Báo Công An Đà Nẵng

Nhân kỷ niệm 49 năm ngày ký hiệp định PariS (27-1-1973-27-1-2022): Nguyễn Thị Bình và chuyện phát ngôn báo chí ở Hội nghị Paris

Thứ tư, 26/01/2022 22:24

Nói về nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, tôi có một kỷ niệm. Đó là lần gặp gỡ cô Bình tại nhà riêng ở Hà Nội khi được cô nhận lời phỏng vấn cho phim tài liệu "Người Quảng ở Thủ đô". Đâu dễ mấy khi có được cơ hội, nên tôi chuyển sang một đề tài khác với cô Bình. Đó là chuyện "Phát ngôn báo chí ở hội nghị Paris".

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình -Ảnh chụp năm 2021 nhân dịp cô Bình được Đảng, Nhà nước trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.

Theo lời cô Bình: Theo dõi khá xuyên suốt và là người phát ngôn báo chí của đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc Giải phóng, sau là Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tại hội nghị Paris là Lý Văn Sáu- nguyên Phó giám đốc Đài Phát thanh giải phóng miền Nam. Sau này ông đảm trách nhiều cương vị như, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam kiêm Tổng biên tập Đài Truyền hình Việt Nam, Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó Tổng biên tập Thông tấn xã Việt Nam. Trầm tư một hồi cô Bình cho biết, "Anh Sáu mất ngày 30-4-2012… Đây là một con người thông minh, tư duy báo chí rất nhạy bén, sắc sảo nhưng cũng rất điềm tĩnh, khôn khéo của một nhà ngoại giao". Nếu tính cả hai giai đoạn, từ cuộc đàm phán giữa Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Hoa Kỳ để buộc Mỹ phải chấm dứt ném bom miền Bắc, đến hội nghị 4 bên để tìm giải pháp toàn diện cho chiến tranh, tất cả có 202 phiên (chưa kể 14 phiên họp về hình thù cái bàn và 24 cuộc gặp riêng giữa cố vấn Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Xuân Thủy và Kissinger".

Theo thỏa thuận giữa các bên, sau mỗi phiên họp chính thức sẽ có họp báo của người phát ngôn các đoàn. Người phát ngôn chính của đoàn miền Bắc là nhà báo Hoàng Thành Lê- Phó Tổng biên tập Báo Nhân dân, đã từng tham gia hội nghị Genève về Việt Nam 1954 và về Lào 1961-1962, lúc anh Lê vắng có anh Nguyễn Minh Vỹ- Tổng biên tập Báo Thống Nhất, hoặc anh Lê Quang Hiệp họp thay. Đoàn Mặt trận ngoài anh Lý Văn Sáu còn có anh Dương Đình Thảo, Trần Hoài Nam. Những lúc đi vắng thì có anh Đinh Bá Thi, Trần Văn Tư. Phía đoàn Hoa Kỳ, người phát ngôn thường thay đổi, thời gian đầu là David A. Engel, rồi tới Ledogar, người phát ngôn của chính quyền Sài Gòn là ông Nguyễn Triệu Đan, có lúc là Hoàng Xuân Phong. Đó còn rất nhiều nhà báo đến từ nhiều quốc gia khác, dần dà đa số họ đều trở thành những người bạn quen, ủng hộ lập trường chính nghĩa của ta…

Tại một cuộc họp báo người phát ngôn của đoàn mặt trận nhờ chị Phạm Thị Thanh Vân thư ký, anh Huỳnh Hữu Nghiệp một trí thức quê miền Nam có bằng tiến sỹ, ủy viên Ban chấp hành liên hiệp Việt kiều tại Pháp đến phiên dịch giúp đoàn (nhằm tránh những sai sót có thể nếu trả lời trực tiếp qua tiếng nước ngoài). Với cách phiên dịch chuẩn xác đúng văn phong báo chí, anh Nghiệp đã góp phần quan trọng trong tranh thủ dư luận. Cô Bình nhớ mãi, trong phiên họp này bất ngờ một nhà báo Mỹ không mấy danh tiếng đưa ra một tấm bản đồ khá lớn và hỏi "Mặt trận các ông thường khoe là kiểm soát được tới 2/3 lãnh thổ Việt Nam, vậy ông vui lòng chỉ cho tôi xem trên tấm bản đồ này các vùng giải phóng đó ở đâu".  Anh Lý Văn Sáu trả lời: "Điều ông hỏi cũng là điều Bộ chỉ huy Quân sự Mỹ ở Sài Gòn muốn biết, xin ông hãy đọc thông cáo quân sự Mỹ ngày hôm nay xem máy bay của họ đã ném bom những nơi nào ở miền Nam Việt Nam. Những nơi ấy chính là vùng giải phóng của chúng tôi". Có tiếng vỗ tay trong phòng họp…

Một cuộc họp báo gây chấn động báo giới về tố cáo tội ác của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Đó là vào cuối năm 1969, nhà báo Mỹ Seymour Hersh, phóng viên chiến tranh của New York Times công bố loạt ảnh chụp cuộc thảm sát Mỹ Lai (Sơn Mỹ) do binh lính Mỹ gây ra tại Quảng Ngãi 16-3-1968. Ta cực lực tố cáo tội ác trên bàn hội nghị. Ít lâu sau, trong nước gửi ra bản danh sách những nạn nhân vụ thảm sát với đầy đủ tên tuổi. Đầu năm sau em Võ Thị Liên, 12 tuổi, quê Sơn Mỹ, sống sót sau vụ thảm sát được gửi sang Châu Âu làm nhân chứng tố cáo tội ác. Em Liên ở trước các nhà báo Tây Đức, Pháp vừa khóc vừa kể lại vụ thảm sát với những chi tiết làm mọi người xúc động. Trả lời một nhà báo hỏi, tại sao em mới có hơn 10 tuổi mà đã biết đầy đủ ký hiệu các loại trực thăng Mỹ đem quân đổ bộ, ném bom bắn phá. Em Liên nói: "Cũng như các bác ở đây phân biệt được các kiểu ô-tô chạy ngoài đường, cháu ở nhà quê hàng ngày thấy máy bay Mỹ đi đổ quân, ném bom, bắn phá xóm làng thì cháu cũng phải phân biệt đó là các loại máy bay gì để mà trốn tránh chớ". Câu trả lời đã làm các nhà báo hài lòng và thán phục trí thông minh của một em bé Việt Nam.

 Bà Nguyễn Thị Bình ký kết Hiệp định Paris ngày 27-1-1973. Ảnh tư liệu

Tại cuộc họp báo, một nhà báo Pháp hỏi người phát ngôn của ta: "Ông nghĩ gì về việc trưởng đoàn Sài Gòn khoe khoang bản chất tốt đẹp của chính quyền họ?". Anh Lý Văn Sáu đáp: "Con lạc đà chui qua lỗ trôn kim còn dễ hơn chính quyền Sài Gòn tự cho mình là độc lập, dân chủ, yêu nước". Hôm sau, tờ báo công giáo La Croix viết: "Người phát ngôn Việt Cộng cũng đang dùng ngụ ngôn trong Kinh thánh".

Ở một cuộc họp báo khác, lại có chuyện "Trung ương cục ở đâu?". Trung ương cục là cơ quan lãnh đạo của Đảng ta ở miền Nam, Mỹ gọi là COSVN (Central Office for South Vietnam). Quân Mỹ mở nhiều chiến dịch tiến công hòng "cất vó". Nhưng khi "vòng vây khép lại" thì như chính họ thừa nhận, chỉ tìm thấy được vài túp lều bỏ trống. Nhà báo hỏi: "VOSVN của các ông biến đi đâu mà tài thế?". Anh Lý Văn Sáu chỉ vào tim mình và trả lời: "Các nhà lãnh đạo của chúng tôi ở trong lòng nhân dân nên quân Mỹ không thể nào tìm bắt họ được. Có thể giờ này họ đang ở Sài Gòn".

Được biết, trong lần đến Hà Nội, ngày 8-2-1973, ông Kissinger thăm Bảo tàng Lịch sử, khi nghe lời hịch của Lý Thường Kiệt khắc trên bia đá do cô thuyết minh đọc  "Nam quốc sơn hà, Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư…" ông đã buột miệng: "Đây chính là điểm 1 của Hiệp định Paris".  Điều cũng rất đáng nhớ, theo cô Bình đó là tin Bác mất. Bộ trưởng Xuân Thủy và cô về Hà Nội chịu tang Bác. Hai đoàn Việt Nam thông báo nghỉ một phiên họp.

Theo thông tin trong một bài viết của người phát ngôn Chính phủ cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam thì bộ phận báo chí ta ở Paris nhận tin Bác mất qua điện thoại rất khuya (ngày 4-9-1969). Ngay sau đó phóng viên AFP đã điện đến xin lỗi muốn được biết bình luận của người phát ngôn Chính phủ cách mạng lâm thời về sự kiện này. Người phát ngôn của ta đã trả lời: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại, là người cha của cả dân tộc chúng tôi. Người qua đời là một mất mát lớn không gì bù đắp được". Lại hỏi: "Theo ông sự kiện này có tác động gì đến hội nghị bốn bên?". Trả lời: "Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đấu tranh cho một giải pháp đảm bảo các quyền dân tộc thiêng liêng của nhân dân chúng tôi, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Tiếp sau đó rất nhiều báo chí điện đến phỏng vấn, hầu hết các câu hỏi đều bày tỏ lo lắng tình hình lãnh đạo của Đảng ta sau khi Bác mất, quý trọng Bác và tôn trọng tình cảm của chúng ta. Ít hôm sau bài thơ "Bác ơi" của Tố Hữu cũng có mặt ở Paris, sau nữa là bài thơ của nhà báo Trần Bạch Đằng trong đó có hai câu "Chửi thù rồi lại giận ta/ Nghĩ câu hiếu đạo thật là con hư"…       

Người phát ngôn của Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam đã dịch hai câu thơ này cho chị Madeleine Riffaud (nhà báo Pháp từng được Bác Hồ nhận làm con nuôi) đại ý "con hư" đây là nói chiến sỹ và đồng bào ta đã không giành thắng lợi sớm hơn để rước Bác vào thăm miền Nam, nơi Bác từng nói miền Nam trong trái tim tôi. Chị Madeleine Riffaud nói trong nước mắt: "Đối với Bác Hồ tôi cũng chỉ là một đứa con gái bất hiếu"…

Câu chuyện "Phát ngôn báo chí ở Hội nghị Paris" còn rất dài, chưa có dịp để kể hết. Có thể nói báo chí, dư luận đó cũng chính là một binh chủng, có vai trò và đóng góp vô cùng quan trọng trên mặt trận ngoại giao để chúng ta buộc Mỹ phải ký hiệp định Paris vào ngày 27-1-1973 về lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhiều năm đã trôi qua, song trong ký ức cô Bình và theo cô Bình chỉ riêng chuyện phát ngôn báo chí thôi vẫn còn đó nhiều vấn đề mang tính lịch sử, thời sự mà không chỉ những người làm báo nên biết…

Võ Văn Trường