Báo Công An Đà Nẵng

Nhân tố Nga trong bầu cử Mỹ

Thứ bảy, 27/08/2016 10:15

(Cadn.com.vn) - Mỹ cần một “chính sách Nga” tốt hơn hiện nay. Nhưng điều tồi tệ là không có ứng viên tổng thống nào của Mỹ có bất kỳ ý tưởng tốt nào để có thể giúp điều chỉnh lại quan hệ với Moscow.

Tỷ phú Donald Trump tuyên bố sẽ tìm kiếm mối quan hệ nồng ấm hơn
với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu đắc cử tổng thống Mỹ. Ảnh: AFP

Thực tế rõ ràng mà ai cũng nhìn thấy là Nga đang ảnh hưởng lớn đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 tại Mỹ.

Mức độ ảnh hưởng trọng tâm của Nga là chưa từng có kể từ sau Thế chiến II. Cho dù đó là những cáo buộc về việc Moscow đứng sau vụ tấn công nhằm vào hệ thống máy tính của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) hay chỉ gây chú ý qua những tuyên bố gây sốc của ứng viên Donald Trump, thì một thực tế không thể phủ nhận là mối quan hệ với Nga và Tổng thống Vladimir Putin đã nổi lên như một vấn đề ưu tiên trong chính sách ngoại giao của các ứng viên tổng thống Mỹ.

Hai ứng viên Donald Trump của đảng Cộng hòa và Hillary Clinton của đảng Dân chủ liên tục chỉ trích nhau về vấn đề Nga. Bà Clinton cho biết cơ quan tình báo Nga đã xâm nhập hệ thống máy tính của DNC đồng thời cáo buộc đối thủ Trump thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống Putin. Trong khi đó, tỷ phú Trump không ngần ngại công khai sẽ hướng về Nga nếu đắc cử tổng thống. Tuyên bố này của ông Trump càng làm dấy lên cáo buộc có sự liên quan giữa ứng viên đảng Cộng hòa này và Điện Kremlin.

Tuy nhiên, Moscow bác bỏ những cáo buộc từ phía Washington, khẳng định, họ không can thiệp vào công việc nội bộ của Mỹ. Bộ Ngoại giao Nga từng ra tuyên bố cho rằng, những cáo buộc của Mỹ là sự xúc phạm và không có giá trị. Thậm chí, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, việc cáo buộc Nga đứng sau vụ tấn công là một phần trong âm mưu che giấu sự thật, “chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ đã bị thao túng”.

Đó là chưa kể những tranh cãi quanh việc người đứng đầu chiến dịch tranh cử của ông Trump có mối quan hệ thân thiết với Nga và Ukraine. Ông Paul Manafort - Chủ tịch Ủy ban tranh cử của ứng viên Trump - bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 12 triệu USD từ chính quyền cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych – đồng minh thân cận của Nga. Tuy ông Manafort thừa nhận từng làm việc với tư cách là chuyên gia vận động cho các chiến dịch tranh cử ở nước ngoài, nhưng khẳng định, công việc ở Ukraine đã kết thúc vào năm 2014. Ông cũng bác bỏ việc nhận hối lộ và nhấn mạnh cáo buộc này là “vô căn cứ và ngớ ngẩn”.

Tất nhiên, hiện không thể nói rõ liệu Moscow có trực tiếp can thiệp vào chiến dịch bầu cử tổng thống của Mỹ hay không, nhưng những tranh cãi quanh vấn đề với Nga đã đủ khiến các tầng lớp chính trị Mỹ náo động. Dù thực tế rõ ràng là Mỹ cần một chính sách tốt hơn trong quan hệ với Nga - một trong số ít các quốc gia có khả năng thách thức lợi ích của Mỹ, nhưng điều tồi tệ là không có ứng viên tổng thống nào của Mỹ có bất kỳ ý tưởng nào để có thể giúp giải quyết vấn đề này.

Là ứng viên của đảng Dân chủ, bà Clinton vẫn đang trong thế “tiến thoái lưỡng nan”. Bà rõ ràng vừa muốn tìm cách cô lập Nga vừa muốn bắt tay với Điện Kremlin. Tuy nhiên, trong quá khứ, ông Putin từng cáo buộc bà Clinton “ra hiệu” cho các cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại ông vào năm 2011. Vì vậy không có nhiều hy vọng cho mối quan hệ khả quan hơn giữa Nga-Mỹ nếu bà Clinton lên nắm quyền ở Nhà Trắng.

Điện Kremlin rõ ràng đang tỏ ra yêu thích tỷ phú Trump hơn. Bản thân ông Trump cũng đang thể hiện quan điểm rõ ràng là tìm kiếm mối quan hệ nồng ấm với Nga nếu đắc cử. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là những tuyên bố của ông Trump được xem là nhất thời và không có khả năng “trở thành hiện thực”.

Khả Anh

Tòa yêu cầu công bố “email nhạy cảm” của bà Clinton

Một thẩm phán ngày 26-8 đã ra lệnh Bộ Ngoại giao Mỹ công bố bất kỳ email liên lạc nào mà họ tìm thấy giữa nữ ứng viên Hillary Clinton và Nhà Trắng trong tuần xảy ra vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Benghazi, Libya vào năm 2012 cho đến hạn chót vào ngày 13-9 tới.

Theo Reuters, đây là những email nằm trong số 14.900 email mà các nhà điều tra thuộc Cục điều tra Liên bang (FBI) phát hiện khi điều tra vụ bê bối sử dụng email cá nhân khi làm ngoại trưởng của bà Clinton. Bà Clinton hứng chỉ trích gay gắt vì sử dụng email này, một quyết định mà vị nữ ứng viên này thừa nhận là sai lầm và tỏ ra rất hối tiếc. Phát ngôn viên của bà Clinton hiện không có tuyên bố gì về vụ việc này.

T.Nguyên