Nhiều hộ dân lấn chiếm đất công, cản trở bàn giao đất khai thác bô xít
Ngày 15-7-2024, Cty nhôm Lâm Đồng - TKV đã có Báo cáo số 2015/LDA- KTCN gửi UBND tỉnh Lâm Đồng. Nội dung kiến nghị UBND tỉnh và UBND huyện Bảo Lâm chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu các thủ tục pháp lý để việc bàn giao mặt bằng đất thu hồi đúng thời gian quy định của pháp luật, đồng thời nhận được sự đồng thuận của người dân, tránh khiếu kiện tập thể, kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự địa phương và kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Theo ông Nguyễn Văn Phòng, Giám đốc Cty nhôm Lâm Đồng - TKV, trong hơn 327 ha thuộc khu vực khai thác quặng 5 năm giai đoạn 2 (2020-2024) của dự án Tổ hợp bô xít-nhôm Lâm Đồng, có trên 30 ha đất do Công ty TNHH Vĩnh Tiến (Cty Vĩnh Tiến) và Công ty TNHH giống Vĩnh Lộc (Công ty Vĩnh Lộc) được Nhà nước cho thuê, giao quản lý, sử dụng.
Ngày 19-4-2024, UBND huyện Bảo Lâm có quyết định thu hồi đất đối với gần 15,7 ha đất do Cty Vĩnh Tiến và Cty Vĩnh Lộc đang thuê để sản xuất nông nghiệp. Đến ngày 2-7, Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên môi trường-Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng) chủ trì công tác bàn giao đất theo quyết định thu hồi. Tham gia bàn giao có đại diện UBND xã Lộc Ngãi, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Lâm, Cty Vĩnh Tiến. Riêng Cty Vĩnh Lộc không tham dự.
Tuy nhiên, khi thực hiện cắm mốc, gạt ủi ranh bằng máy gạt bánh xích trên phần đất đã được thu hồi, đã có nhiều hộ dân cản trở, ngăn chặn máy gạt không cho thi công. Các hộ dân này cho rằng chưa được Nhà nước hỗ trợ tài sản trên đất nên không chấp hành bàn giao đất. Kết quả, các bên chỉ bàn giao cho Cty nhôm Lâm Đồng - TKV được 0,52 ha trong tổng số 15,7 ha. Đây là diện tích đất trống, chủ yếu là cây cỏ tạp của 2 thửa đất thuộc Cty Vĩnh Tiến quản lý. Phần diện tích còn lại, các bên thống nhất sẽ bàn giao vào ngày 10-7-2024.
Ngày 10-7, các bên tiếp tục bàn giao phần diện tích còn lại. Tại buổi bàn giao này, Cty Vĩnh Lộc có đại diện đến dự. Tuy nhiên, khi thực hiện cắm mốc, gạt ủi ranh trên phần đất đã được thu hồi của 2 công ty này, tiếp tục có nhiều hộ dân ra cản trở, ngăn chặn máy gạt không cho thi công. Kết quả các bên không thể bàn giao trên thực địa mặt bằng đối với phần diện tích còn lại.
Ông Nguyễn Văn Phòng cho biết thêm, mặc dù 15,7 ha đất đã được Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên môi trường-Phát triển quỹ đất tỉnh lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đồng thời UBND huyện Bảo Lâm đã ra quyết định phê duyệt phương án và quyết định thu hồi đất, nhưng hầu hết diện tích đất này đã bị người dân lấn chiếm để trồng cà phê, chè... khiến việc bàn giao mặt bằng trên thực địa khó thực hiện, ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Cty nhôm Lâm Đồng-KTV đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn quặng nguyên liệu do không còn quỹ đất vùng nguyên liệu; do đó phải giảm công suất khai thác, chế biến alumin. Trước tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu, 15,7 ha đất đã có quyết định thu hồi từ 2 công ty sẽ đáp ứng khai thác quặng bô xít trong thời gian khoảng 2 tháng. Vì vậy, nếu không được bàn giao kịp thời theo kế hoạch, Cty nhôm Lâm Đồng-KTV sẽ phải tiếp tục giảm tải hoạt động sản xuất, chế biến alumin do không đủ nguồn quặng.
Quốc Hùng
Vướng tranh chấp Theo các quyết định số 1678/QĐ-UBND và 1679/QĐ-UBND ngày 19/4/2024, UBND huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) tiến hành thu hồi của Cty Vĩnh Tiến 145.569,7 m2 đất; Cty Vĩnh Lộc 11.394,5 m2 đất đều thuộc địa bàn xã Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm) để thực hiện Dự án khai thác quặng bô xít giai đoạn 2020 - 2024. Căn cứ các quy định của pháp luật, diện tích đất buộc phải thu hồi do 2 công ty trên đang sử dụng là đất do Nhà nước quản lý, giao cho 2 công ty này thuê. Vì vậy, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư diện tích đất nói trên là 0 đồng, được quy định tại Khoản 3, Điều 2 Nghị quyết số 200/2023/NQ-HĐND ngày 12-7-2023 của HĐND tỉnh Lâm Đồng. Việc thu hồi diện tích đất từ 2 công ty trên đã tiến hành từ nhiều năm. UBND tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Bảo Lâm giải quyết vấn đề này. Cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân không thu hồi được diện tích đất đã giao cho 2 công ty này quản lý là do trong hơn 30 ha đất cần thu hồi giai đoạn 2 có 7,3 ha bị hàng chục hộ dân lấn chiếm trái phép và đang xảy ra tranh chấp với 2 công ty quản lý đất. |