Báo Công An Đà Nẵng

Nhật hoàng sẽ thoái vị vào năm 2019

Thứ bảy, 02/12/2017 11:33

Ngày 1-12, một nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết, Nhật hoàng Akihito dự kiến thoái vị vào ngày 30-4-2019, trở thành Nhật hoàng đầu tiên làm như vậy trong 200 năm qua.

Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko Shoda thăm Ấn Độ năm 2013.   Ảnh: CNN

Mong muốn thoái vị

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi một ủy ban đặc biệt do Thủ tướng Shinzo Abe dẫn đầu đạt được đồng thuận về thời gian để Nhật hoàng Akihito thoái vị.

Thời điểm thoái vị của Nhật hoàng Akihito dự kiến được Nội các Nhật Bản chính thức thông qua vào ngày 8-12 tới. Hội đồng Nội chính Hoàng gia Nhật Bản gồm 10 thành viên, bao gồm Thủ tướng Abe, lãnh đạo lưỡng viện Quốc hội, chánh án tòa án tối cao, trưởng quan Cơ quan Nội chính Hoàng gia và 2 thành viên hoàng tộc. Hội đồng cũng đã quyết định Thái tử Naruhito sẽ đăng cơ vào ngày 1-5-2019, trở thành Nhật hoàng thứ 126 của Nhật. "Tôi sẽ làm hết sức mình để đảm bảo việc Nhật hoàng thoái vị và Thái tử nối ngôi sẽ tiến hành suôn sẻ với sự ban phước của tất cả các công dân", Thủ tướng Abe cho biết.

Trong bài phát biểu hiếm hoi trước công chúng hồi năm ngoái, Nhật hoàng Akihito, 83 tuổi, khiến người dân Nhật Bản bất ngờ khi bày tỏ ý định muốn thoái vị vì lo ngại vấn đề sức khỏe do tuổi cao có thể sẽ ảnh hưởng việc hoàn thành công việc. Nhật hoàng Akihito từng trải qua cuộc phẫu thuật tim và điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Mong muốn của Nhật hoàng Akihito đặt ra thách thức đối với chính phủ bởi luật pháp nước này chưa có quy định về việc thoái vị của nhà vua. Nhật Bản coi việc giữ ngai vàng là "công việc trọn đời" và chỉ dừng lại khi nhà vua băng hà. Hồi tháng 6, Quốc hội Nhật thông qua dự luật cho phép Nhật hoàng Akihito thoái vị, nhưng chưa công bố thời điểm cụ thể. Hồi giữa tháng trước, truyền thông Nhật Bản đưa tin, Nhật hoàng Akihito dự kiến thoái vị vào ngày 31-3-2019 và Thái tử Naruhito sẽ đăng cơ ngay trong ngày hôm sau.

Hiến pháp Nhật sau Thế chiến II quy định nhà vua là "biểu tượng của Nhà nước và sự đoàn kết của nhân dân" và chỉ mang tính tượng trưng trong chế độ quân chủ mà không có quyền lực chính trị. Việc Nhà vua Akihito thoái vị sẽ khép lại thời kỳ Heisei trong lịch sử Nhật Bản. Hoàng gia Nhật Bản hiện tại được xem là thiết chế quân chủ duy trì liên tục lâu nhất thế giới. Nhật hoàng Akihito chính là con cháu trực tiếp của vị hoàng đế đầu tiên của Nhật Jimmu, được cho là trị vì khoảng năm 660 trước Công nguyên.

Hoàng gia Nhật Bản đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng người kế vị khi số lượng thành viên ngày càng giảm. Hiện Hoàng gia Nhật Bản chỉ còn 19 thành viên, 7 trong số này là các cô gái chưa kết hôn và có thể sẽ rời hoàng gia sau khi lấy chồng, 11 người đã trên 50 tuổi và chỉ còn lại Hoàng tử Hisahito năm nay mới 10 tuổi.

Nhân vật được yêu mến

Nhật hoàng Akihito trở thành Thái tử năm 1952 và lên ngôi  năm 1989 sau khi vua cha là Nhật hoàng Hirohito băng hà. Trong suốt thời gian trị vì, Nhật hoàng Akihito luôn được nhân dân kính trọng, yêu mến do tính cách cũng như tinh thần trách nhiệm. Ông được xem là một trong những hoàng đế được yêu mến nhất của Nhật Bản nhờ đưa gia đình hoàng tộc xích lại gần với người dân.

Dù không nắm trong tay quyền lực chính trị, nhưng Nhật hoàng vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng như một biểu tượng quốc gia, đồng thời chủ trì việc tiếp đón các nguyên thủ tới Nhật Bản, cũng như thực hiện các chuyến công du nước ngoài để thúc đẩy quan hệ đối ngoại của Nhật Bản. Nhật hoàng Akihito đã nhiều lần bày tỏ sự hối hận về các hành động của Nhật bản trước và trong Thế chiến II, kể cả trong chuyến thăm Trung Quốc năm 1992, mặc dù ông không xin lỗi về hành động này.

Nhật hoàng Akihito kết hôn với Hoàng hậu Michiko Shoda năm 1959. Chuyện tình của họ đẹp như một câu chuyện cổ tích ngoài đời thực. Dù sinh ra trong gia đình giàu có nhưng Michiko vẫn chỉ là một thường dân và bị hoàng gia Nhật Bản xem thường. Nhiều người theo chủ nghĩa truyền thống lúc bấy giờ đã ra sức phản đối cuộc hôn nhân này bởi Michiko không hề có xuất thân hoàng tộc, và được nuôi dạy, tiếp thu những tư tưởng, giá trị phương Tây. Tuy nhiên, vượt qua mọi khó khăn, cuộc hôn nhân của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko cuối cùng cũng có kết cục viên mãn. Họ có với nhau 3 người con. Sau gần 60 năm chung sống, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko trở thành biểu tượng của đất nước Nhật Bản hiện đại.

AN BÌNH