Nhiều doanh nghiệp trốn tránh nộp bảo hiểm
(Cadn.com.vn) - Nộp bảo hiểm cho người lao động là trách nhiệm của các đơn vị, doanh nghiệp được pháp luật quy định rất cụ thể nhằm đảm bảo quyền lợi cũng như lợi ích hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị tìm cách trốn nộp bảo hiểm đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động. Đặc biệt các doanh nghiệp ngoài Nhà nước không thực hiện nộp bảo hiểm dưới nhiều hình thức như không tham gia bảo hiểm hoàn toàn, hoặc tham gia nhưng với mức lương tối thiểu chứ không thực hiện đầy đủ với mức lương người lao động đang được hưởng. Nghiêm trọng hơn, có nhiều doanh nghiệp trích tiền lương của người lao động để chiếm dụng chứ không thực hiện nộp bảo hiểm theo đúng quy định...
Năm 2014, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị phối hợp với Liên đoàn lao động cùng các ban, ngành liên quan tổ chức kiểm tra 64 doanh nghiệp thì phát hiện 11 doanh nghiệp không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; 28 doanh nghiệp chưa tham gia đầy đủ cho toàn bộ số lao động; 35 doanh nghiệp chưa chi trả kinh phí bảo hiểm xã hội; 15 doanh nghiệp còn nợ tiền bảo hiểm với tổng số tiền hơn 3,5 tỷ đồng...
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Trị, tính đến ngày 31-3-2015, có 29 doanh nghiệp với tổng số tiền nợ gần 20 tỷ đồng. Đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp nợ thời gian dài từ 4-5 năm, với số tiền hàng trăm triệu đồng nhưng không có khả năng nộp do doanh nghiệp đã phá sản. Rất nhiều trường hợp đã bị Bảo hiểm xã hội khởi kiện ra tòa án, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn cố tình phớt lờ hoặc chây ỳ không chịu nộp bảo hiểm cho người lao động. Riêng năm 2014, Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Trị khởi kiện ra Tòa án xét xử 51 doanh nghiệp với tổng số tiền nợ trên 4,6 tỷ đồng, nhưng có rất nhiều trường hợp sau khi nộp đơn kiện do không liên lạc được với chủ doanh nghiệp để thực hiện Luật Tố tụng hoặc có những trường hợp tiến hành hòa giải nhưng doanh nghiệp vẫn không thực hiện đúng như cam kết hòa giải.
Thiết nghĩ, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, các sở ban ngành có liên quan cũng như các cấp chính quyền cần có biện pháp phối hợp đồng bộ và chặt chẽ trong việc cấp giấy phép cũng như quản lý, giám sát hoạt động của doanh nghiệp trong việc sử dụng lao động. Qua đó, mới có thể kịp thời nắm bắt được tình hình hoạt động của doanh nghiệp cũng như việc bảo đảm quyền lợi người lao động...
N.T