Báo Công An Đà Nẵng

Nhiều cuộc đời được hồi sinh từ việc điều trị bằng Methadone

Thứ tư, 21/10/2015 11:50

(Cadn.com.vn) - Chiều 20-10, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone (chương trình) tại thành phố giai đoạn (2010-2015).

Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong chương trình điều trị Methadone.

Điều trị Methadone là "giải pháp vàng" cho người nghiện

Từ tháng 10-2010 đến nay, trên địa bàn thành phố có hơn 660 bệnh nhân đăng ký tham gia chương trình, trong đó có 559 bệnh nhân được phê duyệt và hiện có 344 bệnh nhân đang được điều trị. Hiện nay, có 18 bệnh nhân duy trì điều trị ổn định 5 năm, 84 bệnh nhân duy trì 4 năm, 95 bệnh nhân duy trì 3 năm. Tỷ lệ nhiễm HIV trong bệnh nhân điều trị Methadone là 4,3% và trong suốt thời gian triển khai, không ghi nhận ca nhiễm HIV mới trong số các bệnh nhân sau khi tham gia chương trình Methadone. Tình trạng nhiễm viêm gan vi rút khá cao, trong đó 71,8% bệnh nhân mắc viêm gan C, 17,4% viêm gan B và 12,5% đồng nhiễm viêm gan B và C. Trong quá trình điều trị, nhìn chung bệnh nhân phục hồi sức khỏe tốt, đa số bệnh nhân tăng từ 2-3 kg sau 6 tháng điều trị.  Bên cạnh đó, đa số bệnh nhân khi tham gia chương trình đều không có việc làm (60,5%). Đặc biệt, qua thời gian điều trị, nhờ phục hồi sức khỏe, thoát khỏi sự lệ thuộc ma túy và được sự quan tâm, hỗ trợ của gia đình, địa phương nên nhiều bệnh nhân đã chủ động tìm việc làm...

Theo ông Phùng Đình - Phó Trưởng phòng Y tế Q. Ngũ Hành Sơn, điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone là "giải pháp vàng" cho người nghiện, là sự lựa chọn đúng đắn cho người nghiện cải thiện chất lượng cuộc sống, nhân cách thay đổi tích cực và tỷ lệ người nghiện có việc làm tăng kém theo việc vi phạm pháp luật giảm rõ rệt. Một số bệnh nhân trước khi tham gia chương trình đã có không ít người bị suy sụp từ thể chất đến tinh thần và kinh tế gia đình cũng khánh kiệt vì ma túy. Tuy nhiên, sau thời gian tham gia điều trị Methadone, người nghiện cải thiện sức khỏe, phục hồi nhân cách, xây dựng cuộc sống  gia đình ổn định và tạo sự bình yên cho xã hội. "Đến với Methadone, nhiều cuộc đời được hồi sinh và là niềm hy vọng cho người cai nghiện ma túy. Những "liều thuốc" hướng thiện này đã giúp người nghiện ma túy trên địa bàn Q. Ngũ Hành Sơn nói riêng và thành phố nói chung có thêm nghị lực, niềm tin vượt qua được giai đoạn khó khăn, sống hòa nhập, khẳng định được giá trị của bản thân và vươn lên làm lại cuộc đời. Điều đó cho thấy chương trình này mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, và cần tiếp tục mở rộng trong thời gian tới", ông Phùng Đình khẳng định.

Có thể khẳng định rằng, chương trình đã phát huy hiệu quả, nhiều bệnh nhân qua điều trị đã không còn sử dụng ma túy, góp phần làm giảm số người nghiện ma túy theo chương trình mục tiêu "Không có người nghiện ma túy trong cộng đồng" của thành phố. Điều đặc biệt nữa là, suốt 5 năm thực hiện chương trình đã không phát hiện thêm một bệnh nhân mới nào nhiễm HIV và đây là thành công lớn của chương trình, góp phần làm giảm tỷ lệ gây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy cũng như từ nhóm này ra cộng đồng. Đến hiện tại, phần lớn các bệnh nhân có tình trạng sức khỏe ổn định, tinh thần thoải mái và tin tưởng về khả năng tự bỏ việc sử dụng heroin, hòa nhập tốt với cộng đồng

Theo ông Trần Đình Chiến - Phó Chủ tịch UBND Q. Thanh Khê, chương trình điều trị Methadone triển khai trên địa bàn quận từ năm 2010 đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần ổn định TTATXH. Từ 21 bệnh nhân tham gia điều trị đến nay đã có 194 bệnh nhân tham gia chương trình. Chương trình điều trị Methadone đã giúp giảm thiểu số người nghiện ma túy trên địa bàn, góp phần phòng, chống sự lây nhiễm HIV; cải thiện về sức khỏe, tinh thần và giảm thiệt hại về kinh tế cho người tham gia chương trình. Nhiều bệnh nhân được điều trị khỏi, tái hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định... Anh Đặng H. (45 tuổi, trú Q. Hải Châu, người đã điều trị Methadone được gần 5 năm) cho biết: "Trước đây do đua đòi và bạn bè rủ rê tìm cảm giác lạ, tôi đã sử dụng ma túy, sau đó bắt đầu nghiện và nghiện nặng, đồ đạc trong nhà lần lượt ra đi. Dù đã nhiều lần tự cai nghiện và 2 lần vào Trung tâm GD-DN 05 -06 để cai nhưng khi trở về địa phương thì lại tái nghiện ngay... Năm 2010, qua sự giới thiệu của bạn bè và tư vấn của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS thành phố, tôi đã ý thức được và tự nguyện đăng ký điều trị Methadone và đến nay tôi đã uống thuốc này được gần 5 năm. Sau khi uống thuốc trong tuần đầu tiên tôi đã bỏ hẳn ma túy và từ đó đến nay tôi hoàn toàn không thèm nhớ hay sử dụng đến ma túy nữa. Từ một người nghiện ngập chỉ biết có ma túy không quan tâm lo lắng gì đến gia đình thì hiện nay, tôi đã ổn định cuộc sống, sức khỏe hồi phục tốt,  hằng ngày chạy xe ba gác chở hàng kiếm tiền phụ giúp vợ con và đã trở thành người có ích cho xã hội, cho gia đình,... Có thể khẳng định, với các bệnh nhân như chúng tôi thì Methadone là một phương pháp điều trị rất hiệu quả cũng như dự phòng tái nghiện rất tốt...".

Tạo công ăn việc làm cho bệnh nhân khi điều trị Methadone

Lợi ích của việc điều trị Methadone là thế nhưng hiện nay số bệnh nhân trên địa bàn thành phố tham gia chương trình còn thấp, chỉ đạt 41% chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao. Ngoài ra, một số bệnh nhân bỏ trị do phải đi xa, hoàn cảnh gia đình khó khăn, điều kiện kinh tế, việc làm không thuận lợi cho việc phải đến cơ sở điều trị uống thuốc hàng ngày...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chương trình Methadone, trong đó định hướng, vận động người bệnh tham gia đóng góp một phần kinh phí. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp liên ngành giữa y tế, LĐ-TB&XH, CA và các quận, huyện trong việc vận động người nghiện chất dạng thuốc phiện tham gia chương trình, quản lý bệnh nhân tại địa phương và hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho bệnh nhân khi điều trị Methadone. Cũng như, hỗ trợ bằng nhiều hình thức cho bệnh nhân điều trị tốt, tuân thủ điều trị nhằm hạn chế các trường hợp tái nghiện. Bên cạnh đó, xem xét mở rộng thêm các cơ sở cấp phát thuốc Methadone nhằm tạo điều kiện cho bệnh nhân uống thuốc được thuận lợi. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của UBND các quận, huyện, xã, phường, các cấp hội, đoàn thể trong việc vận động đối tượng và gia đình của đối tượng đến cơ sở điều trị Methadone để tham gia chương trình; động viên bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt bằng những chính sách cụ thể...

Dịp này, Chủ tịch UBND TP đã trao tặng Bằng khen cho 24 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai chương trình Methadone.

T.Dũng