Báo Công An Đà Nẵng

Nhân kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam Việt Nam (10-8-1961 – 10-8-2021): Nỗi đau không nói thành lời

Thứ ba, 10/08/2021 12:00

Vùng nông thôn Hòa Vang (TP Đà Nẵng) hiện có hơn 900 trường hợp bị phơi nhiễm chất độc da cam (CĐDC), trong đó phần lớn là nạn nhân gián tiếp. Hãy cùng sẻ chia để xoa dịu nước mắt của biết bao người mẹ, người cha vốn là đồng đội của tôi trong sứ mạng giải phóng nhân dân xứ sở Chùa Tháp thoát khỏi nạn diệt chủng năm 1979… đang phải âm ỉ gánh chịu nỗi đau này.

Vợ chồng cựu binh Tán Đồng (Bồ Bản, xã Hòa Phong) chăm sóc những đứa con bị phơi nhiễm CĐDC.

Cựu binh Trần Văn Hòe (thôn Hương Lam, xã Hòa Khương) trải lòng, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại vùng biên giới Kon Tum- Ratanakiri (Campuchia), ông về quê lập gia đình và sản phẩm kết tinh từ tình yêu của vợ chồng ông là đứa con gái đầu lòng tên Hương, nhưng niềm vui lại không trọn vẹn. 4 tháng tuổi, cháu Hương có nhiều biểu hiện khác so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Đưa con đi khám chữa bệnh nhiều nơi nhưng bệnh tình của cháu vẫn không thuyên giảm. 3 năm sau, vợ chồng ông sinh thêm cháu Nhân.

Niềm khao khát có một đứa con lành lặn lại không thành hiện thực, bệnh tình bé Nhân ngày càng giống chị. Mãi đến sau này, trải qua nhiều công đoạn xét nghiệm, ông mới hiểu, các con mình bị di chứng CĐDC và đang trong giai đoạn phơi nhiễm. CĐDC đã biến các con ông thành vô tri, vô giác. “Ai cũng muốn con mình sinh ra được bình thường như bao đứa trẻ khác. Than thân, trách phận cũng chẳng giải quyết được gì. Thôi thì con mình mang nặng đẻ đau, mình phải có trách nhiệm nuôi dưỡng”, ông Hòe ngậm ngùi chia sẻ.

Với khuôn mặt hốc hác, hơn 20 năm qua, bà Võ Thị Nhân (trú thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong) cùng chồng là cựu binh Tán Đồng từ chiến trường biên giới Tây Nam trở về phải chịu đựng, nuôi dưỡng những đứa con bị phơi nhiễm CĐDC. Chẳng biết đã bao lần, bà đã khóc thầm khi nhìn những đứa trẻ khác trong thôn tung tăng cắp sách đến trường mà con mình thì lại tồn tại hơn là sống. Mỗi lần cho con ăn uống, sâu thẳm từ đáy lòng là sự xót xa của người mẹ. Bao đêm ngồi thức trắng chăm sóc con đau ốm, tâm can bà như bị ai cào xé…

Còn cựu binh Phạm Xong (trú An Trạch, xã Hòa Tiến) cũng là bộ đội xuất ngũ. Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia, ông về quê lập gia đình. Ngày ngày vác cuốc ra đồng, tối về vui đùa với con trẻ. Cứ ngỡ niềm hạnh phúc dung dị ấy của người thôn quê rất dễ tìm thấy nhưng với ông lại quặn thắt nỗi lòng. 3 đứa con của vợ chồng ông suốt ngày nằm một chỗ, mọi sinh hoạt phải có người túc trực. Tài sản trong nhà cứ thế lần lượt ra đi theo bệnh tình của các con. Những đứa con quặt quẹo, ngây dại lại cứ bào mòn, vắt kiệt thể lực, trí lực của vợ chồng ông…

Mỗi người lính, mỗi cuộc đời. Có chứng kiến mới thấy được sự tàn khốc từ thảm họa CĐDC. Nỗi đau nhiều thế hệ, hậu quả chiến tranh vẫn còn đó, ngấm sâu trong cơ thể những người lính, rồi gặm nhấm, tàn phá thế hệ con cái của họ. Riêng với tôi, những năm tháng ở chiến trường K, cái chết luôn rình rập mà chẳng hề run sợ, nhưng giờ đây tôi thấy sợ cái “bóng ma” thời hậu chiến đã đeo bám gia đình đồng đội tôi suốt nhiều năm qua. Những đứa trẻ vô tội hằng ngày phải vật vã với nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần, còn những người làm cha, làm mẹ tự an ủi, dù sao cũng là con mình đứt ruột đẻ ra. Song, sâu thẳm trong thâm tâm họ phải cố kìm nén nỗi đau không nói thành lời, đeo đẳng mãi trong từng thân phận.

VY HẬU