Nhật Bản với chính sách "Womenomics"
(Cadn.com.vn) - Kể từ khi nhậm chức vào tháng 12-2012, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe rất quan tâm đến lực lượng lao động nữ chưa được khai thác trong nước. Ông đưa ra chính sách "Womenomics" nhằm nâng cao tỷ lệ lao động nữ. Nhưng liệu ông có thực hiện được kế hoạch của mình hay chỉ là những lời nói suông?
Sự cần thiết của "Womenomics"
Tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói về vai trò của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế.
Lao động nữ là lực lượng kinh tế mạnh mẽ không phải là một ý tưởng mới lạ đối với các quốc gia phát triển. Nhật Bản cũng vậy. Nhà lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do hiện trở nên nổi tiếng với chính sách 3 hướng tích cực (Abenomics) của mình, kể từ khi nhậm chức vào tháng 12-2012. "Womenomics" hướng tới việc cải thiện sự tham gia của lực lượng lao động nữ là một phần trong chiến lược cải cách dài hạn của ông Abe.
Đây một vấn đề được Tokyo quan tâm đến trong nhiều năm qua, nhưng giờ đây mới bắt đầu được xem xét. Theo ông Abe, "năm 1999", Goldman Sachs đầu tiên chủ trương, Nhật Bản có thể tăng GDP lên ít nhất 15% chỉ đơn giản bằng cách khai thác đúng mức hơn nữa lực lượng lao động nữ. 14 năm trôi qua, vấn đề này giờ đây mới được giới chính trị Nhật Bản quan tâm.
Năm 1999 chứng kiến sự ra đời của Luật Bình đẳng giới, trong đó quy định, nhà nước sẽ chịu trách nhiệm "cho việc xây dựng toàn diện và thực hiện các chính sách liên quan đến thúc đẩy một xã hội bình đẳng giới". Tuy nhiên, theo ước tính, trong năm 2011 - hơn một thập kỷ sau đó - chỉ có 6,2% vai trò quản lý trong Cty tư nhân được giao cho nữ.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Nhật Bản là nước có tỷ lệ lao động nữ thấp nhất trong các nước phát triển. Một nửa sinh viên tốt nghiệp đại học ở Nhật Bản là phụ nữ, song 1/3 số phụ nữ muốn trở thành bà nội trợ sau khi kết hôn.
Nhiều người tin rằng, chính sách "Womenomics" có thể giúp thay đổi tình trạng hiện nay, dẫn đến sự thay đổi về kinh tế và bình đẳng giới.
Rất ít phụ nữ Nhật Bản tiếp tục đi làm sau khi kết hôn. Ảnh: Diplomat |
Liệu có thành công?
Tuy nhiên, trong khi IMF chỉ ra rằng sử dụng lao động nữ giúp GDP của Nhật tăng lên đến 5%, có rất nhiều lý do để mọi người cảm thấy hoài nghi về quyết tâm của chính phủ. Từ khi ông Abe bắt đầu nhiệm kỳ đến nay, tỷ lệ thành viên nữ Hạ viện của Nghị viện Nhật Bản giảm xuống còn 8%.
Chỉ có 2 trong số 18 thành viên nội các của ông Abe là phụ nữ. Điều này khiến Nhật Bản xếp thứ 124 trong số 188 quốc gia, theo khảo sát bởi Liên minh Nghị viện, thấp hơn cả quốc gia đang phát triển như Mali, và đứng xa Trung Quốc và Hàn Quốc (xếp thứ 54 và 88). Không chỉ ở cấp quốc gia, chỉ có 0,8% thị trưởng ở Nhật Bản là phụ nữ trong năm 2011. Phụ nữ vẫn vắng mặt trong lĩnh vực chính trị, và ít tác động trực tiếp vào quá trình đưa ra các chính sách công.
Dù chính phủ đã đưa ra nhiều quy định trong những năm qua để thúc đẩy bình đẳng giới, rõ ràng phụ nữ không có quyền làm việc tương tự như nam giới. Hơn nữa, phụ nữ không có đại diện chính trị quan trọng ở bất cứ cấp quản lý nào. Nhìn vào tương quan giữa luật bình đẳng và thực tế cho đến nay, có vẻ như trong tương lai gần, sẽ không có bất kỳ thay đổi lớn nào.
Chiến lược "Womenomics" của ông Abe cho đến nay được chứng minh chỉ là lý thuyết suông. Chắc chắn chính phủ Tokyo nhận ra, vấn đề thực sự không nằm ở sự thiếu luật, mà là mọi người không muốn thay đổi thực sự.
Quyền phụ nữ là một vấn đề lộn xộn nhất đối với chính phủ Nhật Bản trong nhiều năm qua. Ông Abe nhiều lần phủ nhận sự tồn tại của nô lệ tình dục trong quân đội Nhật Bản, và từ chối đưa vấn đề này vào trong sách giáo khoa. Người ta tự hỏi, một chính phủ không sẵn sàng đối mặt với những sai lầm trong quá khứ thì làm sao có thể giải quyết những vấn đề hiện tại?
An Bình
(Theo Diplomat)