Báo Công An Đà Nẵng

Nhật Bản với bài toán “núi nợ”

Thứ năm, 11/06/2020 14:34

Là “nhà lãnh đạo toàn cầu” trong việc tích lũy nợ, Nhật Bản đang bổ sung gần 2.000 tỷ USD vào năm tài chính này với các gói kích thích kỷ lục để giảm bớt tác động của đại dịch Covid-19. Với mức nợ gấp khoảng 2,5 lần so với quy mô nền kinh tế của mình, Nhật Bản nỗ lực để giữ lợi suất trái phiếu chính phủ cực thấp và niềm tin của nhà đầu tư cao đến mức có thể tránh vỡ nợ.

Nền kinh tế Nhật Bản thiệt hại nặng nề do Covid-19.   Ảnh: AFP

Họ xử lý như thế nào?

Dù nhìn theo cách nào, nợ của Nhật Bản là vô cùng lớn.

Theo Ngân hàng Nhật Bản (BoJ), vào cuối năm 2019, con số này đứng ở mức hơn 1,3 triệu tỷ yên. Con số này tương đương với khoảng 12.200 tỷ USD, chỉ bằng một nửa tổng số nợ của Mỹ nhưng cho đến nay là “đống nợ” lớn nhất khi được đo bằng quy mô của nền kinh tế hùng mạnh của Nhật Bản (khoảng 240% GDP). Nợ của Nhật Bản bắt đầu phình ra vào những năm 1990 khi bong bóng tài chính và bất động sản vỡ và gây ra hậu quả thảm khốc. Với các gói kích thích và dân số già hóa nhanh chóng đẩy chi phí y tế và an sinh xã hội tăng lên, nợ của Nhật Bản lần đầu tiên vi phạm mốc 100% GDP vào cuối những năm 1990. Nó lên đến 200% trong năm 2010 và hiện là khoảng 240% GDP, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Ngày 10-6, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua gói ngân sách bổ sung thứ hai cho tài khóa 2020, và đây là gói ngân sách bổ sung lớn nhất từ trước đến nay nhằm đối phó với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Gói ngân sách bổ sung thứ hai của Nhật Bản có giá trị lên đến gần 32.000 tỷ yên (296 tỷ USD), bao gồm khoảng 3.000 tỷ yên được sử dụng để tăng cường hệ thống y tế như chi hỗ trợ cho các y, bác sĩ tham gia chống dịch và nghiên cứu-phát triển thuốc điều trị; hơn 2.000 tỷ yên để hỗ trợ tiền thuê nhà, mặt bằng cho các hộ kinh doanh bị giảm thu nhập. Chính phủ Nhật Bản cũng bổ sung thêm hơn 451 tỷ yên để hỗ trợ mức tối đa 33.000 yên/tháng cho những lao động không được hưởng trợ cấp nghỉ việc, đồng thời nâng khoản tiền hỗ trợ tuyển dụng cho các doanh nghiệp lên mức tối đa 15.000 yên /ngày.

Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản cũng tăng thêm 2.000 tỷ yên trong gói ngân sách hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương khắc phục thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra và 10.000 tỷ yên dự phòng cho tình huống dịch tiếp tục kéo dài. Dự kiến, Thượng viện Nhật Bản sẽ thảo luận và thông qua dự thảo ngân sách bổ sung thứ hai này trong hai ngày 11 đến 12-6.

Đây không phải vấn đề?

Để giải quyết “núi nợ” này, chính phủ Nhật Bản phát hành trái phiếu được gọi là JGBs. Là một phần của các biện pháp chống virus, BoJ đã loại bỏ trần tự áp đặt đối với việc mua JGB, tự cung cấp hỏa lực mua không giới hạn. Nó bao gồm hơn một nửa số JGB.

Các giao dịch mua này hỗ trợ giá của JGBs trên thị trường nợ và giữ lợi suất trái phiếu ở mức thấp (giá và sản lượng di chuyển theo hướng ngược lại). Điều này có nghĩa là trong thực tế, chính phủ đang được ngân hàng trung ương hỗ trợ với lãi suất cực thấp (hoặc thậm chí âm), khiến cho nền kinh tế bền vững hơn. “Các điều kiện lãi suất cực thấp được tạo ra bởi chính sách tiền tệ hỗ trợ rất nhiều của BoJ có thể là một trong những lý do để “núi nợ” của Nhật Bản vẫn an toàn hơn so với các quốc gia có nợ cao khác trên thế giới”, AFP dẫn lời Takashi Miwa, một nhà kinh tế tại ngân hàng Nomura cho biết.

Ai mua nợ của Nhật Bản?

Các nhà đầu tư tư nhân và tổ chức không thích rủi ro cũng có cảm giác “ngon miệng” đối với JGBs vì họ coi đây là nơi an toàn để đặt tiền.

“Một phần lớn trái phiếu do những người cao tuổi không có nhiều kiến thức về tài chính và ưu tiên sự ổn định”, chuyên gia Shigeto Nagai đến từ Oxford cho biết. Với cơ hội đầu tư và cho vay hạn chế ở trong nước, các ngân hàng, Cty bảo hiểm và quỹ hưu trí vẫn cần JGB để đặt số tiền tiết kiệm vượt mức của họ. Trái phiếu có mệnh giá bằng đồng yên, vẫn được coi là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ kinh tế khó khăn và tỷ lệ do các tổ chức nước ngoài nắm giữ là rất thấp - khiến nước này ít bị tổn thương trước áp lực bên ngoài. Trên thực tế, 90% khoản nợ được nắm giữ bởi các nhà đầu tư Nhật Bản. Một điều nữa khiến niềm tin của thị trường tăng cao: Nhật Bản là chủ nợ lớn nhất thế giới, nắm giữ hơn 3.000 tỷ USD tài sản ròng trong dự trữ ngoại tệ và đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

Núi nợ ngày càng tăng có nghĩa là, ngay cả với lãi suất cực thấp, số tiền chính phủ Nhật Bản trả cho các khoản vay là dòng ngân sách lớn thứ hai của nước này. Cách duy nhất để tránh thêm vào “đống nợ” này là giảm thâm hụt ngân sách bằng cách tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu công - nhưng điều này đe dọa sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong nền kinh tế đang suy thoái của Nhật Bản.

KHẢ ANH