Báo Công An Đà Nẵng

Nhân lực chất lượng cao là chìa khóa để Đà Nẵng đột phá

Thứ sáu, 22/03/2024 10:45
Đào tạo ngành vi mạch bán dẫn tại trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Hàn, ĐH Đà Nẵng.

Cần cơ chế “giữ chân” người tài

Đà Nẵng có diện tích, quy mô dân số nhỏ, năng suất lao động chỉ cao gần 1,5 lần so với bình quân cả nước. Khi nguồn tài nguyên không còn vượt trội, dư địa đất đai đã được khai thác ở mức cao, để trở thành “hạt nhân”, động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thì Đà Nẵng cần tạo đột phá từ nguồn nhân lực chất lượng cao (NLCLC).

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) cho biết, thành phố đang đứng trước thách thức già hóa nguồn nhân lực (NNL) và sự thiếu hụt đội ngũ chuyên gia, nhân sự cấp cao, am hiểu trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề mũi nhọn. Thành phố cũng chưa thực sự có được nhà đầu tư “Đại Bàng” trong các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, tài chính, logistics… “tới làm tổ” tạo động lực thu hút, giữ chân NLCLC. Do đó, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cho rằng, Đà Nẵng cần quan tâm có chính sách thu hút, đãi ngộ, “giữ chân”, trọng dụng nhân tài hơn là dùng ngân sách để đào tạo nguồn NLCLC. Muốn vậy, chính sách cán bộ, không chỉ khép kín quy hoạch, sử dụng trong phạm vi địa phương mà cần có chính sách “mở”, liên thông với các cơ quan, Trung ương, các trường đại học, doanh nghiệp để khai thác hiệu quả nguồn cán bộ, phát huy đội ngũ trí thức trong các lĩnh vực. Mặt khác, Đà Nẵng là địa phương có độ “mở” về giao thương, kinh tế rất lớn, là “cửa ngõ”, “trung tâm”, “điểm đến” của cả nước và hành lang kinh tế Đông -Tây, nổi tiếng trên bản đồ du lịch, tổ chức sự kiện quốc tế nên đòi hỏi tính sẵn sàng trong hội nhập rất cao. Do vậy, thành phố cần có chủ trương nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để trực tiếp làm việc, tương tác với người nước ngoài. Đây phải là tiêu chí bắt buộc trong quy hoạch, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ theo lộ trình phù hợp.

PGS.TS Lê Thành Bắc- Phó Giám đốc ĐHĐN cho biết, Đà Nẵng cần đề xuất để có cơ chế đặc thù về ưu đãi thuế, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, hợp đồng lao động, ưu đãi về nhà ở, về lương, thưởng đối với các doanh nghiệp, các cá nhân, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia, nhân lực ngành kỹ thuật cao trong hoặc ngoài nước tới Đà Nẵng làm việc. Bên cạnh đó, thành phố cần xây dựng quỹ phát triển nguồn nhân lực từ ngân sách hoặc huy động nguồn lực xã hội để tài trợ cho sinh viên theo học các ngành công nghệ mũi nhọn, chuyên sâu ở nước ngoài, cam kết về thành phố làm việc. PGS.TS Lê Thành Bắc chia sẻ, giải pháp nhanh nhất để phát triển nguồn NLCLC cho Đà Nẵng hiện nay là giữ chân sinh viên ưu tú tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn ở lại thành phố làm việc. Muốn như vậy phải tạo điều kiện, xây dựng môi trường làm việc thật tốt. Về lâu dài, nếu Đà Nẵng có nhiều tập đoàn công nghệ lớn tới đầu tư, môi trường sống tốt, người tài sẽ tìm đến.

Đầu tư đào tạo có trọng điểm

Bên cạnh việc thu hút, giữ chân người tài thì Đà Nẵng cũng có lợi thế rất lớn trong đào tạo nguồn NLCLC. Thành phố có ĐHĐN là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học quy tụ đội ngũ trí thức lớn, trình độ cao (gần 800 Tiến sĩ/GS/PGS, gần 1.100 Thạc sĩ), mỗi năm tuyển sinh hơn 14.000 sinh viên, quy mô đào tạo gần 60.000 sinh viên, cung ứng, bổ sung nguồn NLCLC lớn cho thành phố và các địa phương lân cận kể cả hai đầu đất nước. Cùng với đó, thành phố còn có nhiều trường/viện (37 trường đại học/cao đẳng có quy mô đào tạo khá lớn), mỗi cơ sở đào tạo có thế mạnh riêng.

Sinh viên ĐH Đà Nẵng nghiên cứu, trao đổi trong giờ học về thiết kế vi mạch.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cho rằng, ngoài giao thông đi lại thuận tiện, có núi, có sông, có biển… thì lợi thế về đào tạo NLCLC của Đà Nẵng cần được đánh giá đúng mức và đầu tư có trọng điểm. Từ đó phát huy thế mạnh của ĐHĐN và các trường ĐH trên địa bàn để Đà Nẵng thực sự là một trong 3 trung tâm đại học lớn của cả nước, là “thành phố đại học”, “thành phố sự kiện” và “trung tâm y tế” hàng đầu khu vực. Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, khi được giao quyền tự chủ cao nhất thành ĐH Quốc gia Đà Nẵng sẽ là “hạt nhân” quy tụ các cơ sở giáo dục đại học khác thành một “cluster” ĐH mạnh, đảm bảo thực thi được sứ mệnh sẵn sàng cung ứng nguồn NLCLC cho thành phố, đóng góp quan trọng phát triển cả vùng.

Trong yêu cầu phát triển thực tiễn, Đà Nẵng đang tập trung định hướng phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, thì ĐHĐN cũng nhạy bén mở ngành đào tạo này. PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cho biết, ĐHĐN đã tham gia Liên minh các ĐH đào tạo nguồn NLCLC phục vụ công nghiệp sản xuất chip bán dẫn. ĐHĐN đã giao Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật… xúc tiến mở ngành đào tạo mới thiết kế vi mạch, tuyển sinh trong năm 2024. ĐHĐN cũng phối hợp với các đối tác uy tín như Tập đoàn Cadence, Tập đoàn Synopsys, Tổ chức Tresemi của Hoa Kỳ… và các chuyên gia mở các khóa đào tạo nhanh cho giảng viên, sinh viên, đáp ứng cung-cầu nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn.

Để nguồn NLCLC nhất là lĩnh vực vi mạch bán dẫn sau khi đào tạo có nơi làm việc, theo PGS.TS Lê Thành Bắc, thành phố cần đề nghị Chính phủ ưu tiên đầu tư tại Đà Nẵng Trung tâm thiết kế, kiểm thử, sản xuất, đóng gói vi mạch bán dẫn và Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vật liệu mới (chế biến sâu đất hiếm ra vật liệu bán dẫn, wafer,…). Việc đầu tư này sẽ sử dụng tốt hơn nguồn NLCLC, tài nguyên đất hiếm và boxit tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên góp phần thúc đẩy vai trò đầu tàu kinh tế của Đà Nẵng cho khu vực.

Hải Quỳnh