Nhật Bản cải tổ chính phủ nhằm khôi phục uy tín
Cải tổ nội các sâu rộng
Cuộc cải tổ nội các tại Nhật Bản đã được đẩy nhanh hơn dự kiến nhằm ứng phó tốt hơn đối với các vấn đề kinh tế, chính trị trong nước cũng như các vấn đề an ninh trong khu vực.
Trong cuộc cải tổ nội các lần này, Thủ tướng Kishida Fumio quyết định giữ nguyên một số vị trí như Chánh Văn phòng Nội các Matsuno Hirokazu, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hayashi Yoshimasa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Shunichi Suzuki. Đây đều là các vị trí then chốt và có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chính sách của Thủ tướng Kishida.
Trong khi đó, 14/19 vị trí trong nội các được bổ nhiệm mới hoặc thay đổi. Đáng chú ý là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Kishi Nobuo, em trai cố Thủ tướng Abe Shinzo, sẽ chuyển sang làm Cố vấn đặc biệt cho Thủ tướng Kishida về an ninh quốc gia. Thay thế ông Kishi sẽ là ông Hamada Yasukazu. Ông Taro Kono, người từng phụ trách vấn đề vaccine của Nhật Bản trong giai đoạn dịch COVID-19, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng các vấn đề kỹ thuật số. Ông Katsunobu Kato, người từng giữ chức Bộ trưởng Y tế năm 2019-2020, được tái bổ nhiệm vào vị trí này.
Khôi phục uy tín
Đây là cuộc cải tổ lớn nhất kể từ khi Thủ tướng Kishida lên nắm quyền từ tháng 10-2021, với việc bổ nhiệm gần 50% bộ trưởng là những thành viên mới, các nhà quan sát nhận định, Thủ tướng Kishida kỳ vọng sẽ mang lại luồng sinh khí mới cho Chính phủ Nhật Bản khi tỷ lệ ủng hộ nội các có xu hướng giảm trong thời gian gần đây.
Cuộc khảo sát mới nhất do đài truyền hình NHK công bố hôm 8-8 cho thấy, sự ủng hộ dành cho nội các của ông Kishida giảm từ 59% xuống 46%, mức thấp nhất kể từ khi ông lên nắm quyền. Phần lớn những người được hỏi cho biết họ muốn có lời giải thích về mối quan hệ của các chính trị gia với nhóm tôn giáo Nhà thờ Thống nhất. Sự chú ý của công chúng về mối liên hệ giữa nhóm tôn giáo Nhà thờ Thống nhất và các nhà lập pháp Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đã tăng lên rõ rệt kể từ khi cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị ám sát. Theo các nhà điều tra, kẻ tấn công ông Abe nói rằng anh ta có ác cảm với tổ chức tôn giáo Nhà thờ Thống nhất và cho rằng cựu Thủ tướng Abe có mối liên hệ với nhóm này.
Cuộc cải tổ nội các lần này nhằm cắt đứt mọi liên kết không rõ ràng với một nhóm tôn giáo đang được chú ý do vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Ông Kishida cho biết các thành viên mới trong nội các của ông và các quan chức đảng cầm quyền mới phải "xem xét kỹ lưỡng" mối quan hệ của họ với nhóm Nhà thờ Thống nhất.
Phá vỡ cục diện khó khăn
Thông qua lần cải tổ này, Thủ tướng Kishida cũng hy vọng những thay đổi về nhân sự sẽ mở đường cho một chính quyền lâu dài, ổn định để giải quyết những gì ông mô tả là "những thách thức lớn nhất của thời kỳ hậu chiến", từ đại dịch COVID-19 và lạm phát đến cuộc xung đột Nga - Ukraine và căng thẳng gia tăng ở eo biển Đài Loan.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, Thủ tướng Kishida mong muốn tiếp tục ổn định nhân sự nhằm cân bằng quyền lực giữa các phái, tăng uy tín của chính quyền bằng cách thúc đẩy các vấn đề như phòng chống dịch, phục hồi kinh tế. Theo đó, đã bổ nhiệm mới các Bộ trưởng Y tế và Lao động, Bộ Phục hồi kinh tế, Bộ Tài chính. Tuy nhiên, những tân bộ trưởng này từng là bộ trưởng trong cùng lĩnh vực trước đó nên có rất nhiều kinh nghiệm.
Ngoài ra, nội các mới hy vọng sẽ thúc đẩy chính sách năng lượng trong nước khi nguồn năng lượng bị ảnh hưởng do xung đột Nga- Ukraine.
AN BÌNH