Báo Công An Đà Nẵng

Nhận diện một số tiêu chí để đánh giá chính quyền đô thị Đà Nẵng

Thứ ba, 21/07/2020 14:23

Một góc TP Đà Nẵng.

Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như là một điểm nhấn, là căn cứ pháp lý, thậm chí là động lực cho thành phố Đà Nẵng hình thành triết lý phát triển, đổi mới phương thức quản lý đô thị, từng bước thực hiện “giấc mơ Đà Nẵng”. Trong khuôn khổ của bài viết này, với tư cách là người đã nhiều năm nghiên cứu về đô thị và chính quyền đô thị, xin được đề cập đến một số tiêu chí đánh giá chất lượng chính quyền đô thị.

Thứ nhất, tiêu chí “sự hài lòng của khách hàng” trong quản lý chất lượng nhấn mạnh đến tiêu điểm quan tâm của khách hàng, yêu cầu chính quyền đô thị phải xem trọng ý thức phục vụ dân dân, cung cấp những “sản phẩm” công có chất lượng và hài lòng đa số thị dân.

Bộ máy chính quyền ở đô thị với tư cách là người đại diện lợi ích chính đáng và hợp pháp của đại bộ phận nhân dân thì việc “lấy dân làm gốc” là nghĩa vụ căn bản trong cung cách phục vụ nhân dân. Thế nhưng, trong suốt thời gian dài (nhất là thời kỳ bao cấp), do ảnh hưởng bởi tư duy ban phát, “quan trên” nên đại bộ phận cán bộ công chức, viên chức không hiểu được đối tượng phục vụ là ai, và như vậy thì càng không hiểu được những kỳ vọng của nhân dân (đối tượng được phục vụ). Với vai trò và vị trí của “nhà quản lý” gắn với những quyền “tối thượng” và được “đứng trên” nhân dân nên hầu hết các cơ quan, bộ phận trong bộ máy hành chính thiếu hẳn thái độ phục vụ để thỏa mãn sự hài lòng của thị dân. Đó là chưa nói đến hiệu suất làm việc của bộ máy hành chính thấp, lãng phí nguồn tài nguyên công, tổn hại đến lợi ích chính đáng và hợp pháp của nhân dân.

Do đó, xây dựng ý thức “thỏa mãn khách hàng” (và sẽ hình thành các thang đo cụ thể để đánh giá hàng năm) sẽ chỉnh đốn thái độ và ý thức phục vụ của từng cán bộ, công nhân viên trong toàn bộ bộ máy chính quyền đô thị. Lấy phục vụ làm vị trí trọng tâm, luôn có thái độ đúng đắn và thân mật với công chúng, lấy sự đánh giá của nhân dân làm cơ sở cho đánh giá chất lượng chính quyền đô thị. Lấy chất lượng phục vụ công làm mục tiêu, lấy nhu cầu của nhân dân làm cơ sở để hoàn thiện cơ chế quản lý.

Người dân Đà Nẵng và du khách quốc tế.

Thứ hai, tiêu chí “sự tham gia của các chủ thể” nhấn mạnh “dĩ nhân vi bản”, đồng thời nhấn mạnh vai trò của chính quyền trong việc vận động, tổ chức, khuyến khích tính chủ động, tính tích cực, tính sáng tạo của các chủ thể tham gia vào quá trình quản trị đô thị.

Chủ trương lấy tiêu chí “sự tham gia của các chủ thể” vào trong quản lý chất lượng chính quyền đô thị là khuyến khích sự tham gia của các thành viên trong bộ máy chính quyền cũng như quảng đại quần chúng tham gia vào trong quá trình quản lý đô thị. Đối với các thành viên chính quyền (cán bộ, công chức, viên chức) cần tăng cường trách nhiệm trong xử lý và thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan đến các chính sách công, từ đó phát huy được các nguồn lực trong nội tại của bộ máy công quyền, nâng cao tính sáng tạo, tính tích cực, tính trách nhiệm và tính cố kết trong mỗi tổ chức; đối với người dân (và các chủ thể xã hội khác) là thông qua các ưu thế hiện hữu của mình, bằng nhiều kênh khác nhau có nhu cầu và kỳ vọng tham gia vào quá trình quản lý đô thị như tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, giám sát hay cung cấp những sản phẩm công cộng, dịch vụ công. Động viên, cổ vũ sự tham gia của quần chúng và các chủ thể xã hội vào quản lý xã hội đô thị cũng thực hiện dân chủ hóa đời sống chính trị, bảo đảm lợi ích chính đáng của đại bộ phận nhân dân và từ đó cải thiện được hình tượng đô thị, nâng cao tình cảm trách nhiệm của thị dân đối với chính quyền đô thị. Khi bắt tay xây dựng và vận hành mô thức chính quyền đô thị thì, ngoài người lãnh đạo (cấp cao nhất và các cấp trong hệ thống chính quyền đô thị) thì người dân cần phải hiểu thấu đáo về sứ mệnh của thành phố mà họ đang sống, theo đó, mỗi người dân cần phải có hành động để góp phần xây dựng thành phố của mình.

Thứ ba, tiêu chí “quản lý toàn bộ quá trình” nhấn mạnh đến quản lý hệ thống và quản lý quá trình, yêu cầu chính quyền không được lãng phí nguồn tài nguyên công, đảm bảo chất lượng phục vụ công và các sản phẩm công có hiệu suất cao nhất.

Đối với bất cứ một đô thị nào cũng phải đương đầu với vấn đề thiếu hụt các nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực, trí lực, thời lực), do đó vấn đề là cần phát huy vai trò của bộ máy chính quyền, nhất là trong vấn đề quản lý nguồn lực, quản lý chất lượng để nâng cao chất lượng ra quyết sách, chất lượng chấp hành và chất lượng công tác kiểm tra, giám sát. Trong quá trình này, quản lý chất lượng là công tác dự phòng và quản lý các nguồn lực sao cho hiệu quả, tránh lãng phí. Tránh trường hợp “nóng đâu phủi đó”, “sai đâu sửa đó” hay “đầu voi đuôi chuột” để rồi đối phó theo kiểu giải quyết tình huống. Điều này vừa gây lãng phí, vừa bộc lộ yếu kém trong quản lý chất lượng, trong phục vụ công.

Thứ tư, tiêu chí cải tiến liên tục và bền vững đề cập đến triết lý “không bao giờ thỏa mãn”, tức là cái gì cũng có thể hoàn thiện hơn, chất lượng sản phẩm công và phục vụ công liên tục được nâng cao, đảm bảo sự hài lòng cao nhất của nhân dân.

Kiểu quản lý truyền thống nặng tính quan liêu, mệnh lệnh hành chính và cứng nhắc, thiếu cơ chế kích lệ và dung nạp được những cái mới làm cho cán bộ công chức viên chức và cả chính quyền mất đi động lực nội tại để sáng tạo, làm việc hiệu suất. Từ đó nảy sinh tâm lý tự thỏa mãn, tự tôn, bản vị chủ nghĩa,...

Trong xu thế toàn cầu hóa nhất là công nghệ thông tin như hiện nay, mọi vấn đề biến đổi rất nhanh, rất phức tạp; công tác quản lý xã hội đô thị theo mô thức cũ không còn phù hợp nữa mà cần phải có những thay đổi để phù hợp, nhất là vấn đề chất lượng phục vụ, chất lượng và phương thức quản lý. Tức là cần phải có ý thức cải cách, cải tiến không ngừng, lấy sự thỏa mãn của nhân dân là thước đo cung cách và chất lượng phục vụ, lấy lợi ích chính đáng và hợp pháp của thị dân làm mục tiêu sửa đổi và cải cách phương thức quản lý.

Thứ năm, tiêu chí lượng hóa, tiến hành xây dựng hệ thang đo và các chuẩn “đầu ra” cho từng hạng mục, nhiệm vụ, lấy đó làm cơ sở cho sự đánh giá về tính hiệu quả của một chính quyền đô thị.

Thành quả quản lý chất lượng của chính quyền đô thị được thể hiện trên nhiều phương diện như chí ít phải được thể hiện ở hiệu quả vận hành, hiệu quả thỏa mãn nhu cầu của người dân/khách hàng; hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực. Theo đó cần tiếp tục “cân, đong, đo, đếm” đến từng lĩnh vực cụ thể như hiệu quả khía cạnh chính trị (tính dân chủ trong thực hiện chính sách, mức độ tuân thủ pháp luật, mức độ thực hiện quy chế dân chủ, công bằng trong chấp pháp,...); khía cạnh hiệu quả kinh tế đô thị (tốc độ tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng, mức tiêu phí nguồn tài nguyên, năng suất lao động,...); khía cạnh hiệu quả văn hóa đô thị (mức độ phát triển nhà sách, thư viện công, đầu tư cho giáo dục, phát triển sự nghiệp văn hóa nghe nhìn, trình độ và tố chất văn hóa, đạo đức công dân,...); khía cạnh hiệu quả xã hội (thu nhập bình quân đầu người, diện tích nhà ở bình quân, an sinh xã hội, y tế công cộng,...). Ngoài ra còn cần hình thành các tiêu chí để lượng giá về hiệu suất hành chính, chi phí nội bộ, chiến lược phát triển nguồn nhân lực và đội ngũ lãnh đạo, mức độ công bằng, liêm chính,...

Thiết nghĩ, những công việc mà Đà Nẵng “cần làm ngay” để thực hiện nhiệm vụ trước mắt cũng như đến năm 2045 hình thành một thành phố thông minh, một đô thị lớn, một trung tâm khởi nghiệp, một thành phố đổi mới, sáng tạo và đáng sống chính là hình thành các tiêu chí (càng cụ thể càng tốt) để có bước đi phù hợp, có cơ sở để “làm đến đâu đánh giá đến đó”, tránh chung chung, đại khái, thiếu cơ sở khoa học. Muốn vậy, cần có sự quyết tâm lớn của người lãnh đạo cao nhất thành phố, của toàn chính quyền đô thị, tất cả người dân và quan trọng không kém là hiệu triệu được các nhà khoa học để chung tay xây dựng một thành phố Đà Nẵng như tinh thần của Nghị quyết 43.

TS. PHẠM ĐI

Học viện chính trị khu vực III