Nhiều điểm khác biệt trong bầu cử ở Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM
Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, khác với 60 tỉnh, thành phố khác, ba thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM sẽ không bầu HĐND cấp phường. Cùng với đó, TP Đà Nẵng và TPHCM cũng sẽ không bầu HĐND cấp quận.
Những điểm khác biệt trên là do ba thành phố này thực hiện theo các Nghị quyết số 97/2019/QH14, số 119/2020/QH14 và số 131/2020/QH14 của Quốc hội về thực hiện mô hình chính quyền đô thị từ năm 2021.
Tại Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng của Quốc hội nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Nghị quyết số 119/2020/QH14, ở cấp thành phố, Đà Nẵng cấu trúc chính quyền như các tỉnh, thành phố khác, gồm HĐND và UBND. Còn ở quận, phường chỉ có UBND. Tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của TP Đà Nẵng được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Như vậy, trong kỳ bầu cử lần này, trên địa bàn TP Đà Nẵng chỉ tổ chức bầu cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND TP Đà Nẵng, đại biểu HĐND H. Hòa Vang và đại biểu HĐND các xã thuộc H. Hòa Vang nhiệm kỳ 2021-2026, cùng với đó HĐND của 6 quận, 45 phường thuộc thành phố sẽ dừng hoạt động từ năm nay.
Do không bầu HĐND cấp quận, phường nên số lượng các tổ chức phụ trách bầu cử tại các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM có sự giảm bớt khá nhiều so với các đơn vị hành chính thông thường khác.
P.V