Báo Công An Đà Nẵng

Nhặt chuyện dưới chân núi Tà Xuyên (2)

Thứ ba, 30/07/2013 10:32

* Kỳ 2:  Già làng tặng bò cho dân bản

(Cadn.com.vn) - Ở vùng biên giới Ga Ri, Chơm, Tây Giang, nơi đời sống sinh hoạt của người dân vẫn còn mang tính tự cung, tự cấp... phong trào xây dựng “Nông thôn mới” đã và đang phát triển mạnh mẽ, thay đổi nhận thức từ hộ dân đến cả cộng đồng.

Phó Chủ tịch xã Ga Ri- Zơ Zâm Nhưng có trí nhớ khá tốt. Chính vì vậy mà không cần sổ sách ông vẫn vanh vách: “Ga Ri có diện tích  hơn 14.114 ha, đa phần là rừng còn nguyên sinh với hơn 1.400 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Cơ Tu. 6 tháng đầu năm 2013 này, toàn xã đã gieo trồng được 510 ha đất nông nghiệp  gồm các loại cây lương thực, hoa màu như lúa, bắp, chuối, đu đủ, rau, đậu... Zơ Zâm Nhưng nhớ chi tiết: Tổng đàn trâu bò có 299 con, lợn 131 con, gia cầm 417 con, chó, mèo 208 con,  vừa tổ chức tiêm phòng dịch bệnh xong... Xã vừa triển khai trong năm phương án bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Hiện nay hệ thống giao thông đã có các đường liên thôn. Đã có trạm xá, trong quý I-2013 đã khám chữa bệnh cho 765 lượt người dân, cấp phát 1.254 thẻ BHYT tự nguyện cho nhân dân, lập danh sách điều dưỡng cho 5 đối tượng chính sách. Khám và cấp thuốc cho bệnh nhân là nhân dân nước bạn Lào 21 ca, cấp cứu 1 ca... Toàn xã đã có 24 lớp Tiểu học với 207 học sinh, 7 lớp Mầm non với 57 cháu nhỏ theo học...”.

  Kể đến đấy, Zơ Zâm Nhưng thật thà, thở dài: “Cố gắng thế, nhưng địa hình, địa bàn phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn... nên Ga Ri hiện vẫn còn tới 234 hộ nghèo, chiếm tới hơn 75%  dân số. May nhờ có nhiều người như Già làng A Lăng Nhắp sẵn sàng chia sẻ, nên bà con cũng đỡ khó khăn hơn”.

Bộ đội Biên phòng Ga Ri hướng dẫn cách chăm sóc bò cho nhân dân.  

Già A Lăng Nhắp ở thôn Da Ding, năm nay đã gần 80 tuổi. Thời thanh niên Già đã tham gia kháng chiến hết chống Pháp rồi chống Mỹ, từng làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ H. Hiên (cũ), rồi Tây Giang, bây giờ về nghỉ hưu ở quê nhà với hơn 50 tuổi Đảng. Nghe Zơ Zâm Nhưng bảo có nhà báo ở đồng bằng đến tìm hiểu đóng góp của mình đối với đồng bào, Già xua tay: “Thấy bà con mình còn nghèo khó, già thấy không ưng cái bụng nên giúp thôi!”.

Zơ Zâm Nhưng kể, ngay từ ngày nghỉ hưu, già Nhắp lặn lội xuống đồng bằng tìm mua trâu bò về chăn nuôi, một mình dắt bộ cả nửa tháng trời từng con trâu con bò lên vùng biên giới lập trang trại. Đã có lúc đàn trâu bò của già lên tới 60-70 con. Tiền bán trâu bò, già nuôi các con ăn học,  4 đứa con của già ai cũng được học hành đến nơi đến chốn, có người đang làm cán bộ ở xã, ở huyện.  Ở vùng cao biên giới này vẫn còn tập tục mang tính đời sống cộng đồng rất cao đó là,  đồng bào không có thói quen mua bán bằng tiền mà thường cho, tặng nhau con vật, lúa bắp, đồ dùng  mỗi khi thấy gia đình nào còn khó khăn, hoặc cần vào những việc như ma chay, cưới hỏi. Già làng Nhắp cũng vậy, hàng chục gia đình trong xã, trong thôn được già giúp đỡ, cho con bò, con trâu để làm đám ma cho người già, đám cưới cho con cháu, cho con bò để làm giống phát triển chăn nuôi.

Già làng A Lăng Nhắp (áo trắng ngồi giữa) ở Ga Ri kể chuyện tặng bò cho dân bản.  

Bây giờ con cháu đã lớn, già Nhắp cũng đã lớn tuổi, không còn chăn dắt được cả đàn trâu bò mấy chục con nữa, nhưng đàn bò của già Nhắp vẫn còn tới hơn 15 con. Chỉ từ đầu năm 2013 tới nay, già đã cho dân làng 5 con bò để làm giống phát triển chăn nuôi. Già bảo: “Đồng bào mình phải biết tự giúp đỡ lẫn nhau, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm về nhiều mặt với đồng bào vùng cao biên giới, nhưng không được ỷ lại, không trông chờ vào sự giúp đỡ ấy, phải biết tự quyết tâm vươn lên. Mình vẫn thường nhắc lũ làng như thế”.

   Trung úy Zơ Zâm Xiết-Đội trưởng đội vận động quần chúng,  Đồn Biên phòng Ga Ri cho biết, không riêng gì gia đình già làng A Lăng Nhắp, trên toàn xã đã phát triển được 13 nhóm hộ chăn nuôi, nhiều gia đình phát triển mô hình chăn nuôi rất hiệu quả như gia đình Zơ Zâm Nhất ở thôn Arooi, có tới 14 con bò,  Zía Nhíp thôn A Ating  có tới 9 con trâu, 9 con bò. Nhất và Nhíp cũng vừa tặng cho các hộ trong thôn mình 4 con bò để phát triển sản xuất. Mỗi con bò, con trâu bây giờ có giá tới hàng chục  triệu đồng, nếu tính về giá trị vật chất, đó quả là một tài sản lớn. Nhưng đồng bào không coi đó thiên về giá trị vật chất, mà hơn hết là tình làng nghĩa xóm, là nghĩa cử, là tình cảm “lá lành đùm lá rách”.

Ghi chép: Hồng Thanh
(còn nữa)