Nhận cuộc gọi của “cán bộ” thông báo vi phạm giao thông, người dân cần làm gì?
Ông Lê Văn Trung - Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, cho hay: Trong thời gian gần đây, Sở GTVT TP nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc có nhiều đối tượng giả mạo cán bộ của Sở GTVT, Công an TP, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP Đà Nẵng để gọi điện thoại thông báo về việc công dân vi phạm TTATGT, gây TNGT rồi bỏ trốn, sau đó, đe dọa và yêu cầu tổ chức, công dân cung cấp thông tin cá nhân như: CMND, căn cước công dân, họ tên, ngày sinh, địa chỉ thường trú...
Để phòng tránh các vụ việc lừa đảo từ việc giả mạo này, Sở GTVT TP đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng (Tổng đài 1022) và các cơ quan thông tấn, báo chí thông báo đến toàn thể nhân dân trên địa bàn TP một số nội dung sau: Theo quy định hiện hành, khi có yêu cầu làm việc, thông báo các trường hợp vi phạm TTATGT thuộc thẩm quyền xử lý, Thanh tra Sở GTVT TP sẽ gửi giấy mời, thông báo vi phạm bằng văn bản và làm việc trực tiếp, không làm việc qua điện thoại; tổ chức thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến người dân các thủ đoạn, phương thức lừa đảo qua điện thoại, thiết bị công nghệ để phòng tránh cũng như nâng cao nhận thức về bảo vệ thông tin cá nhân, tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào của các đối tượng, nhất là không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, trong trường hợp bị gọi điện thông báo, đe dọa, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý. Đồng thời Sở GTVT TP đề nghị Công an TP quan tâm hỗ trợ tiến hành điều tra, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp lừa đảo, giả mạo nêu trên nhằm bảo vệ uy tín cho đơn vị.
PHÚ NAM