Nhiều lo ngại sau vụ ngân hàng SVB của Mỹ phá sản
Sụp đổ chỉ trong vòng 48 giờ
Được thành lập vào năm 1983, SVB chuyên cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các công ty khởi nghiệp công nghệ. Ngân hàng này cung cấp tài chính cho gần một nửa số công ty chăm sóc sức khỏe và công nghệ liên doanh của Mỹ. SVB nằm trong số 20 ngân hàng thương mại hàng đầu của Mỹ, với tổng tài sản trị giá 209 tỷ USD vào cuối năm ngoái.
Trong một năm trở lại đây, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bắt đầu tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Điều này khiến chi phí đi vay cao hơn, dẫn đến làm giảm đà tăng của các cổ phiếu công nghệ vốn mang lại lợi ích cho SVB. Lãi suất cao hơn cũng làm xói mòn giá trị của trái phiếu dài hạn mà SVB và các ngân hàng khác đã thu vào rất nhiều trong thời kỳ lãi suất cực thấp, gần như bằng không ở Mỹ. Danh mục đầu tư trái phiếu trị giá 21 tỷ USD của SVB có lợi tức trung bình là 1,79%. Nhưng lợi suất trái phiếu kho bạc tính theo 10 năm hiện tại là khoảng 3,9%. Cùng lúc đó, vốn đầu tư mạo hiểm bắt đầu cạn kiệt, buộc các công ty khởi nghiệp phải rút vốn do SVB nắm giữ. Tất cả điều này khiến ngân hàng bị đè nặng bởi gánh nặng lỗ trái phiếu không bán được trong khi tốc độ rút tiền của khách hàng ngày càng tăng.
Các "bánh xe" bắt đầu nổ tung vào ngày 9-3, khi SVB thông báo họ đã bán lỗ một loạt chứng khoán và sẽ bán 2,25 tỷ USD cổ phiếu mới để củng cố bảng cân đối kế toán. Động thái này kéo cổ phiếu của các ngân hàng khác lao dốc theo khi các nhà đầu tư bắt đầu lo sợ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 sẽ lặp lại. Đến sáng 10-3, SVB đã bị các cơ quan quản lý của bang California đóng cửa và được đặt dưới sự kiểm soát của Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC).
Đây là vụ sụp đổ ngân hàng thương mại lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tiếp ngay sau đó, Ngày 12-3, Bộ Tài chính Mỹ và các cơ quan quản lý ngân hàng khác ra thông báo chung đóng cửa ngân hàng Signature Bank, có trụ sở ở bang New York. Tuyên bố chung của các cơ quan quản lý nêu rõ tất cả tiền gửi tại Signature Bank sẽ còn nguyên vẹn và “người đóng thuế sẽ không bị ảnh hưởng”. Các nhà quản lý ngân hàng New York đã chỉ định FDIC là nơi nhận tiền bán các tài sản của Signature Bank sau này. Signature Bank đã thông báo tổng bảo hiểm tiền gửi là 89,17 tỷ USD tính đến ngày 8-3. Trước đó, tính đến ngày 31-12-2022, tổng tài sản của ngân hàng này là khoảng 110,36 tỷ USD.
Tác động lan rộng
Vụ SVB phá sản đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên giao dịch ngày 10-3 và thị trường tài chính toàn cầu rung chuyển khi hàng tỷ USD tiền gửi của nhiều công ty và nhà đầu tư "mắc kẹt”. SVB chủ yếu phục vụ giới nhân viên công nghệ và công ty khởi nghiệp. Nhiều công ty, trong đó có Roblox Corp chuyên sản xuất trò chơi điện tử và Roku Inc chuyên sản xuất thiết bị xem video trực tuyến, cho biết đã gửi hàng trăm triệu USD ở SVB. Phần lớn tiền gửi của Roku Inc không có bảo hiểm, khiến giá cổ phiếu của công ty này sụt giảm tới 10%.
Còn tại châu Á, tờ Financial Times cho biết sự sụp đổ của SVB đã khiến nhiều quỹ và các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc chao đảo, vì SVB là cầu nối vốn đầu tư quan trọng đối với các tổ chức hoạt động giữa Trung Quốc và Mỹ.
Mỹ tìm cách giải quyết tình hình
Tối 12-3, các cơ quan quản lý ngân hàng khẳng định toàn bộ những người gửi tiền tại SVB sẽ được tiếp cận với nguồn tiền của mình từ ngày 13-3. Thông báo này đã giúp giải tỏa những lo ngại rằng các công ty khởi nghiệp sẽ vất vả để tìm cách trả lương cho nhân viên của mình trong tuần này. Tuy nhiên, một số giám đốc điều hành và nhà đầu tư tài chính đang hết sức lo ngại những rủi ro liên quan vụ ngân hàng SVB sụp đổ, nếu các nhà quản lý Mỹ không tìm ra được một nhà đầu tư có đủ lực mua lại SVB trong tuần này và bảo vệ số tiền gửi không có bảo hiểm tại ngân hàng này.
Một nguồn thạo tin cho biết, FDIC đang tìm kiếm một ngân hàng khác có thể sáp nhập với SVB nhằm cứu vãn tình hình. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng thỏa thuận mua lại SVB quá lớn để có thể đạt được trong thời gian gấp rút, trong khi các bên mua tiềm năng có thể sẽ yêu cầu các điều khoản đảm bảo đặc biệt hoặc tiền phụ trợ đi kèm. Tổ chức tài chính Santa Clara, bang California, với khối tài sản trị giá 209 tỷ USD, được cho là một trong số những đối tác tiềm năng mua SVB.
Ngoài ra, để tránh xảy ra nhiều vụ vỡ nợ hơn nữa của các ngân hàng khác trong tương lai, các nhà quản lý Mỹ đang tích cực thảo luận về một cơ chế nhằm ngăn chặn các ngân hàng cho vay khác gặp phải tình trạng mất khả năng thanh toán như của SVB. Theo các nguồn tin, Fed và FDIC có thể tạo ra một quỹ cho phép các cơ quan quản lý hỗ trợ thêm tiền gửi cho các ngân hàng đang gặp vấn đề.
HSBC mua chi nhánh SVB tại Anh
Ngày 13-3, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho biết chính phủ và ngân hàng trung ương nước này tạo điều kiện thuận lợi cho thương vụ bán chi nhánh của SVB tại Anh cho ngân hàng HSBC. Trong tuyên bố, ông Hunt lưu ý động thái trên giúp bảo vệ tiền gửi của khách hàng tại chi nhánh SVB Anh và ngân hàng có thể hoạt động bình thường mà không cần sự hỗ trợ của những người đóng thuế. Theo ông Hunt, HSBC là ngân hàng lớn nhất châu Âu, theo đó khách hàng của SVB Anh có thể cảm giác an tâm về năng lực, sự an toàn và an ninh của tổ chức tài chính này.
Cùng ngày, đại diện HSBC xác nhận ngân hàng đã đồng ý mua chi nhánh SVB tại Anh với giá tượng trưng 1 bảng Anh (1,21 USD). Tài sản và nợ phải trả của công ty mẹ của SVB tại Anh không bao gồm trong giao dịch này. Theo HSBC, tính đến ngày 10-3, SVB Anh cho vay tổng cộng khoảng 5,5 tỷ bảng Anh và có lượng tiền gửi khoảng 6,7 tỷ bảng, với lợi nhuận trước thuế năm 2022 là 88 triệu bảng.
AN BÌNH