Báo Công An Đà Nẵng

Nhật Bản muốn trở thành “con mắt thứ 6” của Five Eyes

Thứ hai, 17/08/2020 13:57

Nhật Bản muốn làm thành viên thứ 6 của liên minh tình báo Five Eyes (Ngũ Nhãn) để có thể chia sẻ thông tin sớm hơn và nhận được thông tin tình báo tuyệt mật từ Mỹ và các đồng minh.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono trả lời phỏng vấn với Nikkei hôm 12-8.   Ảnh: Nikkei

Trong buổi phỏng vấn với Nikkei mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono nhắc lại điều mà ông và chính phủ quan tâm từ lâu: nâng cao mối quan hệ với liên minh chia sẻ thông tin tình báo đặc quyền “Five Eyes” gồm 5 nước Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand.

Lợi hay hại?

Ông Kono không ngại nói ra mục tiêu cuối cùng của Nhật Bản. “Nhật Bản có thể tiến gần hơn tới liên minh thậm chí đến mức nó được gọi là Six Eyes”, ông nói. Bộ trưởng Quốc phòng Kono nhấn mạnh, việc Tokyo trở thành thành viên của Five Eyes sẽ cho phép nước này chia sẻ thông tin ở giai đoạn sớm hơn và cũng có được thông tin tình báo tuyệt mật.

Five Eyes là liên minh chia sẻ thông tin và dữ liệu tình báo trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, thông tin, truyền thông, được coi là thành công nhất cho đến nay. Liên minh này đã hoạt động rất thành công trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh khi thu thập và chia sẻ dữ liệu liên quan đến Liên Xô và càng khẳng định được vai trò trong cuộc chiến chống khủng bố sau vụ tấn công 11-9 tại Mỹ. Thỏa thuận tình báo đa phương viết tắt là UKUSA bao gồm hợp tác về chia sẻ thông tin, phân tích và tín hiệu tình báo thông qua mạng lưới nghe lén phục vụ mục đích an ninh.

Các nước Five Eyes cũng có mối quan hệ ngoại giao bền chặt trên cơ sở chia sẻ thông tin tình báo và cùng đưa ra các tuyên bố chung về các vấn đề cùng quan tâm. “Điều hết sức quan trọng là các nước thành viên phải đồng lòng trong lĩnh vực ngoại giao cũng như kinh tế”, ông Kono nói, đồng thời cho biết thêm rằng khuôn khổ tình báo cũng cho phép họ cùng nhau giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu và mảnh vỡ không gian.

Một số thành viên của Five Eyes cũng đang tìm cách hợp tác chặt chẽ hơn với Nhật Bản để chia sẻ thông tin mật nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chẳng hạn, Anh đang cảnh giác trước Trung Quốc trong bối cảnh gia tăng căng thẳng ngoại giao về vấn đề Hồng Kông và đại dịch Covid-19. London cũng tìm cách tận dụng thông tin mà Tokyo sở hữu. Trong bài trả lời phỏng vấn mới đây, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cho rằng, Tokyo nên tham gia cộng đồng Five Eyes để cùng chia sẻ các thông tin liên quan đến Bắc Kinh. Tuy Five Eyes là cộng đồng tình báo đều sử dụng tiếng Anh, nhưng do Nhật Bản và Five Eyes chia sẻ những lợi ích liên quan trong vấn đề Trung Quốc, nên hoàn toàn có đủ cơ sở để Tokyo tham gia liên minh này.

Five Eyes có hoan nghênh?

Không chỉ có cựu Thủ tướng Tony Blair thúc giục Tokyo tham gia Five Eyes, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh trong một cuộc điện đàm gần đây với Bộ trưởng Kono cũng đã cho biết, Five Eyes muốn đưa Nhật Bản vào liên minh để trở thành “Six Eyes”.

Dù chưa phải là thành viên chính thức, từ lâu Tokyo vốn đã chia sẻ thông tin với nhóm này. Cho đến nay, Nhật Bản đang chuẩn bị các bước đi để xây dựng môi trường phù hợp cho việc tham gia cộng đồng tình báo trên. Cụ thể là chuẩn bị về mặt pháp lý để củng cố mối quan hệ tình báo và an ninh theo hướng chặt chẽ hơn với các đối tác mới. Hồi tháng 6, nước này đã mở rộng phạm vi Luật Bảo vệ thông tin mật, bao gồm việc trao đổi với các quốc gia nước ngoài là Mỹ. Đạo luật được ban hành vào năm 2014 ban đầu đã bao gồm Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Nhật Bản, giờ đây thêm Anh, Australia và Ấn Độ. Động thái này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc phân loại thông tin từ quân đội nước ngoài là bí mật nhà nước. Đạo luật này cũng nới lỏng việc chia sẻ dữ liệu về các hoạt động di chuyển của quân đội Trung Quốc.

Bộ trưởng Kono không cho rằng, nước này cần trải qua một số thủ tục nhất định để gia nhập với tư cách là thành viên chính thức vì nhóm Five Eyes không phải là một tổ chức quốc tế. “Chúng tôi chỉ cần mang theo ghế của mình đến bên bàn của họ và nói với họ tính cả chúng tôi vào”. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cho rằng, Nhật Bản cần cải thiện phương pháp bảo mật thông tin tình báo. Nhật Bản vẫn chưa có luật phòng, chống gián điệp để ngăn cản hoạt động gián điệp, nên có ý kiến lo ngại về khả năng nước này có thể bảo đảm bí mật thông tin hay không. Trong khi đó, một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản bày tỏ rằng, vì Five Eyes là các nước nói tiếng Anh nên việc trao đổi một số vấn đề “nhạy cảm” sẽ gặp khó khăn hơn. 

AN BÌNH