Báo Công An Đà Nẵng

Nhiều cán bộ bị kỷ luật vì không học vẫn có văn bằng

Thứ năm, 29/12/2016 10:16

(Cadn.com.vn) - Mới đây, Cơ quan An ninh Điều tra CA tỉnh Gia Lai phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ CA và CA nhiều tỉnh, thành phố triệt phá đường dây làm giả con dấu, giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Đây là đường dây cung cấp các loại chứng chỉ, bằng cấp xuyên Việt. Cơ quan CA đã khởi tố vụ án, bị can và bắt tạm giam nhiều đối tượng có liên quan đến đường dây để điều tra làm rõ. Bước đầu, các đối tượng khai nhận, thông qua mạng xã hội facebook, zalo... để trao đổi thông tin cá nhân của khách hàng (đa phần là các cán bộ đang công tác tại các cơ quan Nhà nước tại khu vực Tây Nguyên) muốn mua văn bằng, chứng chỉ giả mạo. Khi có chứng chỉ giả, sẽ giao nhận cho khách bằng đường bưu điện. Hình thức thanh toán, sau khi khách nhận văn bằng (chứng chỉ) mới thu lệ phí, hoặc chuyển qua tài khoản ngân hàng.

Trung tâm GD nghề nghiệp và GD thường xuyên nơi ông Lạc và ông Phát công tác.

Qua điều tra, cơ quan CA cũng đã làm rõ nhiều cán bộ của một số địa phương tại Tây Nguyên đã liên hệ với đối tượng Nguyễn Quốc Hương (1976, trú P. Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc) và đối tượng Lê Quang Lâm (1988, trú H. Yên Thế, Bắc Giang) để làm văn bằng chứng chỉ giả. Đặc biệt, Cơ quan ANĐT phát hiện trên mạng xã hội trang chủ cá nhân zalo của đối tượng Nguyễn Quốc Hương có hình ảnh chụp Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm giả của 3 cán bộ cấp huyện thuộc tỉnh Đắc Nông, gồm: ông Cao Văn Lạc - nguyên Giám đốc Trung tâm dạy nghề H. Cư Jút (nay là Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên H. Cư Jút); ông Hà Phước Phát – nguyên Trưởng phòng Tổ chức của Trung tâm dạy nghề H. Cư Jút (nay là Tổ trưởng tổ Hành chính Tổng hợp của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên H. Cư Jút) và bà Trần Thị Hạnh - Trưởng phòng Tư pháp H. Cư Jút. Cơ quan CA đã làm việc với 3 cán bộ nói trên, nhưng chỉ có ông Hà Phước Phát khai nhận và nộp lại Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm giả; 2 người còn lại không chịu nộp...

Làm việc với cơ quan CA, ông Hà Phước Phát cho hay, hồ sơ của ông và ông Cao Xuân Lạc, bà Trần Thị Hạnh “nộp” cùng thời điểm nhưng ông Phát cũng chưa đi học ngày nào. Đến cuối năm 2015, ông Phát “bất ngờ” nhận được Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm có dấu đỏ do một trường đại học tại Hà Nội cấp. “Sau khi nhận được chứng chỉ, tôi cất kĩ và chưa một lần sử dụng, cho đến khoảng tháng 5-2016, khi làm việc với Cơ quan CA tỉnh tôi đã giao nộp lại chứng chỉ này”, ông Phát nói. Cũng có tên trong “danh sách đen”, ông Cao Xuân Lạc cho biết, ông cần chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để sau này trung tâm sẽ mở lớp đào tạo lái xe thì ông sẽ trực tiếp đứng lớp. “Tôi cùng anh Phát trực tiếp cầm hồ sơ của mình và của chị Hạnh đi nộp, sau đó có đóng trước cho 3 người số tiền học phí là 3 triệu đồng, chứ tôi không phải là người đứng ra thu nhận hồ sơ…”, ông Lạc phân trần. Riêng bà Trần Thị Hạnh thì một mực cho rằng, sau khi gửi hồ sơ cho ông Cao Văn Lạc nộp giùm và vẫn đang “chờ” đi học khi có thông báo. Bà cho biết, bản thân bà cũng là nạn nhân và không hề hay biết mình có tên trong danh sách được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm như hình đăng trên mạng xã hội.

Trao đổi với P.V về vấn đề này, Phó chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Cư Jút Lê Văn Mừng cho biết, sau khi tiếp nhận công văn đề nghị của Cơ quan An ninh Điều tra CA tỉnh Gia Lai, UBKT đã thực hiện hình thức kỷ luật khiển trách về mặt Đảng và chính quyền đối với ông Cao Xuân Lạc và ông Hà Phước Phát. Riêng trường hợp bà Trần Thị Hạnh chỉ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm.  “2 cán bộ nói trên bị xử lý kỷ luật khiển trách về mặt Đảng và chính quyền, vì vi phạm về thủ tục hành chính trong việc đăng ký học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm (NVSP), cung cấp thông tin cá nhân, nộp tiền cho đối tượng không rõ địa chỉ, dẫn đến đã bị đối tượng in, mua bán và phát tán chứng chỉ trên mạng xã hội. Còn đối với bà Hạnh, có tham gia giảng dạy ở các lớp bồi dưỡng về pháp luật nên cần chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, nhưng bà Hạnh mới chỉ nộp hồ sơ cho ông Lạc nên chỉ xử lý kiểm điểm, rút kinh nghiệm…”, ông Mừng thông tin.

Ngọc Giang