Báo Công An Đà Nẵng

Nhiều gia đình đồng bào Pa Kô phải nộp tiền “chuộc” người thân bị lừa đi lao động

Thứ ba, 07/03/2023 07:30
Hai anh em Hồ Văn Xơi (trái) và Hồ Văn Son sau khi được người thân nộp tiền chuộc về lại gia đình.

Theo anh Hồ Văn Son (37 tuổi, trú thôn A Rông, xã Lìa) kể, nghe nhiều người trong xã truyền nhau thông tin tuyển dụng lao động “việc nhẹ lương cao” nên anh và em trai là Hồ Văn Xơi (22 tuổi) đăng ký. Ngày 17-2-2023, đoàn 18 người cùng ở xã Lìa được một ô-tô đón ra ngã ba tiếp giáp với Quốc lộ 9 rồi lên xe giường nằm vào tỉnh Lâm Đồng. Tới nơi, họ lăn tay vào hồ sơ việc làm với thỏa thuận chăn nuôi heo và bị giữ căn cước công dân. Tuy nhiên, sau đó nhóm này được chia ra làm việc ở nhiều nơi, với các công việc khác nhau. Anh Son cùng em trai và 2 người cháu làm việc cùng trang trại, hàng ngày đi cắt rau, nhổ cỏ, làm vườn... trong nhà kính.

Cả bốn được bố trí chỗ ngủ, tự lo ăn uống, ngày làm việc 8 tiếng, lương theo thỏa thuận 7 triệu đồng mỗi tháng. Làm được ít ngày, nhóm này thấy công việc không như thỏa thuận ban đầu, cực nhọc nên muốn về nhà, tìm kiếm việc khác thì chủ trang trại không đồng ý. Người chủ giữ cả 4 người lại yêu cầu tiếp tục làm việc, hoặc gia đình phải nộp tiền mới được nhận giấy tờ về nhà. Nhóm lao động tìm hiểu thì được biết bên cung ứng lao động đã bán họ cho chủ trang trại.

Ông Hồ Văn Lê (68 tuổi, cha anh Son và anh Xơi), cho biết: “Họ yêu cầu tôi phải chuyển khoản tiền chuộc thì mới trả con chúng tôi về”. Lo lắng cho con cháu, ngay hôm sau, ông Lê làm thủ tục vay 13,9 triệu đồng từ tổ tiết kiệm của thôn để chuyển khoản cho chủ trang trại. Tiền lãi trả hàng tháng cho khoản vay này gần 350.000 đồng. Khoản vay này ông Lê dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ trả sau khi bán rẫy sắn dự kiến thu được khoảng 10 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, 4 lao động được nhận tiền công trong 4 ngày làm việc là 1 triệu đồng rồi tự bắt xe về quê. “May mắn ba mẹ nộp tiền để anh em được về nhà. Giờ tôi sợ rồi, ai tuyển đi lao động xa đều không dám nữa”, anh Xơi nói.

Tương tự, 5 lao động khác cũng phải nhờ người thân nộp tiền để về nhà sau ít ngày làm việc không như thỏa thuận. Anh Hồ Văn Thao (21 tuổi, trú thôn A Rông) cũng phải nhờ bố vay 3,45 triệu đồng chuyển khoản cho chủ trang trại để được về nhà, do công việc không như ý muốn.

Hiện 9 người khác vẫn còn ở Lâm Đồng nhưng gia đình không liên lạc được khiến người thân lo lắng. Vợ chồng Hồ Văn Lưu cùng vào Lâm Đồng tìm việc làm ở chuyến xe vừa rồi, gửi lại 4 đứa con cho chú ruột nuôi nấng. Sau hai tuần, ông Hồ Ta Ri (chú ruột anh Lưu), vẫn không gọi điện thoại được cho hai vợ chồng cháu nên rất lo lắng khi hay tin phải gửi tiền chuộc từ nhóm lao động đã trở về. “Không biết vợ chồng nó làm việc gì, ở đâu, sức khỏe như thế nào nên tôi rất bồn chồn, bất an”, ông Hồ Ta Ri nói.

“Xã đang rà soát lại để có hướng xử lý. Trước mắt, chúng tôi khuyến cáo bà con khi đi làm xa phải tìm hiểu, xác định rõ thông tin để có công việc ổn định”, Phó Chủ tịch UBND xã Lìa Hồ Văn Ta Ngà cho hay.

Lìa là xã biên giới, giáp với Lào. Xã có 1.200 hộ, 5.300 khẩu, phần lớn là người dân tộc thiểu số Pa Kô. Đây là xã thuần nông, đất đai cằn cỗi, kinh tế kém phát triển nên nhu cầu tìm việc làm rất cao. Trước thông tin lao động đi làm ăn xa phải nộp tiền chuộc mới trở về, nhiều người dân ở Lìa đang hoang mang, bất an.

T.HOÀNG