Báo Công An Đà Nẵng

Nhiều học sinh miền núi gặp khó vì chế độ cắt giảm

Thứ sáu, 08/09/2017 10:25

Nhiều học sinh ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Nam gặp khó khăn do chính sách hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86 và chính sách hỗ trợ tiền ăn, tiền ở cho học sinh theo Nghị định 116 của Chính phủ bị chậm chi trả, thậm chí còn bị cắt.

Nhiều học sinh đồng bào Cơ Tu ở H. Tây Giang gặp khó khăn do bị cắt các chế độ hỗ trợ.

Chậm chi trả chính sách hỗ trợ

Theo thống kê, qua 2 năm học 2015 - 2016 và 2016 - 2017, toàn tỉnh Quảng Nam còn 5.165/10.565 học sinh chưa được chi trả kinh phí hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86 với số tiền chưa chi trả hơn 3,6 tỷ đồng; năm học 2016 - 2017 còn 336/5.812 học sinh chưa được chi trả kinh phí hỗ trợ tiền ăn ở theo Nghị định 116 với số tiền chưa chi trả hơn 680 triệu đồng.

Bà Đinh Thị Ba thuộc diện hộ nghèo ở xã Quế Trung, H. Nông Sơn, có hai con đều được hưởng chính sách hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86 của Chính phủ, nhưng đến nay gia đình chỉ mới nhận được tiền hỗ trợ của học kỳ 1 năm học 2016-2017. “Trước đây, các chế độ chính sách hỗ trợ cho các con tôi được thực hiện ngay tại trường học. Từ năm học 2015-2016, việc chi trả này do bưu điện xã thực hiện. Hồi trước chi trả ở trường thuận lợi hơn, giờ họ để cả năm mới phát một lần”, bà Ba nói.

Ông Lê Văn Châu - Trưởng phòng LĐ-TB&XH H. Nông Sơn cho biết, đến thời điểm hiện tại, huyện chỉ mới hoàn thành hỗ trợ chi phí học tập năm học 2015-2016 và học kỳ I của năm học 2016-2017 với số tiền chi trả hơn 3 tỷ đồng, còn học kỳ II vẫn chưa thể chi trả kịp. Nguyên nhân chậm trễ này, theo đại diện các ngành chức năng huyện là có quá nhiều khâu trong việc chi trả, nhiều cơ quan cùng tham gia như ngành giáo dục, phòng lao động thương binh, tài chính, bưu điện... số tiền mới đến được tay phụ huynh học sinh. Ông Châu đề xuất các chế độ chính sách hỗ trợ học sinh theo các nghị định này nên chuyển cho ngành giáo dục chi trả như trước đây là hợp lý.

Cắt hỗ trợ hàng trăm học sinh

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng GD-ĐT H. Tây Giang cho biết, năm học mới 2017 - 2018, toàn huyện có 373/1.484 học sinh thuộc diện ở bán trú tại 9 đơn vị trường bán trú tiểu học và THCS trên địa bàn bị mất các chế độ theo Nghị định số 116 của Chính phủ. Cụ thể, học sinh có hộ khẩu thường trú tại các thôn không thuộc diện thôn đặc biệt khó khăn sẽ bị mất các chế độ hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Như vậy, mỗi năm học, 373 học sinh sẽ bị mất số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. “Việc bị cắt chế độ dẫn đến điều kiện học tập, ăn ở của các em hết sức khó khăn vì gia đình đều là hộ nghèo”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, do bị cắt các chế độ hỗ trợ của học sinh nên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi không đảm bảo các điều kiện theo quy định theo Thông tư số 24/2010/TT-BGD&ĐT để tiếp tục tổ chức bán trú trong năm học 2017-2018. Vì trường này số lượng học sinh tập trung tại địa bàn 3 xã Anông, Atiêng, Lăng nhưng 3 xã này lại không thuộc khu vực đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 582/QĐ-TTg nên không tổ chức trường bán trú.

Trước những khó khăn trên, Phòng GD-ĐT H. Tây Giang đã có công văn gửi UBND huyện và Sở GD-ĐT xem xét giải quyết. Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND H. Tây Giang cho biết: “Huyện sẽ có văn bản gửi lên tỉnh, Trung ương xem xét, hỗ trợ tiền ăn ở, gạo cho 373 em học sinh đã bị cắt chế độ. Trước mắt, huyện sẽ tìm nguồn để tiếp tục duy trì mô hình bán trú dân nuôi tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi”.

THẠCH HÀ - LAN HIẾU