Nhiều động lực để Đà Nẵng bứt phá phát triển bền vững
Kinh tế tăng trưởng ấn tượng
PV: Trong bối cảnh nhiều biến động và thách thức của năm 2022, Đà Nẵng vẫn được đánh giá là địa phương có nhiều thành tựu hết sức quan trọng trong phục hồi, tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Xin Chủ tịch đánh giá khái quát kết quả nổi bật nhất Đà Nẵng đã đạt được trong năm qua?
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh: Năm 2022 TP tiếp tục đối mặt với những khó khăn do sự bất ổn kinh tế, chính trị trên thế giới, những tác động lâu dài của dịch bệnh COVID-19 và vướng mắc, khó khăn kéo dài, chưa được tháo gỡ trong quá trình thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án liên quan đến đất đai… Tuy vậy, với sự chủ động, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ đề ra, kinh tế - xã hội thành phố hồi phục tích cực và có nhiều khởi sắc. Nổi bật như GRDP tăng 14,05% so với năm trước, đứng thứ 3 cả nước; thu ngân sách nhà nước hơn 23.600 tỷ đồng đạt trên 120% dự toán; kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt gần 2,1 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ 2021. Đà Nẵng là một trong số các địa phương có mức độ phục hồi kinh tế khá nhanh, quy mô nền kinh tế thành phố năm 2022 ước đạt hơn 125.219 tỷ đồng, quy mô tăng thêm hơn 17.381 tỷ đồng so với năm 2021.
Điểm sáng ấn tượng nữa là môi trường đầu tư tại Đà Nẵng từng bước cải thiện, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động, phát triển sản xuất kinh doanh. An sinh xã hội, đời sống của các tầng lớp nhân dân được quan tâm, nhất là chính sách giảm nghèo, chăm lo đời sống cho người có công, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
PV: Thưa Chủ tịch, đâu là những “cú hích” mạnh mẽ tạo nên kết quả ấn tượng đó?
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh: Để có được kết quả này, Đà Nẵng đã chủ động xác định mục tiêu, giải pháp cụ thể và xây dựng chương trình hành động kiên trì thực hiện theo từng giai đoạn, từng lộ trình một cách quyết liệt, hiệu quả nhất có thể. Như chủ đề của năm 2022 đã xác định, thành phố tập trung các giải pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, từ đó tạo điều kiện để đẩy nhanh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, thành phố đã triển khai tiêm chủng đảm bảo đạt tỷ lệ bao phủ đối với liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên và đang tiếp tục triển khai tiêm mũi nhắc lại cho nhóm đối tượng này và tiêm liều cơ bản cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chính nhờ kiểm soát dịch bệnh hiệu quả nên thành phố đã tập trung các giải pháp phục hồi tăng trưởng kinh tế, qua đó đạt kết quả khích lệ. Đơn cử trong lĩnh vực du lịch, TP đẩy mạnh xúc tiến một số thị trường quốc tế trọng điểm, xúc tiến khôi phục đường bay quốc tế (hiện có 12 đường bay quốc tế trực tiếp tới Đà Nẵng); triển khai chuỗi các sự kiện văn hóa du lịch như Ngày hội khinh khí cầu, Cuộc thi marathon quốc tế, Cuộc thi VNG IRONMAN 70.3, The Rap Show, “Light up Danang”, các lễ hội 2 bên bờ sông Hàn; đưa vào hoạt động nhiều sản phẩm du lịch mới như Công viên APEC, Làng du lịch sinh thái cộng đồng Thái Lai, Bãi biển đêm Mỹ An kết hợp với hoạt động tại Khu phố du lịch An Thượng, khai thác đường tranh bích họa (P. Mân Thái, Sơn Trà)...Với giải pháp đó, số lượt khách cơ sở lưu trú ở Đà Nẵng phục vụ trong năm ước đạt gần 3,7 triệu lượt, gấp hơn 3 lần năm 2021, doanh thu gấp 3,8 lần. Đà Nẵng được xếp hạng cao nhất theo đánh giá của Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam (VTCI); đứng vị trí thứ 3 trong Top 10 thành phố du lịch hàng đầu Đông Nam Á - Giải thưởng du lịch Châu Á 2022 và giải thưởng “Điểm đến sự kiện, lễ hội hàng đầu châu Á” năm 2022.
Bên cạnh các hoạt động thúc đẩy ngành dịch vụ phục hồi, TP cũng triển khai đồng loạt các giải pháp phát triển hạ tầng công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ các dự án động lực trọng điểm, xem đây như những “quả đấm” mạnh mẽ từng bước phục hồi tăng trưởng, phát triển bền vững. Đặc biệt, khi chủ trương đã được thống nhất thông qua, cả hệ thống chính trị và người dân vào cuộc triển khai quyết liệt, hiệu quả đạt mục tiêu đề ra.
PV: Hoạt động thu hút đầu tư là quá trình bền bỉ, lâu dài, đòi hỏi thành phố phải luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để trở nên hấp dẫn hơn. Đà Nẵng đã và sẽ làm gì trong thời gian tới?
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh: Xác định đây là mục tiêu lâu dài, kiên trì vì vậy trong suốt thời gian qua Đà Nẵng không bằng lòng với những gì đã đạt được, luôn nỗ lực cải thiện, “làm mới” mình để hấp dẫn hơn với nhà đầu tư. Bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian, chi phí cho nhà đầu tư, TP còn công khai minh bạch quỹ đất kêu gọi đầu tư và các dự án kêu gọi đầu tư; đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về đất đai, quy hoạch, đầu tư... Điển hình TP đã lập các tổ công tác liên ngành 509, 602 và Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Với những nỗ lực đó cùng với việc đa dạng các hình thức xúc tiến, vì vậy trong bối cảnh kinh tế vừa phục hồi, Đà Nẵng vẫn thu hút đầu tư ấn tượng. Đơn cử tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng năm 2022, TP đã thu hút tổng số vốn đầu tư đề xuất hơn 5,6 tỷ USD cho 27 dự án. Hiện trên địa bàn TP có 36.095 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 239.850 tỷ đồng; 363 dự án đầu tư trong nước ngoài KCN với tổng vốn đầu tư 140.819 tỷ đồng; 944 dự án FDI đã cấp với tổng vốn đăng ký 4,062 tỷ USD. Những con số đó là minh chứng và ghi nhận những nỗ lực luôn cải thiện môi trường đầu tư hấp dẫn hơn của Đà Nẵng.
Động lực mới bứt phá phát triển
PV: Trung ương trao cơ chế đặc thù, giải quyết điểm nghẽn phát triển, tạo động lực mới để bứt phá, nổi bật như xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế mang tầm khu vực. TP nắm bắt và khai thác cơ hội này thế nào?
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh: Đề án Trung tâm tài chính Đà Nẵng được xây dựng trên cơ sở những lợi thế cạnh tranh của thành phố như vị trí kết nối thuận lợi, nền tảng hạ tầng chất lượng, quỹ đất sạch khá lớn (6,17ha) và có khả năng mở rộng lên thành 62ha. Hiện nay TP đang phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện Đề án theo chỉ đạo của Chính phủ. Chúng tôi xác định giai đoạn 2022-2023 sẽ hoàn thiện Đề án trình Chính phủ phê duyệt.
PV: Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu Đà Nẵng là thành phố môi trường, an toàn để đầu tư, du lịch thì những chính sách đặc trưng, nhân văn tạo nên thương hiệu Đà Nẵng như 5 không, 3 có, 4 an đã được duy trì thế nào thưa Chủ tịch?
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh: Kế thừa những đặc trưng đã tạo nên thương hiệu, ấn tượng mạnh mẽ về Đà Nẵng với bè bạn gần xa, trong quá trình phát triển, thành phố vẫn luôn duy trì, vun đắp thực hiện ngày càng tốt hơn. Đơn cử hiện mục tiêu “có việc làm”, trong năm 2022 các thành phần kinh tế trên địa bàn TP ước giải quyết việc làm cho 28.358 lao động. Ngoài ra, trong bối cảnh mới, phát sinh nhiều vấn đề xã hội mới, chẳng hạn như đại dịch COVID-19 khiến nhiều người lao động gặp khó khăn trong cuộc sống, công việc. Trong bối cảnh đó, bên cạnh các chính sách của T.Ư, Đà Nẵng cũng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ riêng cho người lao động để họ sớm ổn định cuộc sống. Đơn cử trong năm 2022 TP đã hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với hơn 436 tỷ đồng và hỗ trợ theo các chính sách mở rộng đối tượng hỗ trợ của thành phố đối với 13.526 người có công cách mạng với số tiền 19.406 triệu đồng.
PV: Ngoài những kết quả tích cực đã đạt được, Đà Nẵng hiện đang đối diện với những thách thức nào, và giải pháp để vượt qua những thách thức đó ra sao?
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh: Có thể kể tới một số thách thức như việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị phát sinh vướng mắc trong áp dụng văn bản quy phạm pháp luật quy định về tài chính, ngân sách. Việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán và thi hành các bản án liên quan đến TP vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trong thủ tục đất đai, thủ tục đầu tư các dự án, ảnh hưởng đến việc khơi thông các nguồn lực cho sự phát triển, quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Hoặc, công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, một số công trình trọng điểm chậm tiến độ, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Từ thực tế đó, trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tập trung một số giải pháp để phục hồi du lịch, dịch vụ; xúc tiến đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng động lực; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh... Cụ thể, TP sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nâng cấp, bổ sung dịch vụ tạo sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách; triển khai Đề án thành lập Khu phi thuế quan sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triển khai hiệu quả Đề án thành phố thông minh, Đề án chuyển đổi số (Đầu tư và đưa vào hoạt động dự án Mở rộng Trung tâm dữ liệu, Trung tâm giám sát điều hành đa nhiệm (IOC), Trung tâm tích hợp kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh).
Bên cạnh đó, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng công nghiệp, giao thông, tạo động lực phát triển. Cụ thể, hoàn thiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư triển khai xây dựng các KCN Hòa Ninh, Hòa Nhơn; đưa CCN Cẩm Lệ vào khai thác; sử dụng hiệu quả các nguồn lực, cơ chế phát triển Khu công nghệ cao thành khu công nghệ đa chức năng cấp quốc gia, các dịch vụ phát triển theo hướng tạo ra năng lực cạnh tranh mới cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Với các dự án hạ tầng giao thông, thành phố thúc đẩy sớm khởi công dự án Nâng cấp Quốc lộ 14B đoạn qua địa phận Đà Nẵng, Cầu Quảng Đà, đường nối Khu Công nghệ cao với đường Vành đai phía Tây, Cảng Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung), Nâng cấp mở rộng nhà ga hàng hóa - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng...
PV: Xin cảm ơn Chủ tịch về cuộc trao đổi này!
HẢI QUỲNH (thực hiện)