Nhân ngày truyền thống du lịch Việt Nam 9-7: Tiềm năng du lịch nội địa
(Cadn.com.vn) - Năm nay, ngành du lịch Việt Nam đã tạo ra bước đột phá đáng kể về tư duy du lịch khi phát động chương trình kích cầu năm với thông điệp “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” được đưa ra trong bối cảnh du lịch nước nhà đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, lượng khách quốc tế, nhất là khách Trung Quốc sụt giảm do tình hình căng thẳng ở Biển Đông.
Do đó, Tổng cục Du lịch kêu gọi người Việt Nam đi du lịch Việt Nam, trước hết là vì tình quê hương đất nước, tình yêu biển đảo Tổ quốc, nhân lên niềm tự hào dân tộc. Trong bối cảnh khó khăn này, người Việt Nam đi du lịch Việt Nam chính là hành động thiết thực nhất để đóng góp cho ngành du lịch, cho sự phát triển của đất nước.
Để thực hiện chương trình, dài hơi hơn nữa là phát triển du lịch nội địa, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác liên quan, đặc biệt là các hãng hàng không để có chính sách giảm giá vé cho các gói kích cầu du lịch đến từng điểm đến theo chương trình tour.
Tổng cục Du lịch cũng sẽ tiếp tục làm việc với các tỉnh, thành phố, nhất là các địa phương có điểm đến trọng điểm của du lịch Việt Nam, doanh nghiệp du lịch như lữ hành, khách sạn, cơ sở lưu trú, đơn vị cung ứng dịch vụ để có các chính sách giảm giá cụ thể với cam kết rõ ràng.
Người dân trong nước khi đi du lịch nội địa sẽ được hưởng lợi ích thiết thực từ các gói du lịch kích cầu cụ thể, mức giá có thể giảm từ 5 đến 50%, chất lượng dịch vụ luôn được cam kết đảm bảo... Các gói du lịch giá rẻ cũng sẽ góp phần tích cực hỗ trợ các đối tượng như người hưu trí, học sinh, sinh viên, công nhân là những đối tượng khó khăn để họ có trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp quê hương, đất nước mình.
Đà Nẵng là một trong những địa phương thu hút tốt khách nội địa. |
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định: Điều đáng mừng là nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch của nước ta đã chủ động phối hợp, kết hợp, đưa ra nhiều biện pháp kích cầu du lịch, mở rộng thị trường khách, đặc biệt quan tâm đến quảng bá, xúc tiến, khẳng định Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng. Trong số các địa phương, điển hình là Đà Nẵng đã có các hành động cụ thể nhằm chuyển hóa tình hình, giảm thiểu tác động, rủi ro do sụt giảm khách Trung Quốc.
Đà Nẵng đã phát huy lợi thế về du lịch biển, kết nối chặt chẽ với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng núi, tham quan giải trí, đồng thời kết nối với Quảng Bình, Quảng Trị ở phía Bắc và Hội An ở phía sau nên tận dụng được ưu thế là trung tâm điểm đến khu vực miền Trung. Đà Nẵng cũng đã nhanh chóng chuyển hướng quảng bá, xúc tiến khách ở nhiều thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc...
Ông Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh: Dù kinh tế còn khó khăn nhưng xu hướng người dân đi du lịch nội địa sẽ còn tăng nữa, nhu cầu của người dân đi du lịch ngày càng cao do người dân đã có sự thay đổi thói quen, tâm lý tiêu dùng. Đây là xu hướng tốt và ngành du lịch cần có các chính sách cụ thể về giá, đảm bảo chất lượng dịch vụ để khuyến khích người dân đi du lịch trong nước.
Thu Thủy