Nhiệm vụ bất khả thi
(Cadn.com.vn) - Triển vọng ký kết một thỏa thuận hạt nhân chính thức tại bàn đàm phán Iran và P5+1 tại Vienna (Áo) lần này xem ra rất mờ mịt.
Iran và các cường quốc P5+1 đang bước vào cuộc đàm phán hạt nhân quan trọng nhất khi thỏa thuận tạm thời sẽ hết hiệu lực vào ngày 20-7 tới.
Nhóm P5+1, nhất là Mỹ, đang nỗ lực để hai bên tiến đến thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Iran trước thời hạn chót này - hoặc tìm một giải pháp, có thể mở rộng thời hạn chót này thêm 6 tháng - theo như đề nghị của Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif. Nếu thành công, thỏa thuận hạt nhân lần này sẽ đánh dấu chiến thắng ngoại giao quan trọng của Nhà Trắng. Điều thú vị là thậm chí lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đưa ra nhiều cảnh báo nếu đàm phán thất bại vì ông ủng hộ mạnh mẽ một thỏa thuận hạt nhân toàn diện. Và ông cũng kêu gọi phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để giúp quốc gia Hồi giáo cải thiện nền kinh tế.
Các bên tại bàn đàm phán hạt nhân Iran ở Vienna (Áo). Ảnh: AP |
Nhưng viễn cảnh đạt được một thỏa thuận toàn diện có vẻ rất xa vời. Theo đánh giá của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, mặc dù bàn đàm phán đạt được một số tiến triển nhưng hai bên còn những “khoảng cách rất thực tế”. Thủ lĩnh ngoại giao Mỹ cho biết, tranh cãi lớn nhất là chương trình làm giàu uranium của Tehran. Iran vẫn khăng khăng cần tiếp tục mở rộng quy mô làm giàu uranium làm nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân dân sự. Tuy nhiên, nhóm P5+1, nhất là Mỹ, lo ngại Tehran có thể lợi dụng việc này làm nền tảng sản xuất các nguyên liệu cho việc chế tạo bom hạt nhân. Vấn đề tranh cãi khác là trong khi quốc gia Hồi giáo muốn phải dỡ bỏ mọi hạn chế đối với chương trình hạt nhân trong khoảng từ 3-7 năm, song Washington lại muốn duy trì lâu hơn.
Câu hỏi đặt ra là liệu các nhà đàm phán P5+1 có nhượng bộ để đạt được thỏa thuận toàn diện vào cuối tuần này? Giới quan sát cho rằng, việc kéo dài thời hạn chót để nỗ lực đạt được thỏa thuận hạt nhân hiện “rất có thể xảy ra” và việc gia hạn sẽ tính bằng tháng chứ không phải bằng tuần. Vậy, bên nào sẽ nổi lên như là người chiến thắng từ các cuộc đàm phán và ai sẽ thua cuộc?
Khá đơn giản! Nếu hai bên tiến đến một thỏa thuận chính thức, bên thua cuộc chính là người đang muốn tận dụng lợi thế của Iran và người dân Iran. Nhiều người nói về khả năng Nga, Trung Quốc sẽ đứng về phía Iran trong khi Mỹ, Anh, Pháp, và Đức sẽ đứng cùng chiến tuyến. Nhưng tờ Al-Jazeera dẫn lời các chuyên gia cho rằng, trên thực tế, Nga, Trung Quốc không có gì để mất nếu các cuộc đàm phán thất bại. Tehran sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Moscow và Nga cũng sẽ loại trừ được một đối thủ cạnh tranh dầu khí và thậm chí có thể đảm bảo một thỏa thuận tốt hơn với Iran. Trong khi đó, hàng hóa chất lượng thấp của Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển tại thị trường Iran và quan trọng hơn là những giao dịch dầu giá rẻ, so với việc mua dầu của Châu Âu và Mỹ.
Và rồi, bất kỳ thất bại nào trong các cuộc đàm phán lần này cũng sẽ gây mất ổn định khu vực, đóng kín cơ hội kinh doanh cho các nước Arab. Chưa kể, bất kỳ “tai nạn” nào về chương trình hạt nhân của Iran sẽ gây tổn hại cho môi trường, mối lo ngại nghiêm trọng của các quốc gia vùng Vịnh Arab. Nhìn chung, Tehran cần có một thỏa thuận cho dù họ có phải trở lại bàn đàm phán nhiều lần đi chăng nữa.
Khả Anh