Báo Công An Đà Nẵng

Nhật Bản mở "cuộc chiến" với cần sa

Thứ sáu, 14/06/2019 12:15

Bất chấp luật pháp nghiêm ngặt, những người nổi tiếng bị lôi kéo vào các bản án cần sa đang làm nổi bật tình trạng lạm dụng cần sa trong xã hội Nhật Bản.

Canada gần đây đánh dấu cột mốc quan trọng bằng cách hợp pháp hóa cần sa. Việc sử dụng cần sa cho mục đích giải trí ở Mỹ cũng đang có nhiều tiến triển, với việc các tiểu bang như California đã đưa ra chính sách cho phép sử dụng cần sa cho y tế và giải trí. Nhưng ở Nhật Bản, cần sa được coi là một loại ma túy bất hợp pháp. Sở hữu cần sa bị phạt 5 năm tù và có khả năng bị phạt 17.000 USD. Hơn nữa, bất cứ ai bị bắt do buôn bán cần sa có thể phải đối mặt với 10 năm tù.

Cần sa là loại ma túy bất hợp pháp tại Nhật Bản. Ảnh: Diplomat

Thần tượng bị bắt

Sở hữu cần sa một lần nữa nổi lên trở thành vấn đề nóng tại Nhật Bản gần đây sau khi cựu thành viên nhóm nhạc nam nổi tiếng, được coi là một thần tượng Junnosuke Taguchi, 33 tuổi, bị bắt vào cuối tháng 5 vì vi phạm Đạo luật kiểm soát cần sa. Taguchi sống với bạn đời của mình, nữ diễn viên Rena Komie, 38 tuổi. Cả hai đều bị nghi ngờ sở hữu 2,3 gram cần sa khô trong căn hộ chung của họ ở Tokyo.

Cục kiểm soát ma túy của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi cho biết, họ đã nhận được lời tố cáo cặp vợ chồng này đang sử dụng ma túy bất hợp pháp. Taguchi và vợ bị bắt giam sau khi cảnh sát khám xét căn hộ phát hiện cần sa, cùng với các dụng cụ để nghiền nát cần sa và giấy cuộn. Cả hai đều bị bắt và buộc tội nhưng được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 28.000 USD sau khi Taguchi nhận tội sử dụng cần sa. Anh cũng thú nhận sử dụng cần sa 10 năm trước. Hiện tại, hai vợ chồng bị cấm liên lạc với nhau.

Theo thông lệ ở Nhật Bản, Taguchi đưa ra lời xin lỗi công khai trước báo giới. Anh thề sẽ không bao giờ dính líu đến cần sa và tội phạm nữa. Taguchi cũng quỳ gối bên ngoài đồn cảnh sát, cúi đầu trong 20 giây. Anh hứa sẽ nghỉ hoạt động nghệ thuật một thời gian để bù đắp tội lỗi, và sẽ bắt đầu lại từ đầu để lấy lại niềm tin của công chúng. Những người hâm mộ cuồng nhiệt đã tập trung cổ vũ anh.

1,33 triệu người đang sử dụng cần sa

Mặc dù việc sử dụng cần sa bị phạt rất nặng, nhưng cơ quan thực thi pháp luật Nhật Bản vẫn tốn rất nhiều công sức để xử lý tội phạm ma túy liên quan đến cần sa.

Theo dữ liệu của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, 3.578 vụ liên quan đến cần sa đã được ghi nhận vào năm 2018 - tăng 570 trường hợp so với năm trước. 80% nghi phạm đã bị bắt về tội sở hữu cần sa, 20% còn lại bị bắt vì nghi ngờ trồng hoặc vận chuyển loại ma túy này. Các vụ bắt giữ đặc biệt phổ biến ở những người trẻ tuổi - 42,5% nghi phạm bị bắt vì tàng trữ cần sa nằm ở độ tuổi 20.

Nhật Bản tự hào về việc kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ đối với các chất kích thích, amphetamine và methamphetamines, vốn đã gây ra đại dịch ma túy như ở Châu Âu và Mỹ. Một báo cáo của Bộ Y tế Nhật Bản cho thấy, tỷ lệ những người muốn thử cần sa tại một số thời điểm trong cuộc sống ở nước này thấp hơn gần 40% so với Mỹ và Châu Âu. Nhưng từ năm 2015 đến 2017, tỷ lệ sử dụng cần sa đã tăng từ 1% lên 1,4%, điều đó có nghĩa là ước tính 1,33 triệu người Nhật đang sử dụng loại ma túy này. Số vụ bắt giữ liên quan đến cần sa trong thanh thiếu niên cũng đang gia tăng.

Một sự thay đổi xã hội phù hợp với xu hướng toàn cầu có thể được nhìn thấy trong các cuộc thảo luận trên các phương tiện truyền thông xã hội, với rất nhiều người ủng hộ cuộc tranh luận công khai hơn nhằm hợp pháp hóa cần sa. Tuy nhiên, các nhà chức trách Nhật Bản có vẻ như không muốn đi theo hướng đó.

Trên thực tế, khi Nhật Bản chuẩn bị cho World Cup bóng bầu dục và Thế vận hội Tokyo 2020, với rất đông người nước ngoài đến nước này, các nhà chức trách Nhật Bản đã cảnh báo người nước ngoài nên chú ý đến các việc kiểm tra hải quan được tăng cường. Giám đốc điều hành Thế vận hội Tokyo Toshiro Muto nhắc nhở du khách, cần sa là bất hợp pháp tại Nhật Bản và tất cả các hành vi vi phạm sẽ bị truy tố. Ông Muro nhấn mạnh, trong khi một số quốc gia trên thế giới đã nới lỏng các luật lệ về cần sa, thì thật không may, việc sử dụng cần sa là hành vi vi phạm pháp luật tại Nhật Bản.

AN BÌNH