Báo Công An Đà Nẵng

Nhiều khu dân cư ở Đà Nẵng thiếu nước trầm trọng

Thứ năm, 11/05/2017 11:19

Mua nước bình nấu cơm, tắm ở cơ quan

(Cadn.com.vn) - Thời gian qua, tại Đà Nẵng, nhiều khu dân cư (KDC) tại P. Hòa An, Hòa Phát (Q. Cẩm Lệ) và Hoà Minh (Q. Liên Chiểu) phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, có hộ đã được lắp nước máy đến tận nhà mấy tháng nay nhưng không có nước dùng. Chị Nguyễn Thị Thanh Nga (trú tổ 16A, khu dân cư Phước Lý 2) cho biết, người dân địa phương dùng nước giếng bơm bao lâu nay, hồi cuối năm 2016 đường ống nước máy dẫn về đến tận cửa nhưng gần như để không, nhà nào lắp thì cùng lắm mỗi ngày chỉ được khoảng 1 tiếng đồng hồ vào lúc 1 giờ sáng là có nước nhưng chảy nhỏ giọt, hứng không đủ. “Thành ra gần như cả tổ cũng tiếp tục dùng nước giếng bơm để sinh hoạt hàng ngày, còn nấu cơm, canh, thức ăn thì phải mua nước bình, dùng chắt chiu thì 3 ngày một bình lớn. Nghèo mà dùng như đại gia”, chị Thanh cho biết.

Nhà máy nước Cầu Đỏ hiện phải gồng mình để cung cấp khoảng 95% nhu cầu nước cho toàn TP Đà Nẵng. 

Gần như tất cả người dân đã bắt nước máy trong khu vực này lâu nay đều phải cắt cử một người trong gia đình dậy từ 4 - 5 giờ sáng để chờ hứng nước vì đây là khoảng thời gian duy nhất trong ngày hệ thống nước máy hoạt động. Cũng vì cùng lúc nhiều người mở van nên nước đã yếu lại càng yếu. “Hôm nào hứng đủ thùng thì mừng lắm, phải dùng hết sức tiết kiệm. Tui đàn ông thì dùng nước giếng bơm quen rồi chứ vợ và mấy đứa em thì ngày nào làm xong cũng phải tranh thủ tắm giặt ở cơ quan. Nhiều người ở đây phải xử lý kiểu này chứ nếu vệ sinh cá nhân mà dùng nước máy thì đến lúc nấu ăn lại  không có”, anh Đặng Tấn Lực kể.

Theo quan sát của chúng tôi, rất nhiều hộ dân dù có hệ thống nước máy dẫn tới trước ngõ nhưng không đấu nối vào nhà vì thấy hàng xóm đã hoàn thiện đường ống nhưng vẫn phải dùng giếng bơm. Tại một con hẻm nhỏ thuộc tổ 16A , KDC Phước Lý 2, chúng tôi vào một cơ sở làm bún, bánh phở sử dụng toàn bộ nước giếng bơm cho các công đoạn. Cơ sở này nằm phía dưới hệ thống thoát nước thải của một trang trại nuôi lợn, dù biết nguồn nước khó mà sạch được nhưng vì không có nước thủy cục nên bắt buộc phải dùng nước ngầm để sản xuất. “Cũng muốn dùng nước máy để làm đồ ăn cho đảm bảo nhưng không có thì biết lấy đâu. Thấy dẫn ống nước về tưởng có rồi nhưng đã mấy tháng qua mà đồng hồ chưa nhích được một số. Từ hôm lắp đặt đến giờ gần nửa năm rồi mà cả vùng chưa ai biết cái hóa đơn tiền nước như thế nào”, chủ lò bún cho hay. Không chỉ tại các KDC thuộc P. Hòa Phát, Hòa An thuộc Q. Cẩm Lệ mà khu vực Hòa Minh, Hòa Khánh Nam (Q. Liên Chiểu), một số KDC vùng ven, vùng xa tại Q. Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Hòa Vang cũng lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng khiến cuộc sống bị đảo lộn. Tại nhiều nơi người dân còn phản ánh nước có màu đen nhạt, vàng ố kéo dài trong ngày.

Dù đã được lắp đặt đường ống, đồng hồ tới nhà nhưng nhiều tháng nay người dân khu vực Phước Lý không có nước máy để dùng.

Nhà máy nước quá tải

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Minh Nam - Phó Tổng Giám đốc Cty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, nguyên nhân  thiếu nước máy sinh hoạt tại các KDC thuộc Q. Cẩm Lệ, Liên Chiểu như người dân phản ánh trong thời gian vừa qua xuất phát từ việc hạ tầng đường ống dẫn nước trước đây thiết kế cho KDC cũ, nay không đáp ứng được cho cả các KDC mới ra đời sau này. “Để xử lý tình trạng này, chúng tôi đang dùng đường ống lớn để khớp nối từ đường Tôn Đức Thắng vào đường Tô Vĩnh Diện. Hiện đang chờ UBND Q. Cẩm Lệ cấp giấy phép làm đường ống xuyên qua đường. Sau khi được cấp phép, thì chỉ cần 10 ngày nữa là hoàn chỉnh, đủ cấp nước với áp lực mạnh cho các KDC Phước Lý”, ông Nam cho hay. Riêng các khu vực có nước, vàng đục, ông Nam giải thích là do một số nơi còn sử dụng đường ống bằng thép, cứ sau thời gian cúp nước thì bột sắt từ lòng ống bung ra bị khô, đến khi có nước trở lại thì bột này hòa tan khiến lượng nước ban đầu xả ra ngoài van có hiện tượng đổi màu, chỉ một lúc sẽ hết. Hiện Dawaco đang từng bước thay thế hệ thống ống sắt bằng ống nhựa loại mới.

Ông Hồ Minh Nam cũng cho hay, tổng công suất thiết kế các nhà máy nước trên địa bàn thành phố là 210.000m³/ngày đêm, nhưng vào những ngày cao điểm, hệ thống phải hoạt động quá tải đến công suất 260.000 m3/ngày đêm, vượt thiết kế 20%. Riêng Nhà máy nước Cầu Đỏ, nơi cung cấp phần lớn nước sinh hoạt cho toàn thành phố, có công suất thiết kế 170.000m3/ngày đêm hiện đang phải vận hành ở mức 198.000m3/ngày đêm. Trong khi đó, Nhà máy nước Sân Bay cung cấp nước cho Q. Liên Chiểu cũng phải sản xuất 45.000m3/ngày đêm trong khi công suất thiết kế là 30.000m3. Dù vậy, lượng nước sản xuất vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng thực của người dân ở thời điểm hiện tại có lúc lên đến khoảng 350.000m3/ngày đêm. Trong khi đó, Chi nhánh cấp nước Sơn Trà và Liên Chiểu chỉ cung cấp cho một vùng nhỏ, lại chủ yếu chỉ vận hành hiệu quả trong mùa mưa, đến cao điểm mùa hè thì gần như hoạt động cầm chừng và có thời điểm không có nước để vận hành. Thực tế này khiến nhiều KDC xa trung tâm không có nước vào giờ cao điểm, còn bình thường áp lực nước cũng rất thấp.

 Theo lãnh đạo Dawaco, để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân trong thời gian tới, Đà Nẵng cần nhanh chóng đầu tư thêm các nhà máy nước.

Theo số liệu báo cáo của Dawaco, trong những năm qua, trung bình nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng khoảng 7%/năm. Thời gian tới, việc cấp nước sẽ gặp nhiều khó khăn do nhu cầu dùng nước tăng cao trong khi nguồn cấp nước từ các nhà máy hiện tại không đủ đáp ứng. Theo quy hoạch cấp nước, lượng nước cần sử dụng của thành phố vào năm 2020 khoảng 400.000 m3/ngày đêm, năm 2025 khoảng 660.000 m3/ngày đêm, năm 2030 khoảng 725.000 m3/ngày đêm. Ngay trong thời điểm hiện tại, lượng nước vẫn thiếu gần 60 nghìn khối/ngày đêm. Chi nhánh cấp nước. Nguồn nước sinh hoạt cho toàn thành phố phụ thuộc vào Nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân Bay trong khi theo dự báo, trong 3 năm tới nhu cầu sử dụng nước tăng gấp đôi so với công suất hiện tại.

Đông A