Báo Công An Đà Nẵng

Nhật Bản mở cửa thu hút lao động nước ngoài

Thứ tư, 13/06/2018 16:20

Mới đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công bố kế hoạch thu hút 500.000 lao động nước ngoài vào năm 2025 để lấp đầy tình trạng thiếu lao động kinh niên trong ngành nông nghiệp, xây dựng, chỗ ở và chăm sóc người già ở nước này. Thành công trong tương lai của chính sách kinh tế Abenomics phụ thuộc rất lớn vào việc nới lỏng chính sách nhập cư nhanh. Nếu không, tình trạng thiếu lao động sẽ cản trở Nhật Bản thực hiện chính sách phát triển kinh tế bền vững.

Nhật Bản đang thiếu hụt lao động. Ảnh: Diplomat

71.430 lao động mỗi năm

Chính phủ Nhật hiện đang đau đầu với tình trạng nước này sẽ mất đi 7,9 triệu công nhân vào năm 2030 cùng với mức chi phí an sinh xã hội cao do dân số ngày càng sụt giảm. Trên lý thuyết, để duy trì dân số ở mức 100 triệu người, Nhật phải tiếp nhận 200.000 người nhập cư mỗi năm, qua đó nâng tỷ lệ sinh từ 1,42 lên 2,07 vào năm 2030. Theo mục tiêu hiện tại, chào đón 500.000 người nhập cư có nghĩa là Tokyo phải tiếp nhận trung bình 71.430 lao động mỗi năm trong hơn 7 năm.

Hồi tháng 2, Thủ tướng Abe yêu cầu các nghị sĩ tìm cách thu hút thêm nhiều lao động nước ngoài có tay nghề cao đến Nhật Bản. Dự thảo sẽ phác thảo chính sách kinh tế mới của ông Abe, dự kiến công bố vào giữa tháng 6, trong đó cho phép ban hành một loại thị thực và khuôn khổ mới vào tháng 4-2019.

Các nhà kinh tế từ lâu thúc đẩy việc nhập cư số lượng lớn vào Nhật, nhưng đây là chủ đề chính trị nhạy cảm xuất phát từ nỗi sợ hãi đối với vấn nạn tội phạm gia tăng và phản ứng dữ dội tương tự như ở Châu Âu. Quyết định mới nhất về việc mở cửa tiếp nhận một số lượng lớn lao động nước ngoài có tay nghề thấp từ các nước láng giềng là một sự thay đổi đáng kể về phương hướng của Tokyo bởi cách đây không lâu, ông Abe kiên quyết bác bỏ viễn cảnh tiếp nhận những công nhân nước ngoài có tay nghề thấp và người nhập cư nước ngoài.

Tuy nhiên, trong chính sách lần này, ông Abe cũng tỏ ra cứng rắn với chính sách nhập cư “gián tiếp”, bằng cách ban hành mức giới hạn thị thực lao động là 5 năm. Người lao động cũng bị cấm mang theo các thành viên trong gia đình. Do đó, cải cách lao động của ông Abe chỉ là giải pháp tạm thời vì người lao động dự kiến sẽ trở về nước. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào năm 2014, ông Abe cho biết, Tokyo không chấp nhận chính sách nhập cư như Mỹ, bởi Washington đã xây dựng chính là một quốc gia nhập cư.

Vấn đề sống còn

Giáo sư Toru Shinoda, chuyên gia quan hệ lao động tại Đại học Waseda ở Tokyo, cho rằng, đề xuất này là một bước đi đúng hướng trong việc đảm bảo tương lai của đất nước. Là một người bảo thủ, ông Abe luôn ủng hộ chính sách nhập cư “Nhật Bản trên hết” và đã nỗ lực giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động thông qua các cải cách trong nước như khuyến khích phụ nữ và lao động đã nghỉ hưu tái nhập lực lượng lao động. Sáng kiến “Womenomics” của ông Abe được công bố vào năm 2015 với mục tiêu ban đầu đầy tham vọng là đưa số phụ nữ chiếm 30% vị trí lãnh đạo trong tất cả các lĩnh vực vào năm 2020. Nhưng mục tiêu quá cao này đã bị giảm xuống 15% vào năm 2025.

Ông Shinoda cho rằng, mở cửa cho lao động có tay nghề thấp với điều kiện cứng nhắc và tạm thời sẽ khiến Nhật Bản trở thành điểm đến ít hấp dẫn hơn. Đặc biệt, Chương trình thực tập kỹ thuật của Nhật Bản thường thu hút các lao động trẻ từ các nước đang phát triển như Indonesia, Việt Nam và Philippines đến đào tạo và xây dựng kỹ năng. Nhưng những cáo buộc về việc bóc lột hoặc không được đào tạo và điều kiện làm việc khắc nghiệt khiến chương trình này chịu nhiều tai tiếng.

Theo ông Shinoda, với sự nổi lên của Trung Quốc và Đông Nam Á, Nhật phải nhận thấy thực tế rằng, Tokyo cần lao động nước ngoài hơn là lao động nước ngoài cần nước này. Đó là vấn đề sống còn. Ông Shinoda nhấn mạnh, Nhật Bản cần phải chấp nhận việc cho phép người lao động nhập cư vĩnh viễn, nếu không sẽ bị bỏ rơi, bị cô lập và bị bỏ lại phía sau.

AN BÌNH (Theo Diplomat)