Nhẫn "bắt chồng" của cô gái Chu Ru
Đôi nhẫn cưới bạc dành cho các cô gái Chu Ru.
(Cadn.com.vn) - Trải qua không biết bao nhiêu đời người, chiếc nhẫn bạc không chỉ là vật trang sức, của hồi môn mà còn là “tín vật” không thể thiếu trong hôn ước của người Chu Ru. Nhưng giờ đây trong cộng đồng người Chu Ru gần 15 ngàn người ở Lâm Đồng chỉ còn duy nhất một người còn bảo lưu được nghề làm nhẫn cưới-đó là nghệ nhân Ya Tuất.
Nhẫn cưới tục truyền
Trong căn nhà gỗ tềnh toàng tại thôn Ma Đanh (nay là thôn Ha Woai, xã Tu Tra, Đơn Dương, Lâm Đồng), Ya Tuất vẫn đang miệt mài tạo khuôn chế tác nhẫn bạc cho các cô gái người Chu Ru làm “tín vật” đi bắt chồng.
Gặp chúng tôi, Ya Tuất vui vẻ cho biết anh đang cố gắng làm cho xong lô nhẫn bạc gần 40 chiếc để chuẩn bị cho đám cưới của cô con gái đầu lòng - Ma Nở, năm nay đã bước sang tuổi 18. Số nhẫn này gia đình sẽ tặng cho họ nhà trai theo tập tục của người Chu Ru. Ya Tuất khoe cặp nhẫn cưới rất đặc biệt mà anh đã dồn hết tâm trí, tài nghệ từ đôi bàn tay tài hoa của mình để chế tác dành riêng cho cô con gái cưng. Đôi nhẫn thật tuyệt, chiếc nhẫn mái (Sri Căr) trơn bóng, mặt đính hạt cây rừng màu xanh trông rất duyên, còn chiếc nhẫn trống (Srí Lơ Hây) mặt đính hạt Kă Réh (hạt cây Kơ Nia) màu đỏ như đá hồng ngọc với các đường nét hoa văn, 12 vòng nhuận trống thể hiện 12 tháng của năm trên nhẫn đều thật sắc sảo, đẹp và hoàn hảo. Đây cũng là chiếc nhẫn mà Ma Nở sẽ trân trọng trao cho Ya Hiêng trong lễ cưới đã cận kề. Với khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc, Ma Nở bẽn lẽn: “Em bắt chồng và 2 đứa đã về ở với nhau từ tháng 9 vừa rồi, nhưng chưa đủ tiền và phải đợi gặt xong lúa mới có thể làm đám cưới. Hôm ấy các anh nhớ ghé dự đám cưới của tụi em”. Dĩ nhiên là chúng tôi không thể từ chối lời mời của Ma Nở. Cầm cặp nhẫn trên tay, anh bạn đồng nghiệp chợt hỏi: “Sao không là nhẫn vàng mà lại nhẫn bạc?”. Ya Tuất vui vẻ nói: “Tục lệ của ông bà mình phải theo. Người Chu Ru trong cưới xin dù nghèo đến mấy cũng không thể thiếu chiếc nhẫn bạc, cũng như người Kinh không thể thiếu nhẫn vàng”.
Câu chuyện bị ngắt quãng vì có mấy cô gái Chu Ru ríu rít đến lấy nhẫn cưới đã đặt trước. Ya Tuất cho biết: “Từ nay đến hết tháng 3 năm sau công việc làm nhẫn của mình sẽ khá bận rộn. Đây là khoảng thời gian nông nhàn nên các cô gái Chu Ru đến tuổi cập kê rủ nhau đi bắt chồng. Nhiều việc quá một mình làm không xuể...”. Ma Wêl, vợ của nghệ nhân Ya Tuất, tiếp lời của chồng: Nhiều người ở Pró, R’Lơm, Cam Butta, K’Dơn, M’Krăng gõ (Đơn Dương), Tà Năng (Đức Trọng), Xã Lác (Lạc Dương), người Chăm (Ninh Thuận), người Kinh ở Đồng Nai, Vũng Tàu cũng đến đặt nhẫn cưới. Trong Festival hoa Đà Lạt 2005, người ta cũng đến đặt làm 300 chiếc nhẫn cưới cho 150 cặp uyên ương tại đám cưới hoa Đà Lạt. Và có cả người Mỹ là ông David Abrecht cũng đến đặt làm 15 chiếc nhẫn để về làm quà cho người thân và bạn bè... Ya Tuất cho biết là đã truyền được nghề cho đứa con trai 15 tuổi của mình là Ya Thương. Và sang xuân, anh cũng sẽ truyền nghề cho con rể Ya Hiêng, tuy nhiên còn phải chờ xem tố chất của chàng rể như thế nào đã...
Ya Tuất và con trai đang tạo khuôn đúc nhẫn bằng sáp ong.
Dấu ấn văn hóa tâm linh trên từng đôi nhẫn
Để có được một đôi nhẫn cưới cho các cô gái Chu Ru đi bắt chồng, nghệ nhân phải thực hiện đầy đủ các công đoạn như lấy củi, nấu sáp, làm hoa văn cho nhẫn, tạo khuôn, nấu bạc, đánh bóng nhẫn..., trong đó khó nhất là công đoạn tạo khuôn, nếu không cẩn thận nhẫn sẽ bị nứt gãy và xâm kim. Theo Ya Tuất, trừ bạc và sáp ong anh mua ở tiệm, những nguyên liệu còn lại như phân trâu (phải là phân của con trâu đực 3 tuổi) để trộn với đất sét (được lấy từ một nơi bí mật trong rừng), các chất liệu khác như lá dứa, củi đều được mang về từ rừng xanh. Có một điều đặc biệt, là trước ngày đúc nhẫn nghệ nhân phải “chay tịnh”. “Việc chế tác nhẫn bạc hoàn toàn thủ công, mình chỉ sử dụng một bộ đồ nghề bằng gỗ - đây là bộ đồ nghề mẫu hệ được đời trước truyền lại chứ đâu phải mình làm là được” – Ya Tuất nói.
Thạc sĩ Đặng Trọng Hộ - trưởng nhóm Đề tài nghiên cứu nghề thủ công của đồng bào dân tộc bản địa Lâm Đồng (do Sở Khoa học Lâm Đồng chủ trì), cho biết: Người làm nhẫn nhờ vào sự khéo léo của đôi tay, kết hợp với những bí quyết tục truyền của dòng tộc, vậy nên những cặp nhẫn cưới mang dấu ấn văn hóa rất riêng của người Chu Ru. Đây là loại nhẫn thuộc loại độc bản, không có cái nào giống cái nào. Điều đặc biệt, việc chế tác nhẫn cưới bạc được nghệ nhân tiến hành một cách rất tỉ mẩn, đầy tính tâm linh vậy nên trai gái Chu Ru khi đã trao nhẫn đính ước cho nhau rồi thì mãi mãi không bao giờ xa nhau. Cũng theo ông Hộ, trong quá trình chế tác nhẫn cưới bạc, người nghệ nhân luôn tập trung hết thần thái, tâm nguyện, ý chí, tình cảm và tâm lực cho công việc đúc nhẫn. Khi đúc nhẫn, nghệ nhân không nghĩ đến yếu tố kinh tế (một cặp nhẫn bạc hiện nay chỉ có giá 60.000 đồng, 80.000 đồng, và 100.000 đồng tùy theo hoa văn của nhẫn) mà chỉ nghĩ đến độ bền, đẹp, và chủ yếu là tinh thần... vậy nên đã tạo ra sản phẩm có giá trị văn hóa cao.
Một đồng nghiệp của Thạc sĩ Đặng Trọng Hộ, đang nghiên cứu về nghề đúc nhẫn bạc Chu Ru, cho biết thêm: Nét văn hóa còn thể hiện ngay trên mặt của chiếc nhẫn bạc. Bao giờ chiếc nhẫn trống (Srí Lơ Hây) mà các cô gái Chu Ru dùng làm “tín vật” bắt chồng cũng được gắn hạt cây Kơ Nia trên mặt nhẫn. Người dân Tây Nguyên luôn xem cây Kơ Nia là “biểu trưng” cho sự bền vững, thủy chung, và đặc biệt cây Kơ Nia có một vị trí rất quan trọng với đồng bào gốc bản địa Tây Nguyên. Chính vì vậy, người Chu Ru càng tin tưởng vào sự huyền diệu của chiếc nhẫn, giúp những đôi trai gái tin tưởng và gắn kết bền chặt trong hôn nhân gia đình. Bên cạnh đó, người Chu Ru còn có những tập tục rất riêng để buộc đôi trai gái sống với nhau bền lâu, vì nếu ai đề xuất ly hôn người đó phải đền một con trâu, và số trâu cũng sẽ tăng khi con cái càng đông. Ya Tiêng, cha của Ya Tuất bộc bạch: “Người Chu Ru có quan niệm lấy nhau hay bỏ nhau là danh dự của hai dòng tộc chứ không chỉ riêng của hai gia đình. Vậy nên chiếc nhẫn là tín vật mang danh dự của cả 2 dòng tộc”. Nó như một sợi dây “tơ hồng” buộc chặt hôn nhân giữa 2 người và không thể nào dứt bỏ được, điều này làm nên nét văn hóa độc đáo cho chiếc nhẫn cưới của người Chu Ru.
Thụy Trang