Báo Công An Đà Nẵng

Nhiều hành khách trả vé tàu xe những ngày giáp Tết

Thứ sáu, 05/02/2021 15:30

Khác với khung cảnh chen chúc mua vé, về quê những năm trước, giáp tết năm nay nhiều hành khách đến bến xe, nhà ga để trả vé do lo ngại ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang bùng phát ở một số địa phương. Các đơn vị vận tải cũng không còn cách nào khác là chia sẻ cùng người dân trong yêu cầu phòng chống dịch dù họ đã huy động phương tiện, nhân lực để sẵn sàng phục vụ nhu cầu đi lại, tăng doanh thu sau một năm khó khăn.

Hành khách các tuyến xe phía Bắc lên Bến xe Đà Nẵng trả vé sáng 4-2.

Ngày 4-2, nhằm ngày 23 tháng Chạp, khu vực bến xe, nhà ga, sân bay ở Đà Nẵng thưa thớt người. Lượng hành khách về quê, chủ yếu là các tỉnh phía Bắc giảm rất lớn trong khi nhiều người đã mua vé thì liên hệ với nhà xe để trả lại do các địa phương có dịch hoặc ảnh hưởng đã đưa ra các quy định về đi lại để đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Anh Nguyễn Văn Huề (quê Can Lộc, Hà Tĩnh) cho biết, anh đã mua tổng cộng 8 vé xe giường nằm cả trước và sau tết với giá gần 3,5 triệu đồng, tuy nhiên khi nghe ngóng tình hình thì quyết định trả lại vì sợ đến ngày không về được, hoặc có về được cũng chưa biết diễn biến dịch bệnh trong tết thế nào. “Cho đến hiện tại, thì các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đổ vào Đà Nẵng vẫn chưa có dịch, việc đi lại vẫn còn bình thường. Nhưng vì nhu cầu di chuyển tăng cao nên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên gia đình chúng tôi quyết định ở lại Đà Nẵng ăn tết. Nếu cả nước dập dịch tốt thì hè chúng tôi về chơi bù”, anh Huề cho biết. Cùng chung suy nghĩ này, chị Võ Thị Lan (quê thành phố Vinh, Nghệ An) lại cẩn trọng lo những diễn biến dịch bệnh ngay trong tết sẽ có thể ảnh hưởng đến hành trình đi vào lại Đà Nẵng vào đầu năm mới. “Nếu chẳng may chỉ xuất hiện một vài ca dương tính  ở địa phương mình lưu trú thôi thì có thể không được di chuyển. Hoặc có được đi vào thì cũng phải xét nghiệm, cách ly, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến công việc sau tết, việc học hành của con cái nữa. Nếu thôi, không năm này thì năm khác, mọi thứ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm quá”, chị Lan chia sẻ.

Theo đại diện nhà xe Hiếu Hoa (chạy tuyến Đà Nẵng – Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa), cách đây gần một tháng, vé xe đã hết sau chưa tới 10 ngày mở bán. Tuy nhiên khoảng một tuần nay, khi tình hình dịch Covid-19 bùng phát ở một số tỉnh phía Bắc thì nhiều người điện thoại và trực tiếp lên bến xe để trả vé. Mặc dù đây là thời điểm các nhà xe đã chuẩn bị phương tiện, con người để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, cũng là bù đắp chi phí cho cả năm thiệt hại nặng nề nhưng vì yêu cầu chống dịch của Chính phủ, mong muốn chính đáng của nhân dân nên nhà xe tạo điều kiện hết sức cho khách hàng. “Phòng chống dịch là yêu cầu cao nhất. Chúng tôi vẫn chạy bình thường các tuyến không có dịch và sẽ tuân thủ mọi quy định của Chính phủ và các địa phương”, đại diện nhà xe này cho hay. Theo khảo sát, lượng khách trả vé của các nhà xe tăng dần vào những ngày cận tết, càng ở tâm dịch thì tỷ lệ trả càng lớn.

Ông Phạm Lợi, Tổng giám đốc Cty CP Vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng cho biết, lượng khách về quê năm nay chỉ đạt khoảng 60% so với năm ngoái. Nhiều người lo ngại dịch Covid-19, hoặc phải cách ly thời gian dài nên quyết định hoãn kế hoạch về quê vào một dịp khác. Tùy vào chính sách của từng nhà xe, hành khách có thể được hoàn lại toàn bộ tiền hoặc chịu phí khoảng 10-20%. Trong khi đó, theo bà Lê Thị Tuyến - Đội trưởng đội khách vận ga Đà Nẵng, sau ngày 20 tháng Chạp, trung bình mỗi ngày hành khách đến trả lại từ 300 đến 500 vé tàu, chủ yếu là vé đi các tỉnh phía Bắc. “Các năm trước vào giờ này trở đi ga tàu nhộn nhịp bao nhiêu thì bây giờ thưa thớt, vắng vẻ bấy nhiêu. Tâm lý lo ngại dịch nên tỷ lệ khách hàng trả lại vé rất lớn, việc này cũng khiến các phương án chạy tàu bị ảnh hưởng. Đến thời điểm hiện tại hành khách đến mua vé Tết chủ yếu các chặng ngắn như ở Quảng Trị, Quảng Bình hay Quảng Ngãi”, bà Tuyến cho hay. Trong khi đó, đại diện Cảng vụ hàng không miền Trung thông tin, tùy theo tình hình dịch các hãng hàng không miền Trung sẽ thực hiện dồn chuyến, điều chỉnh lịch bay so với ban đầu.

CÔNG KHANH