nếu không biết trân trọng, không biết giữ gìn, không biết bồi đắp thì sẽ như thế nào? Phận người phụ nữ 12 bến nước, như hạt mưa sa, hạt nào vào đài các, hạt nào ra cánh đồng? Và đã tiêu xài, đương nhiên nó sẽ không còn trọn vẹn, không còn toàn mỹ, sự mất mát là lẽ thường của đời. Cho nên, dù có số phận thế nào, nếu báu vật trời ban ấy đã đem tiêu xài thì khó mà bảo toàn được vẹn nguyên.
Tất nhiên, mở đầu bài thơ của mình, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh không phải chủ đích đi đến cái đó mà nó chỉ như một khổ đề dẫn cho một điều sẽ được nói đến. Đó là: Nhan sắc em là giấc ngủ nồng của con/Là sự tảo tần đêm mưa chờ chồng/Là sớm khuya thân cò lặn lội/Một đời dầm dãi gió sương.
Bây giờ không phải là đối tượng chung chung "đàn bà" mà đã có chủ thể rõ ràng "em". Người đàn bà- em lúc này không còn lấy nhan sắc là vẻ đẹp, nét đẹp của hình thức bên ngoài mà nó chuyển vào đối tượng khác, không còn là của chính mình. Đối tượng ấy là "giấc ngủ nồng của con", là "sự tảo tần đêm mưa chờ chồng", là "thân cò lặn lội", là "dãi gió dầm sương". Trong bốn yếu tố mà người đàn bà - em lấy nó làm nhan sắc thì có tới ba yếu tố chỉ thân phận, sự vất vả của người mẹ, người vợ. Tất cả những "tảo tần", "lặn lội", "gió sương" ấy chỉ cần "giấc ngủ nồng của con". Hạnh phúc đấy, niềm vui đấy. Trong cuộc đời của mình, với người phụ nữ, còn gì hạnh phúc hơn được thế. "Cá chuối đắm đuối vì con". Để cho con có giấc ngủ nồng, người đàn bà - em, người mẹ sẵn sàng chấp nhận, hy sinh tất cả, bởi, đó là nhan sắc làm đẹp cho vẻ đẹp của người đàn bà, một chức phận mà tạo hóa đã ban cho chính họ, và chỉ có họ chứ không thể ai khác.
Nhưng như thế chưa đủ để làm nên nhan sắc của một người đàn bà - em, người mẹ. Nó "chín lịm vào trong", "như quả ngọt", "như tầng tầng câu thơ đa nghĩa". Bây giờ là sự so sánh chứ không còn là sự khẳng định "là" cái đến với chính bản thân phải làm, phải chịu đựng: Nhan sắc em chín lịm vào trong/Như quả ngọt đồng làng/Như tầng tầng câu thơ đa nghĩa/Mơ hồ một cõi mênh mang...
Cái hay ở sự so sánh này chính là tưởng như cụ thể mà lại không cụ thể. Quả ngọt đồng làng là quả gì? Câu thơ đa nghĩa là câu thơ như thế nào? Ấy là chính vì "em chín lịm vào trong". Nhan sắc ấy, nhan sắc của những cái "là" tảo tần, lặn lội, dầm dãi gió sương mà người đàn bà - em, người mẹ đã lặng lẽ, âm thầm cho "giấc nồng của con". Cứ lặng lẽ sống, lặng lẽ yêu, lặng lẽ hy sinh, lặng lẽ chịu đựng. Và đức tính ấy cũng chính là nhan sắc.
Em đâu phải hồng nhan/Mà trời trao phận bạc/Thơ tôi không làm thêm nhan sắc/ Em cứ lặng thầm mà chín vào trong… Đến đây thì Nguyễn Ngọc Hạnh đã thực sự chỉ rõ đối tượng cụ thể về thân phận của người đàn bà- em, người mẹ. Một người có "phận bạc" dù chẳng phải hồng nhan. Và cho dù cuộc sống, cho dù sự ca tụng của cái đẹp thế nào thì cũng không làm nên nhan sắc cho người đàn bà - em, người mẹ ấy. Bởi với người đàn bà - em, người mẹ, cái lặng thầm nhan sắc đã chín vào trong. Nhan sắc không chỉ còn là vẻ đẹp, sắc đẹp bên ngoài mà nó là những đức hy sinh, sự tảo tần, nỗi vất vả và sự hy sinh cho hạnh phúc nhỏ nhoi "giấc ngủ nồng của con" đã làm nên nhan sắc. Cái đẹp bên trong, cái đẹp ẩn vào trong những gì mà cuộc sống phải chịu đựng. Nhan sắc trời ban, báu vật của đời đem tiêu xài với nhan sắc cứ lặng thầm của đức hy sinh thì cái nào đẹp hơn, cái nào là chân giá trị đích thực? Và Nguyễn Ngọc Hạnh đã khẳng định: Trời không cho, đời không ban/Em làm nên nhan sắc riêng mình...
Nhan sắc, nét đẹp ấy chỉ có và duy nhất có từ chính chiều sâu của tâm hồn, do chính người đàn bà - em, người mẹ ấy đã làm nên. Một nhan sắc mà trời không thể cho và đời cũng chẳng thể ban. Chính sự lặng thầm và đức hy sinh đã làm nên nhan sắc, cái đẹp của người đàn bà- em, người mẹ Nguyễn Ngọc Hạnh muốn nói đến.
Bằng giọng thơ tự sự, ngôn ngữ giản dị, gần gũi, dễ hiểu và rất đầy cảm xúc, "Nhan sắc" của Nguyễn Ngọc Hạnh tạo nên hiệu ứng trong trường liên tưởng giữa những cảm nhận giữa người viết với người đọc. Lúc đầu đưa ra giá trị của nhan sắc rồi trong quá trình phát triển, là sự chứng minh cho cái đẹp không phải là cái ta nhìn thấy, phô diễn bên ngoài mà nó là cái ẩn sâu bên trong thân phận của con người, là cái đẹp từ đức hy sinh, từ hạnh phúc rất nhỏ của đời thường khi chức phận làm mẹ. Đây chính là lối nói phản biện mà Nguyễn Ngọc Hạnh đã dụng công trong "Nhan sắc". Đây cũng chính là cái hay, sự thành công Nguyễn Ngọc Hạnh đưa đến cho bạn đọc.
Tháng Ba.2021
Hoàn Nguyễn