Báo Công An Đà Nẵng

Nhật tái khởi động điện hạt nhân

Thứ tư, 12/08/2015 07:30

(Cadn.com.vn) - Quyết định khởi động lại một lò phản ứng hạt nhân theo tiêu chuẩn an toàn mới giúp Nhật đánh dấu kết thúc cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima tồi tệ kéo dài từ năm 2011.

Bất chấp làn sóng phản đối gay gắt, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe ngày 11-8 chính thức khởi động lại chương trình điện hạt nhân, hơn 4 năm kể từ sau khi trận động đất - sóng thần kinh hoàng năm 2011 làm bùng nổ cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima nhấn chìm nước này.

Các kỹ sư bắt tay vào việc tái khởi động lò phản ứng số 1 tại Sendai vào ngày 11-8. Ảnh: AFP

Theo AFP, quyết định mở lại lò phản ứng số 1 tại nhà máy Sendai thuộc Cty điện Kyushu, hoạt động theo tiêu chuẩn an toàn mới, giúp nước Nhật trở lại với nguồn năng lượng giá rẻ hơn sau thời gian dài khốn khổ. Theo kế hoạch, lò phản ứng này - nằm cách thủ đô Tokyo khoảng 1.000km về phía tây nam - được khởi động đầy đủ công suất vào lúc 23 giờ ngày 11-8 (giờ địa phương) và sẽ bắt đầu phát điện vào ngày 14-8 tới. Trong khi đó, các hoạt động mua bán điện sẽ bắt đầu diễn ra vào đầu tháng 9 tới, một phát ngôn viên Cty điện Kyushu cho biết.

Từ sau khủng hoảng Fukushima, Nhật đóng cửa tất cả các lò phản ứng điện hạt nhân khi ở trong nước bùng nổ cuộc chiến khốc liệt về việc sử dụng năng lượng nguyên tử trong tương lai. Kể từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Abe và nhiều nhà kinh doanh  ở Nhật muốn mở lại các lò phản ứng hạt nhân để giảm chi phí nhiên liệu. Tuy nhiên, động thái này vấp phải làn sòng phản đối mạnh mẽ từ người dân. Trong ngày 11-8, các cuộc biểu tình bùng nổ bên ngoài nhà máy Sendai và trước tư dinh của Thủ tướng Abe tại thủ đô Tokyo. Trong số những người biểu tình ở Sendai có cựu Thủ tướng Naoto Kan, người nắm quyền lãnh đạo nước Nhật tại thời điểm xảy ra khủng hoảng Fukushima. Ông Kan cho rằng, thất bại của Thủ tướng Abe trong việc không khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân là “không thể tha thứ”.

Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân khiến người dân phản đối mạnh mẽ như thế này là do niềm tin của họ đã bị lung lay sau thảm họa tại nhà máy Fukushima – vốn tưởng như không bao giờ có thể xảy ra. Khi đó, vụ rò rỉ phóng xạ buộc hàng chục ngàn người phải rời bỏ nhà cửa - nhiều người trong số đó có thể sẽ không bao giờ quay trở lại. Đây được đánh giá là vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ thảm họa Chernobyl năm 1986.

Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất do hãng tin Mainichi Shimbun công bố hôm 11-8, tỷ lệ ủng hộ chính quyền của Thủ tướng Abe tiếp tục giảm, xuống mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 12-2012. Nguyên nhân là do các chính sách của ông Abe, trong đó có đến 57% trong tổng số người được hỏi phản đối kế hoạch kích hoạt lại hoạt động nhà máy điện hạt nhân Sendai.

Trong tuyên bố trấn an người dân, chính phủ Nhật cho biết, Cty điện Kyushu khởi động lại lò phản ứng số 1 tại nhà máy Sendai sau khi vượt qua các bài kiểm tra an toàn mới nghiêm ngặt. Người đứng đầu Cơ quan Giám sát hạt nhân khẳng định, quy định an toàn mới sẽ giúp tránh lặp lại thảm họa Fukushima, trong đó bao gồm các biện pháp phòng chống rò rỉ và thiết lập các bức tường cao vững chắc để chặn sóng thần. “Mục tiêu khi khởi động lại các lò phản ứng là vì an toàn năng lượng, kinh tế và các biện pháp chống lại sự nóng lên toàn cầu, nhưng an toàn luôn luôn được đặt trên hết”, Bộ trưởng Công nghiệp Yoichi Miyazawa nói với các phóng viên.

Nhật là một quốc gia nghèo tài nguyên và phải sống dựa vào năng lượng hạt nhân cho các ngành công nghiệp hái ra tiền của họ. Kể từ khi đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới phải nhập khẩu số lượng lớn khí tự nhiên hóa lỏng đắt đỏ. Và đó là nguyên nhân khiến Thủ tướng Abe tham vọng khởi động lại tất cả các lò phản ứng hạt nhân trong tương lai gần.

Khả Anh