Báo Công An Đà Nẵng

Nhiều bất cập trên tuyến cao tốc đầu tiên ở miền Trung

Thứ sáu, 02/02/2018 21:00

Sau 5 tháng đi vào hoạt động, đoạn tuyến cao tốc Túy Loan- Tam Kỳ đã góp phần rút ngắn khoảng cách, thời gian đi lại giữa các trung tâm kinh tế, các khu công nghiệp của Đà Nẵng- Quảng Nam. Bên cạnh đó, trong thời điểm bão lũ, QL1A tắc nghẽn, đoạn tuyến cao tốc này giúp điều tiết giao thông, tránh ùn tắc kéo dài nhiều ngày trên QL1A. Tuy vậy, do là đoạn tuyến cao tốc đầu tiên ở miền Trung được đưa vào khai thác nên đã bộc lộ nhiều bất cập cần sớm xử lý dứt điểm.

Đoạn tuyến cao tốc đầu tiên ở miền Trung đưa vào khai thác (ảnh) đang bộc lộ nhiều bất cập.

Trung bình mỗi ngày hiện có từ 1,3 đến 1,5 ngàn lượt phương tiện lưu thông trên đoạn tuyến cao tốc Túy Loan - Tam Kỳ dài 65km. Lưu lượng phương tiện này được xem là thấp nhất so với các tuyến cao tốc đang khai thác trên cả nước hiện nay. Đại tá Lê Xuân Đức- Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, sau 5 tháng khai thác đoạn tuyến cao tốc này, tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng và ùn tắc giao thông không xảy ra. Ghi nhận tới thời điểm hiện tại có 4 vụ TNGT, 2 người bị thương nhẹ, nguyên nhân chủ yếu do phương tiện nổ lốp, lái xe mất lái tự lật gây ra. Tuy nhiên, Đại tá Đức cũng cho rằng, do đây là tuyến cao tốc đầu tiên được đưa vào khai thác, sử dụng tại miền Trung nên người dân và người tham gia giao thông trên tuyến chưa nắm rõ các qui tắc chung khi tham gia giao thông trên đường cao tốc. Vì thế, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, lực lượng CSGT đã tăng cường xử lý vi phạm. Cụ thể đã lập biên bản 54 trường hợp, phạt tiền 64 triệu đồng.

Thượng tá Lê Đình Xê- Phó Trưởng phòng CSGT CA tỉnh Quảng Nam cho biết, một bất cập hiện nay trên đoạn tuyến cao tốc là chưa có biển báo ranh giới giữa các địa phương, vì thế khi TNGT xảy ra ở vùng giáp ranh không biết thuộc huyện nào để báo CSGT của huyện đó xử lý. Chưa kể, nhiều đoạn trên cao tốc hiện chưa có hàng rào an toàn, gia súc (trâu, bò) gặm cỏ ngay mép đường, có thể tràn lên cao tốc, gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông bất cứ lúc nào. Ngoài việc tăng cường hàng rào an toàn, cần có biển cảnh báo khu vực cao tốc qua khu vực dân cư, người dân thường thả gia súc cho các tài xế được chủ động. Thượng tá Xê cũng cho biết, không chỉ trên đoạn tuyến cao tốc Túy Loan- Tam Kỳ mà nhiều cao tốc hiện nay, ý thức, tập quán của dân địa phương khi băng qua cao tốc hoặc để gia súc lên cao tốc cũng đang nhức nhối. Có những đoạn cao tốc đi qua làng mạc, bên kia có đám giỗ, dân bên này cứ băng qua cao tốc đi sang cho tiện, thay vì phải đi đường vòng, hầm chui ở xa rất mất thời gian.

Sắp Tết nguyên đán, lượng phương tiện qua cao tốc sẽ tăng, kể cả ý thức người dân ven cao tốc khi tham gia trên đường cũng nhiều phức tạp, vì thế Thượng tá Xê đề nghị đơn vị vận hành đoạn tuyến cao tốc này cần rà soát lại toàn tuyến, bổ sung biển báo, hàng rào các khu vực còn thiếu, kể cả sửa chữa một số điểm mặt đường xuống cấp.

Hiện tại, đoạn tuyến cao tốc 65 km là khá ngắn, song các tài xế trả 200 ngàn đồng/lượt lưu thông phương tiện tỏ ra không hài lòng, đặc biệt đường dẫn 40B từ cao tốc xuống Tam Kỳ hiện quá tải, xuống cấp, liên tục ùn tắc, gây tai nạn. Do nền đất yếu, mặt cắt nhỏ, vì thế chỉ cần 2 xe container đi là đường 40B sẽ tắc. Thượng tá Xê nói, để khắc phục tạm thời trong thời gian đường dẫn tạm (QL 40B) xảy ra tình trạng mặt đường bị hư hỏng, sụt lún nghiêm trọng, các phương tiện lưu thông thường xuyên bị ùn tắc, hiện các lực lượng chức năng đã có biển báo 2 đầu tuyến tạm dừng phục vụ xe tải có trọng tải trên 10 tấn, xe đầu kéo, xe container.  Thiếu tá Mai Văn Hiển- Phó trưởng CATP Tam Kỳ (Quảng Nam) cho biết, từ khi xe container từ cao tốc dẫn xuống Tam Kỳ qua đường 40B trong thời gian ngắn đã xảy ra 2 vụ tai nạn làm 2 người chết tại chỗ. Do đường yếu, nhỏ, lưu lượng phương tiện lớn, nên trật tự ATGT rất phức tạp, người dân 2 bên đường cũng rất bức xúc. Thiếu tá Hiển cho rằng, ngoài việc cải tạo triệt để và mở rộng mặt quốc lộ 40B thì chủ đầu tư cao tốc cũng cần xây hầm chui, sửa sang các đường công vụ hiện không dùng nữa để cho người dân đi.

Cũng theo Thiếu tá Hiển, chủ đầu tư cao tốc cần có trách nhiệm quan tâm tương xứng hơn với cuộc sống của người dân ven dự án. Bởi lẽ, người dân ven cao tốc không được hưởng lợi gì, khác với ở mặt tiền các tuyến quốc lộ. Trong khi đó, họ cũng phải nhường nhà cửa, đất đai phục vụ dự án, thậm chí khi có dự án cao tốc, đời sống sinh hoạt của họ còn bất tiện hơn bình thường. Chưa kể, nhiều đơn vị nhà thầu đến thi công cao tốc, công nhân nợ tiền ăn, trọ của dân mỗi người vài triệu, làm xong thì quỵt, chuyển đi nơi khác, không biết đâu mà tìm. Thiếu tá Hiển nói, việc này vừa xót xa mà phản cảm, chủ đầu tư phải có trách nhiệm cùng nhà thầu quan tâm, gỡ khó cho dân địa phương.

Đại diện Tổng Cty đường cao tốc Việt Nam cho biết, do tuyến cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi vừa khai thác vừa thi công nên còn nhiều tồn tại, những phản ánh của công an các địa phương là xác đáng. Vị đại diện này cũng cho biết, Công an các địa phương có đề xuất miễn phí một số xe cá nhân của Công an các huyện vào cao tốc để xử lý TNGT thì phải căn cứ theo qui định. Bởi lẽ ngay như xe của Tổng Cty, các nhà thầu khi vào cao tốc cũng phải nộp phí.

HẢI QUỲNH