Báo Công An Đà Nẵng

Nhiều doanh nghiệp gặp khó về mặt bằng sản xuất

Thứ hai, 28/08/2023 09:36
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP Đà Nẵng đang cần mặt bằng để mở rộng sản xuất. Trong ảnh: sản xuất thiết bị cơ khí tại Công ty TNHH Bích Hạnh (xã Hòa Nhơn, H.Hòa Vang).

Ngại đầu tư vì thiếu mặt bằng

Ngoài thị trường xuất khẩu truyền thống là Nhật Bản và Hàn Quốc, bước vào năm 2023, Công ty TNHH Mỹ Phương Food (xã Hòa Sơn, H.Hòa Vang) có thêm nhiều đối tác ở Trung Quốc đặt vấn đề nhập khẩu sản phẩm bánh dừa nướng của doanh nghiệp này. Trên cơ sở đó, Công ty Mỹ Phương Food đã lên kế hoạch đầu tư thêm dây chuyền sản xuất mới để có thể đáp ứng đơn hàng của các đối tác nhưng do mặt bằng sản xuất của Công ty chật hẹp, lại nằm xen lẫn trong khu dân cư nên không thể đầu tư dây chuyền mới, buộc doanh nghiệp này chỉ nhận số lượng đơn hàng xuất khẩu có hạn trên cơ sở phát huy tối đa công suất của dây chuyền sản xuất hiện có. "Nếu thuê đất và mua đất ở bên ngoài để đầu tư nhà máy mới, dây chuyền mới thì sẽ không hiệu quả do chi phí về mặt bằng quá cao. Do vậy, chúng tôi mong muốn lãnh đạo TP quan tâm, tạo điều kiện cho Công ty thuê đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn TP để đầu tư mở rộng sản xuất, nắm bắt cơ hội xuất khẩu khi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới có tín hiệu hồi phục", bà Mai Thị Ý Nhi - Giám đốc Kinh doanh Công ty Mỹ Phương Food đề nghị.

Tương tự như doanh nghiệp trên, lãnh đạo Công ty TNHH Sản xuất - Chế biến - Kinh doanh - Xuất nhập khẩu Hương Quế (phường Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu) cho biết, một trong những khó khăn mà công ty này gặp phải hiện nay là vấn đề thiếu mặt bằng để mở rộng nhà xưởng. Hiện Công ty TNHH Sản xuất - Chế biến - Kinh doanh - Xuất nhập khẩu Hương Quế đang có gần 100 lao động nhưng chỉ có khoảng 60 nhân công làm việc tập trung tại cơ sở chính, số lượng các nhân công còn lại phải làm việc riêng lẻ tại nhiều khu vực cách xa cơ sở chính. "Doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị địa phương hỗ trợ cho thuê mặt bằng để mở rộng nhà xưởng nhưng bất thành. Hiện nay, việc di chuyển nhiều cơ sở cũng khiến chúng tôi tốn kém chi phí và không hiệu quả, chưa kể đến là chúng tôi thuê đất của tư nhân để lập cơ sở thì chi phí sẽ tăng lên rất nhiều, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh", ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc doanh nghiệp này chia sẻ thêm. Theo ông Phạm Bắc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Đà Nẵng, vấn đề mặt bằng thực sự cấp thiết với các doanh nghiệp Đà Nẵng hiện nay. Trong các năm qua, Hiệp hội đã nhiều lần đề xuất lãnh đạo các cấp quan tâm hỗ trợ bố trí mặt bằng cho các doanh nghiệp trong Hiệp hội để đầu tư mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Nỗ lực giải quyết

Thấu hiểu và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP vượt qua khó khăn để ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo TP, các sở, ban, ngành hữu quan của TP đã và đang tập trung nỗ lực giải quyết, tháo gỡ khó khăn này cho doanh nghiệp. Bà Lê Thị Kim Phương - Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng, cho biết, bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất công nghiệp, xúc tiến thương mại, gia tăng tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa, Sở Công Thương TP đẩy nhanh việc triển khai đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới trên địa bàn TP để bố trí mặt bằng cho các doanh nghiệp. Cụ thể, Sở Công Thương TP đang khẩn trương đưa Cụm Công nghiệp Cẩm Lệ (rộng 29ha) vào hoạt động và đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp như: Cụm công nghiệp Hòa Nhơn (rộng 25ha) và Cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam (rộng 13ha); đồng thời triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp gồm: Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2, Khu công nghiệp Hòa Ninh, Khu công nghiệp Hòa Nhơn.

Song song với việc đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới, lãnh đạo Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, đơn vị này đang cho tiến hành kiểm tra, rà soát đối với các trường hợp đã thuê đất tại các khu công nghệ cao và khu công nghiệp trên địa bàn TP nhưng đến nay vẫn chưa triển khai xây dựng nhà máy, để trên cơ sở đó, có biện pháp thu hồi mặt bằng đối với các dự án chậm hoặc chây ỳ triển khai để giao cho các doanh nghiệp đang cần mặt bằng để xây dựng nhà máy. "Hiện Khu công nghệ cao Đà Nẵng vẫn còn quỹ đất để các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư. Riêng đối với các dự án chậm triển khai tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP, việc thu hồi dự án sẽ phải theo quy định và sẽ mất thời gian. Tuy nhiên, Ban Quản lý sẽ cố gắng đẩy nhanh để thu hồi những dự án không thả thi để có thêm quỹ đất bố trí cho các doanh nghiệp thực sự có nhu cầu về mặt bằng để mở rộng sản xuất", ông Nguyễn Công Tiến - Phó trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng chia sẻ thêm.

PHÚ NAM