Báo Công An Đà Nẵng

Nhiều bất cập trong xử lý rác thải nông thôn

Thứ tư, 03/07/2019 13:53

Dọc theo các tuyến đường liên thôn, xã thuộc các huyện, thị trong tỉnh Quảng Nam, chúng ta thường bắt gặp hình ảnh những túi ni-lon, bao chứa rác thải sinh hoạt được vứt bừa bãi 2 bên lề đường, nằm cạnh các bụi rậm hoặc được chất thành từng đống bên vệ đường. Dọc các kênh, mương cũng không ngoại lệ, nhiều nơi, rác thải được đổ trôi lềnh bềnh trên mặt nước gây ô nhiễm môi trường. Những bãi rác như vậy đang hình thành ngày càng nhiều, phổ biến tại khu vực nông thôn đã gây ô nhiễm đến nguồn nước và không khí. 

Rác được vứt bừa bãi và việc xử lý bằng cách đốt tại chỗ gây mất vệ sinh.

Theo tìm hiểu, tất cả các địa phương tại Quảng Nam đều ký hợp đồng thu gom rác với Công ty Môi trường đô thị và mức phí được UBND tỉnh quy định là 25.000 đồng/hộ đối với cấp phường, thị trấn và 20.000 đồng/hộ đối với cấp xã. Tuy nhiên, do địa bàn quá rộng nên tại nhiều thôn, xã vẫn chưa có các đơn vị chuyên trách trong việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt. Một số địa phương đã áp dụng các biện pháp thu gom rác thải sinh hoạt với quy mô nhỏ do HTX Nông nghiệp tổ chức thu gom, phương tiện thu gom còn rất thô sơ với các xe cải tiến chuyên chở về nơi tập trung rác. Phần lớn chất thải rắn được thu gom và xử lý bằng biện pháp chôn lấp không hợp vệ sinh nên gây ô nhiễm môi trường. Vì thế, rác thải, ô nhiễm môi trường nông thôn đang trở thành vấn đề bức xúc.

Theo ông Ngô Bốn - Phó Phòng Tài Nguyên và Môi Trường H. Duy Xuyên: Trên địa bàn hiện có hơn 60 tổ thu gom rác thải, mỗi tuần sẽ đi thu gom 1 lần trên các địa bàn xã, số lượng rác thải được tập kết đến các điểm riêng. Huyện đã hợp đồng với công ty môi trường đô thị Quảng Nam để xử lý lượng rác thải. Tuy nhiên, ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa được cao nên việc giữ gìn vệ sinh môi trường chưa được làm tốt, việc đóng phí thu gom và xử lý rác cũng chưa được tuyệt đối, việc phân loại rác thải cũng không được người dân quan tâm nên nhiều nơi rác còn tồn lại ở những khu tập kết. Theo các vệ sinh viên, với mức thu là 20.000 đồng/hộ chưa đủ kinh phí để hoàn tất các khâu xử lý rác thải đúng quy trình. Tương tự, việc thu gom, xử lý rác tại TX Điện Bàn cũng là vấn đề nan giải. Hiện tại, nhiều xã chưa có điểm tập kết rác nên người dân thực hiện theo kiểu "bạ đâu, vứt đấy", rác được vứt trên vỉa hè, dải phân cách... gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Anh Dương Dần, trú Đông Khương, Điện Phương, cho biết: Phí vệ sinh đã nộp đủ nhưng mỗi tuần, vệ sinh viên đi thu gom rác 1 lần. Do để lâu, thời tiết nắng nóng nên bốc mùi hôi rất khó chịu.

Thực tế, trên địa bàn một số xã vùng nông thôn Quảng Nam, số người không tham gia đóng phí vệ sinh vẫn còn cao, nguyên nhân là do thu nhập của người dân nông thôn còn thấp, nhiều hộ già cả neo đơn không có điều kiện nộp phí hoặc thường xuyên đi làm xa, không có mặt tại địa phương... nên việc thu gom, xử lý rác thải vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là vấn đề kinh phí. Do nguồn thu không đủ nên việc thu gom rác thải không được thực hiện một cách thường xuyên. Bên cạnh đó là khó khăn về lao động, nhiều địa phương không tuyển được người làm vệ sinh viên... Ngoài ra, nhiều địa phương vẫn còn tình trạng tự chôn và đốt các loại rác dễ phân hủy gây ô nhiễm môi trường và gây bức xúc trong cộng đồng dân cư. Anh Hồ Minh Công, trú Duy Nghĩa, Duy Xuyên, phát biểu: Tiền được thu đều đặn hàng tháng và rác thải cũng được thu gom vào cuối tuần. Nhưng tôi không thấy xe chở rác của công ty môi trường đến mang rác đi xử lý. Toàn bộ rác thải được thu gom về hầu như là mang đi đốt hoặc chôn. Thu gom lại để mang đi đốt và chôn như vậy thì đâu khác gì là không thu gom. Do chôn lấp rác không đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật đã gây ô nhiễm cho nguồn nước ngầm và do rác thu gom không đổ đúng vị trí, không sử dụng hóa chất diệt côn trùng dẫn đến phát sinh ruồi muỗi, mùi hôi thối...

Như vậy, công việc thu gom, xử lý rác thải ở nông thôn Quảng Nam vẫn còn nhiều bất cập, gây nhiều bức xúc cho người dân. Mong rằng, các cơ quan chức năng cần có biện pháp chấn chỉnh để rác thải không còn là nỗi lo của người dân.

M.T-T.V