Báo Công An Đà Nẵng

Nhân lực điều dưỡng đang “thiếu thật, thừa ảo”

Thứ tư, 12/10/2022 14:36

Theo P.G.S - TS. Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, đội ngũ ĐD chiếm 70% lực lượng lao động trong bệnh viện. Dịch vụ chăm sóc do ĐD cung cấp là một trong những trụ cột của hệ thống y tế. Hệ thống tổ chức quản lý ĐD đã bước đầu được thành lập ở các cấp. Chất lượng chăm sóc người bệnh đã có nhiều chuyển biến thông qua việc đổi mới các mô hình phân công chăm sóc, tổ chức chăm sóc người bệnh. Dịch vụ do người ĐD cung cấp ngày càng góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, đội ngũ ĐD có nhiều biến động, thiếu ĐD và có xu hướng nghỉ việc trong bệnh viện. Một trong những nguyên nhân là do công sức lao động của người ĐD chưa được đãi ngộ tương xứng với nỗ lực của họ; nhiều Sở Y tế, bệnh viện chưa quan tâm, phát huy vai trò của người ĐD. Một số quy định của Chính phủ về các đơn vị sự nghiệp khiến một số phòng ĐD có xu hướng bị sáp nhập vào các phòng khác nếu không có đủ 7 biên chế khiến vai trò quản lý ĐD yếu đi, trong khi chăm sóc điều dưỡng đóng vai trò trụ cột chuyên môn quan trọng của bệnh viện..

Năm 2022, Việt Nam có 148.557 ĐD có chứng chỉ hành nghề; tỷ số ĐD, hộ sinh/bác sỹ khoảng 1,8. Tuy nhiên, khác với các nước phát triển, nhân lực ĐD của Việt Nam “thiếu thật, thừa ảo”. Chỉ tiêu tuyển ĐD vào làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hằng năm thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu đào tạo. Theo kết quả nghiên cứu của Cục Khoa học Công nghệ và đào tạo và Hội ĐD Việt Nam năm 2015, cứ 4 ĐD mới ra trường, chỉ có một ĐD có cơ hội việc làm...

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 31 ngày 28-12-2021 quy định hoạt động ĐD trong bệnh viện với nhiều nội dung mới như đặt người bệnh là trung tâm của quá trình chăm sóc; trao quyền chủ động nhiều hơn cho ĐD như thực hiện nhận định lâm sàng, chẩn đoán ĐD, phân cấp chăm sóc, phối kết hợp với các chức danh chuyên môn trong bệnh viện để triển khai hiệu quả hoạt động chăm sóc người bệnh; gắn trách nhiệm và sự tham gia của các Khoa, Phòng chức năng vào quá trình và chất lượng chăm sóc người bệnh... Thông tư góp phần đổi mới vai trò, vị thế của ĐD trong hành nghề, chuyển từ thụ động sang chủ động; đầu tư và phát triển công tác ĐD bảo đảm thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc của người dân và hội nhập ĐD khu vực ASEAN.

B.T