Báo Công An Đà Nẵng

Nhiệm vụ nặng nề

Thứ bảy, 16/07/2016 08:56

(Cadn.com.vn) - Bà Theresa May đã trở thành tân Thủ tướng Anh hôm 13-7, gánh trách nhiệm chèo lái đất nước trong thời kỳ hỗn loạn nhất lịch sử thời hậu chiến. Bất ổn chính trị và khủng hoảng kinh tế đè nặng trên vai một quốc gia đang bị chia rẽ sâu sắc do vấn đề rời Liên minh Châu Âu (EU) - Brexit. Làm thế nào mà tân Thủ tướng Theresa May có thể kéo Anh ra khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện. Đó là câu hỏi chỉ có thời gian mới có thể trả lời. Nhưng rõ ràng, đây chắc chắn là nhiệm vụ không hề dễ dàng.

Trước tiên là có một kế hoạch cho Châu Âu Các quan chức EU và giới lãnh đạo kinh doanh chắc chắn muốn bà May sớm công bố chiến lược rời EU. Các Cty cần thời gian để lên kế hoạch trước. Bất ổn kéo dài trong việc tiếp cận thị trường Châu Âu trong tương lai đồng nghĩa với việc họ phải hoãn đầu tư, chậm trễ thuê mướn hoặc thậm chí di chuyển hoạt động và nhân viên ra khỏi nước Anh. Tân Thủ tướng Anh có 3  lựa  chọn. London có thể tham gia Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA), một hiệp ước cho phép Anh thâm nhập vào các thị trường EU như một số thành viên không thuộc liên minh như Na Uy. Nhưng việc này chắc chắn vấp phải nhiều khó khăn bởi Anh sẽ không thể toàn quyền kiểm soát biên giới của mình, như yêu cầu của nhiều người ủng hộ Brexit. Hoặc bà May có thể cố gắng thương lượng một thỏa thuận song phương với EU, tương tự như Thỏa thuận Thương mại Tự do giữa Canada và Mỹ. Nhưng nhược điểm là các cuộc thảo luận sẽ rất phức tạp và có thể kéo dài trong nhiều năm. Ngoài ra, Anh có thể dựa vào mối quan hệ điều chỉnh với EU theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nhưng lựa chọn này có thể sẽ gây ra nhiều thiệt hại đối với nền kinh tế Anh.

Thứ hai là ngăn chặn một cuộc suy thoái

Cho đến gần đây, nền kinh tế Anh có khởi sắc, tạo việc làm và thu hút đầu tư từ khắp nơi trên thế giới. Bức tranh đó đã thay đổi đáng kể từ cú sốc Brexit. Niềm tin tiêu dùng sụp đổ, giảm xuống thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Thương mại cũng trở nên ảm đạm. Một cuộc khảo sát cho thấy, 66% các Cty lớn của Châu Âu sẽ trì hoãn hoặc cắt giảm chi tiêu tại Anh trong 6 tháng tới. Sự trì trệ có thể đẩy nước Anh vào suy thoái kinh tế. Tân thủ tướng đã báo hiệu, chính phủ có thể cung cấp gói kích thích, từ bỏ các kế hoạch cho một thặng dư ngân sách vào năm 2020. Bà có thể trì hoãn cắt giảm chi tiêu và vay thêm để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng. Nhưng vấn đề đặt ra là Anh là quốc gia thâm hụt ngân sách cao thứ hai trong số các nền kinh tế phát triển, chỉ sau Nhật Bản.

Nhiệm vụ cuối cùng là trấn an nhà đầu tư

Anh dựa vào các nhà đầu tư để vay tiền trang trải thâm hụt ngân sách và làm giảm khoảng cách giữa nhập khẩu và xuất khẩu. Nhưng đồng bảng Anh mất giá lớn kể từ sau cú sốc Brexit, giảm khoảng 12% so với USD. Điều đó khiến tài sản ở Anh rẻ hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, và có thể giúp giữ tiền mặt. Bằng chứng là hai Cty nước ngoài mới mua 2 Cty của Anh trong tuần này. Tuy nhiên, những rủi ro vẫn còn đó. Và các nhà đầu tư vẫn muốn có một sự rõ ràng hơn cho tương lai của nền kinh tế Anh.

 Thanh Văn