Báo Công An Đà Nẵng

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án ở Hòa Vang

Thứ bảy, 19/03/2022 16:58

Hòa Vang là huyện ngoại thành duy nhất của TP Đà Nẵng, bao bọc quanh phía Tây khu vực nội thành TP. Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án trên địa bàn huyện chiếm khoảng 2/3 các dự án trên địa bàn Đà Nẵng. Phần lớn các thửa đất thuộc diện thu hồi để thực hiện dự án là đất nông nghiệp. Trung bình mỗi năm, toàn huyện chuyển đổi khoảng 100 ha đất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích phát triển hạ tầng kỹ thuật, các công trình văn hóa xã hội, xây dựng mặt bằng các cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư... Có thể nói công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của H. Hòa Vang nói riêng và TP Đà Nẵng nói chung...

Giải phóng mặt bằng dự án đường ĐH2 Hòa Nhơn-Hòa Sơn trên địa bàn Hòa Vang.

Theo số liệu tại Hội nghị tổng kết về công tác GPMB trên địa bàn Hòa Vang được tổ chức ngày 18-3, trong năm 2021, trên địa bàn huyện có 74 dự án của cả TP và huyện làm chủ đầu tư, đã hoàn thành 33 dự án, tổng số hồ sơ bàn giao mặt bằng 2.408 hồ sơ, di dời 2.160 ngôi mộ, đã bố trí 480 tỷ đồng vốn, giải ngân 516 tỷ đồng. Bên cạnh những mặt thuận lợi trong công tác GPMB các dự án như, sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP, sự phối hợp của các ban ngành chức năng, công tác tuyên truyền đạt được nhiều kết quả tốt… công tác bồi thường, GPMB vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong thời gian qua, việc xây dựng giá đất bồi thường cho người bị thu hồi đất thường thấp hơn giá thị trường, do vậy khi xây dựng giá đất bồi thường, Hội đồng bồi thường vẫn dựa vào hệ số giá đất điều chỉnh giá các loại đất áp dụng hằng năm của UBND TP ban hành vẫn còn thấp hơn so với thị trường. Giá nộp tiền sử dụng đất khi bố trí tái định cư hiện nay có sự chênh lệch lớn so với giá bồi thường đất khi giải tỏa. Phần lớn các dự án giải tỏa trên địa bàn huyện liên quan đến thu hồi đất nông nghiệp, nhưng giá bồi thường đất nông nghiệp nhiều địa bàn còn thấp so với giá chuyển nhượng thực tế và cũng thấp hơn so với nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước. Hơn nữa, chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, tìm kiếm việc làm, ổn định đời sống khi thu hồi đất nông nghiệp còn chưa cụ thể, chỉ hỗ trợ bằng tiền mà không có giải pháp cụ thể để có thể giúp người dân ổn định cuộc sống sau giải tỏa. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm trong đảm bảo an sinh xã hội.

Tương tự như giá đất, giá bồi thường nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối hoa màu cũng chưa phù hợp với giá xây dựng mới trên thực tế, chưa tương xứng với tài sản của người dân bị ảnh hưởng khi giải tỏa tại các dự án, gây nên những thiệt thòi đối với người dân. Nhiều dự án kéo dài thời điểm triển khai vẫn áp giá đền bù tại thời điểm GPMB theo giá cũ, rồi người được áp giá đền bù theo giá cũ, người được áp giá đền bù theo giá mới gây bất bình, khiếu nại, khiếu kiện phức tạp tình hình xã hội…

Về bố trí tái định cư, theo quy định, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường phải thông báo cụ thể phương án tái định cư cho người có đất bị thu hồi… Song trên thực tế, nhiều dự án trước khi triển khai vẫn chưa có đủ quỹ đất để Hội đồng bồi thường xây dựng kế hoạch bố trí tái định cư cho các hộ dân giải tỏa, hoặc khu tái định cư chậm triển khai đầu tư dẫn đến người dân bàn giao mặt bằng cho dự án những chưa có đất tái định cư xây dựng nhà ở ổn định cuộc sống. Tại một số địa phương ở Hòa Vang, do hạn chế trong công tác quản lý đất đai trước đây, nên tình trạng người dân xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, đất do UBND xã quản lý và hiện đang ở tại khu quy hoạch giải tỏa khá nhiều. Theo quy định của pháp luật thì những trường hợp này không được bồi thường về nhà ở, không được bố trí đất tái định cư. Do đó để ổn định cuộc sống cho những trường hợp các hộ dân này, chính quyền và ngành chức năng phải nghiên cứu giải pháp sao cho phù hợp hơn, tránh gây việc khiếu nại, khiếu kiện phức tạp không đáng có…

Bên cạnh những vướng mắc về đền bù, giải tỏa, tái định cư, công tác khớp nối quy hoạch tại các địa phương chưa đồng bộ và đơn vị tư vấn chưa đề xuất phương án để giải quyết các tác động của quy hoạch đến đời sống người dân. Nhiều dự án hoàn thiện có cao trình cao hơn hoặc thấp hơn nhiều so với hiện trạng nhà ở của người dân địa phương, ảnh hưởng đến phần nhà còn lại của người dân sau giải tỏa, cần phải cải tạo, sửa chữa hoặc xây mới lại mới sử dụng, sinh hoạt được…

Trong thời gian qua, việc xem xét hỗ trợ cho người dân chưa cụ thể, hoặc chưa đáp ứng nguyện vọng của người dân… Khi bàn giao hồ sơ và phối hợp để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, nhiều chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án chưa nắm rõ các quy định của pháp luật về đất đai, nên không thực hiện trước các thủ tục xin chủ trương chuyển đổi mục đích, thu hồi đất rừng, đất lúc và một số quy định khác trước khi thu hồi đất. Đây cũng là một trong những khó khăn lớn dẫn đến chậm trễ tiến độ công tác giải phóng mặt bằng các dự án. Còn rất nhiều nguyên nhân khác nữa gây khó khăn trong công tác GPMB tại các dự án trên địa bàn huyện…

Trong năm 2022, để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn, UBND H. Hòa Vang đã đề ra một số giải pháp và kiến nghị, đề xuất đối với UBND TP một số cơ chế, chính sách như: Xây dựng phương án bồi thường giải tỏa, tái định cư phù hợp với tình hình thực tế địa phương hơn nữa; Tăng cường phân cấp hơn nữa thẩm quyền giải quyết của UBND huyện trong việc giải quyết các vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng; Sửa đổi quy định về suất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất…; Xây dựng chính sách an sinh xã hội đối với các hộ dân làm nhà trên đất không phải đất ở, khi nhà nước thu hồi đất, nhằm tạo điều kiện cho các hộ có điều kiện ổn định sau giải tỏa…

Hồng Thanh