Báo Công An Đà Nẵng

Nhiều bệnh viện áp lực do thiếu thuốc

Thứ hai, 15/06/2015 11:47

(Cadn.com.vn) - Ngoài Trung tâm Y tế (TTYT) H. Tiên Phước thiếu thuốc kéo dài, bệnh nhân điêu đứng (Báo Công an TP Đà Nẵng ngày 16-5 đã thông tin), nhiều cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng bị áp lực do thiếu thuốc điều trị. Đáng nói ở đây là công tác đấu thầu thuốc điều trị bệnh của ngành Y tế Quảng Nam đang "có vấn đề" khiến cho "căn bệnh" của các bệnh viện ở Quảng Nam vẫn chưa có "thuốc" điều trị dứt điểm.

Nhiều bệnh viện khó khăn do thiếu thuốc điều trị bệnh nhân. 

Từ cuối năm 2014 đến nay, TTYT H. Thăng Bình đã phải xoay sở mới có đủ thuốc và các loại vật tư y tế tiêu hao để đảm bảo công tác khám và điều trị bệnh. Để đảm bảo phục vụ công tác thu dung, điều trị hàng trăm lượt bệnh nhân mỗi ngày, ngoài việc xử lý bằng cách chọn thuốc thay thế hoặc chuyển lên tuyến trên, lãnh đạo TTYT H. Thăng Bình đã phải thân chinh đến Sở Y tế xin chủ trương mua một vài loại thuốc cơ bản để có nguồn thuốc và vật tư y tế tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh. Bác sỹ Đoàn Văn Sen - Phó Giám đốc TTYT H.  Thăng Bình, cho biết: "Thiếu thuốc là điều có thật. Thực tế là do Sở Y tế tổ chức việc đấu thầu thuốc không kịp thời. Điều này gây không ít khó khăn cho bệnh viện trong việc kê đơn, bởi phải cân nhắc nguồn thuốc hiện có. Không tới mức nghiêm trọng, nhưng rõ ràng điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám chữa bệnh cần phải được khắc phục".

Là cơ sở y tế tuyến trên, BVĐK Quảng Nam cũng không nằm ngoài thực tế thiếu thuốc. Song, do đây là chuyện thường diễn ra vào cuối kỳ đấu thầu và lượng thuốc, vật tư y tế tiêu hao hàng năm trị giá khá lớn (khoảng 130 tỷ đồng) nên ngoài việc chủ động dự trữ thuốc, thì việc gia hạn hợp đồng thuốc của bệnh viện đối với các nhà cung cấp cũng có phần dễ dàng hơn. Thế nhưng, sự thiếu chủ động nguồn thuốc cũng đã gây không ít trở ngại cho công tác thu dung, điều trị của bệnh viện. Ông Nguyễn Văn Ngọc - Trưởng khoa Dược BVĐK Quảng Nam, cho biết: "Trước tình trạng thiếu thuốc, Hội đồng Thuốc và Điều trị của bệnh viện đã phải họp để có kế hoạch xử lý, chủ động trước nguồn thuốc. Thực tế này muốn khắc phục cũng không khó, bởi chỉ cần tổ chức đấu thầu sớm trước khi hợp đồng cũ kết thúc, thì các bệnh viện cũng sẽ chủ động hơn". Ông Dương Ngọc Vinh - Phó Giám đốc BVĐK Quảng Nam, khẳng định: "Thực tế thì bệnh viện đã chủ động dự trữ trước vì đây là tình trạng thường xảy ra cuối kỳ đấu thầu. Chúng tôi có trách nhiệm không để ảnh hưởng đến công tác khám và điều trị bệnh cho bệnh nhân".

BVĐK Quảng Nam chủ động dự trữ mới đủ thuốc phục vụ bệnh nhân.

Kết thúc hợp đồng cung ứng thuốc vào cuối năm 2014, Sở Y tế Quảng Nam đã có văn bản gia hạn thời gian kéo dài hợp đồng cung ứng thuốc đến 28-2-2015. Nhưng mãi cho đến tháng 4-2015 thì việc đấu thầu thuốc mới hoàn thành và danh mục thuốc mới được công bố. Theo một số người am hiểu thị trường cung ứng thuốc, trong khi giá thuốc thường biến động tăng nên ngay cả khi hợp đồng được Sở Y tế kéo dài thì các đơn vị cung ứng thuốc cũng không mấy mặn mà. Vì vậy mà từ sau Tết Nguyên đán đến nay, hầu hết các cơ sở y tế đều rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn thuốc để phục vụ bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân có BHYT. Lãnh đạo một số cơ sở y tế thiếu thuốc cục bộ kéo dài thời gian qua cho biết, thiếu thuốc giai đoạn giao thời giữa cuối và đầu kỳ đấu thầu thuốc là thực trạng diễn ra kể từ khi áp dụng chính sách đấu thầu thuốc quy về một mối. Áp lực do thiếu thuốc đối với công tác khám và điều trị cho bệnh nhân là rất lớn.

Mặc dù lãnh đạo Sở Y tế Quảng Nam khẳng định đã chỉ đạo khẩn trương khắc phục, đẩy nhanh tiến độ cung ứng và nhận thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh nhưng các TTYT, bệnh viện vẫn đang "chật vật" trong việc khắc phục tình trạng thiếu thuốc cục bộ.

Th. Hà