Báo Công An Đà Nẵng

Nhân việc tiếp tục thực hiện “văn hóa, văn minh đô thị”

Thứ sáu, 08/01/2016 08:47

(Cadn.com.vn) - Năm “Văn Văn hóa, văn minh đô thị 2015” đã đi qua với những kết quả đáng ghi nhận, và trong những ngày đầu năm 2016, thành phố cũng đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 43 của Thành ủy Đà Nẵng sau 1 năm triển khai. Tuy vậy, những kết quả của năm 2015 chỉ là bước đầu, nó sẽ là tiền đề, là bài học kinh nghiệm để thành phố thực hiện “Văn hóa, văn minh đô thị” năm 2016 tốt hơn, chất lượng hơn nữa.

Nhân năm chủ đề “tuy mới mà cũ” này, người viết xin có đôi điều trao đổi về mộ số vấn đề cần quan tâm. Thứ nhất là hiện nay, trong các nhà hàng, quán ăn, từ “nhà cửa đàng hoàng” đến vỉa hè ở Đà Nẵng, tình trạng người ăn vứt rác (nhiều nhất là giấy lau) xuống nền xảy ra khá phổ biến, tạo nên hình ảnh rất phản cảm. Mặc dù rất nhiều quán có giỏ rác dưới chân bàn và cả lời nhắc nhở ghi trên tường nhưng nhiều thực khách vẫn vô tư ném giấy xuống đất. Để khắc phục tình trạng này, ngoài việc tuyên truyền, kêu gọi mọi người có ý thức hơn khi bước vào quán ăn thì cần có chế tài để xử lý vi phạm. Cụ thể, là “đánh” thẳng vào chủ các quán ăn, với các mức xử phạt từ thấp đến cao đối với quán nào để có rác dưới nền nhà. Như vậy, các quán sẽ biết mình phải làm gì khi khách ngồi vào bàn.  Chỉ nhằm vào đối tượng “quản lý” này thì việc sạch sẽ trong các quán ăn mới khả thi.

Thứ hai, cũng  là chuyện liên quan đến văn hóa, văn minh đô thị, nhưng ở một lĩnh vực khác. Đó là hiện nay, tình trạng một số quán Internet cho khách (đa phần là thanh thiếu niên) chơi luôn đêm là khá phổ biến. Tuy thành phố, từ tháng 9-2014, đã có quy định thời gian mở cửa là 6 giờ đến 23 giờ đối với  dịch vụ Internet công cộng, nhưng việc vi phạm đây đó vẫn bắt gặp. Không khó nhận ra tình trạng này, mặc dù các điểm dịch vụ này có cách “lách” bằng việc cho khách vào trong quán chơi, đến giờ quy định thì cho mang xe vào nhà rồi “đóng cửa” lại. Như vậy các “game thủ” vẫn âm thầm hoạt động ở bên trong quán thâu đêm suốt sáng. Chỉ cần chịu khó đi kiểm tra các quán vào tầm 5-6 giờ sáng, sẽ bắt gặp các quán mở cửa để... đưa xe ra ngoài và không khó phát hiện các em thanh thiếu niên đang miệt mài trước màn hình hình hoặc nằm ngủ luôn trên ghế.

Hệ lụy của việc này chắc ai cũng rõ. Vì một chút lợi nhuận mà người ta làm tổn hại đến sức khỏe, việc học, việc làm của các em thanh thiếu niên. Có một thành viên của Nhóm facebook “Quản lý đô thị Đà Nẵng –tiện nghi xanh sạch đẹp” khi đề cập về vấn đề này, đã viết rằng: Mỗi điểm Internet công cộng có game online, hàng ngày hàng tối thu hút hàng chục bạn trẻ. Như vậy, mỗi ngày có hàng chục ngàn lượt bạn trẻ sử dụng nhiều giờ ở các tụ điểm công cộng này. Thực tế cho thấy rất rõ, hơn 10 năm nay, cái lợi thì mờ nhạt, nhưng thứ “ma túy điện tử” này thì làm hại nhiều lắm. Nếu ai đó thử vào một vài điểm Internet công cộng có game online, người đó sẽ ngấm trải một môi trường ô nhiễm 4 căn: tai, mắt, mũi, ý. Ngoài ra. Không loại trừ những nơi này bị biến thành nơi tụ tập, hẹn hò, có thể khởi phát của một số hành động bất thiện...

“Vạn sự khởi đầu nan”, đối với vấn đề thứ nhất, nên đưa vào là một trong những mục ưu tiên để thực hiện, lấy cái mốc là năm 2016 để tiến đến những nhà hàng quán ăn của thành phố “không có rác” trong một tương lai gần. Còn đối với vấn đề thứ hai, thành phố đã có quy định về giờ mở, đóng cửa của các điểm dịch vụ Internet, nên có cơ sở để chấn chỉnh, xử phạt các điểm vi phạm về giờ đóng mở cửa và cả việc cấm hoạt động bên trong dù đã “đóng cửa”. Về lâu dài, cần có sự khảo sát đánh giá lợi - hại của game online để từ đó cân nhắc việc cho phép mở thêm các điểm dịch vụ mới hay không. Thiết nghĩ, đó cũng là những việc làm cụ thể thực hiện “Văn hóa, văn mình đô thị” trong năm 2016 một cách thiết thực và hiệu quả.

Dân Hùng