Báo Công An Đà Nẵng

Nhật bắt đầu săn cá voi thương mại, các nước lo lắng

Thứ năm, 27/12/2018 10:28

Một nhóm bảo tồn động vật cảnh báo, động thái này của chính quyền Nhật Bản cho thấy “một sự coi thường đáng lo ngại đối với các quy định quốc tế”.

 

Nhật Bản ngày 26-12 chính thức tuyên bố sẽ nối lại việc săn bắt cá voi thương mại vào tháng 7-2019, trong một động thái có khả năng thu hút sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga, cho biết, nước này chính thức rút khỏi Ủy ban Săn bắt Cá voi Quốc tế (IWC) - cơ quan được giao nhiệm vụ bảo tồn cá voi. Theo ông, Tokyo sẽ tiếp tục cuộc săn bắt cá voi giới hạn trong vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của họ từ tháng 7-2019, và dừng đánh bắt số lượng lớn cá voi ở Nam Đại Dương và nam bán cầu. Ông cho biết, Nhật sẽ chính thức thông báo quyết định này cho IWC vào cuối năm nay. Một tuyên bố của chính phủ Nhật Bản còn cho rằng, IWC không cam kết đủ với một trong những mục tiêu của mình, là hỗ trợ đánh bắt cá voi thương mại bền vững. Tokyo cáo buộc IWC chỉ tập trung vào mục đích bảo tồn các con số.

Các nước sẽ làm gì?

Đánh bắt cá voi thương mại đã bị IWC cấm vào năm 1986 sau khi một số loài gần như tuyệt chủng. Tuy nhiên, các quan chức ở Nhật, một quốc gia thành viên của IWC từ năm 1951, đã nói rằng ăn cá voi là một phần văn hóa của đất nước. Trên thực tế, ở Nhật Bản, thịt cá voi là loại thực phẩm được yêu thích.

Trong nhiều năm, Nhật săn cá voi vì cái mà họ gọi là “nghiên cứu khoa học”. Nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy các tàu đánh bắt của Nhật sát hại cá voi và sử dụng chúng phục vụ mục đích thương mại, cụ thể là lấy thịt và mỡ. Và thông báo mới nhất lần này của Tokyo cũng vấp phải làn sóng phản đối gay gắt, trong đó, các nhóm bảo tồn cảnh báo hành động này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Một nhóm bảo tồn còn nhấn mạnh, động thái này của chính quyền Nhật Bản cho thấy “một sự coi thường đáng lo ngại đối với các quy định quốc tế”.

Thực tế, Nhật đã thông báo kế hoạch sắp rút khỏi IWC vào tuần trước. Động thái này ngay sau đó vấp phải làn sóng chỉ trích từ quốc tế, trong đó có các nhóm bảo tồn và chính phủ Australia. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Australia Marise Payne và Bộ trưởng Môi trường Melissa Price cho biết, họ “vô cùng thất vọng” với quyết định của Nhật. “Australia vẫn kiên quyết phản đối tất cả các hình thức thương mại và cái gọi là đánh bắt cá vì mục đích khoa học”, tuyên bố nói thêm.

Những chuyến săn cá voi đẫm máu

Hồi tháng 9, chính phủ Nhật đề xuất IWC đặt ra một giới hạn và cho phép họ tiếp tục săn cá voi với số lượng nhất định, nhưng ủy ban này bác bỏ. Và giới phân tích cho rằng, Tokyo muốn đáp trả bằng cách rút khỏi tổ chức này, mở đường cho việc có thể tự do săn bắt các loài hiện đang được IWC bảo vệ, giống như cá voi minke.

Thực tế, một số cộng đồng ven biển ở Nhật đã săn bắt cá voi trong nhiều thế kỷ, nhưng mức tiêu thụ ở nước này chỉ tăng sau Thế chiến II, khi cá voi là nguồn cung cấp thịt quan trọng và đem lại nhiều lợi ích khác, giúp người dân Nhật kiếm thêm thu nhập, phát triển cuộc sống khi đất nước này đang còn rất nghèo khó. Tuy nhiên, mức tiêu thụ giảm mạnh trong những thập kỷ gần đây khi nhiều người Nhật không còn hứng thú với sản phẩm này. Theo thống kê của chính phủ Nhật, nước này tiêu thụ 200.000 tấn thịt cá voi mỗi năm, nhưng nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh xuống còn khoảng 5.000 tấn trong những năm qua. Theo tờ Asahi của Nhật Bản, thịt cá voi chỉ chiếm 0,1% tổng số thịt được bán tại Nhật Bản.

Dù rút khỏi IWC, Nhật vẫn sẽ bị ràng buộc bởi một số luật pháp quốc tế. Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) buộc các quốc gia hợp tác bảo tồn cá voi “thông qua các tổ chức quốc tế thích hợp để bảo tồn, quản lý và nghiên cứu”. Nhật Bản có thể cố gắng thành lập một cơ quan quốc tế khác nếu có thể kêu gọi các nước tham gia - hoặc tham gia một tổ chức hiện có như Ủy ban săn bắt động vật có vú Biển Bắc Đại Tây Dương (NAMMCO). Giống như một phiên bản nhỏ hơn của IWC, NAMMCO là một nhóm các quốc gia săn bắt cá voi - Na Uy, Iceland, Greenland và Quần đảo Faroe – lập ra sau khi rời IWC.

KHẢ ANH