Báo Công An Đà Nẵng

Nhiều ngờ vực phủ bóng bầu cử Thái Lan

Thứ ba, 26/03/2019 16:14

Nhiều nghi ngờ nổi lên sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy, đảng thân chính quyền quân sự của Thái Lan dẫn đầu trong cuộc tổng tuyển cử ngày 24-3 và theo sát là đảng Peau Thai có liên hệ với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Những người ủng hộ đảng Peau Thai phản ứng sau khi kết quả không chính thức được công bố.  Ảnh: Reuters

Kết quả kiểm phiếu không chính thức được Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) công bố cho thấy, đảng Quyền lực nhà nước nhân dân (PPRP) đang dẫn đầu với 7,69 triệu phiếu, trong khi đảng Peau Thai giành được 7,23 triệu phiếu. Kết quả này được cho là khá bất ngờ bởi Peau Thai luôn giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử kể từ năm 2001. Tuy vậy, đây mới chỉ là kết quả bỏ phiếu phổ thông, không phản ánh số ghế mà mỗi đảng giành được tại quốc hội. Dựa trên một cuộc kiểm đếm của Reuters về kết quả một phần của 350 ghế bầu cử, Peau Thai đang dẫn đầu với ít nhất 129 và PPRP ít nhất là 102 ghế.

Kết quả cho thấy, đương kiêm Thủ tướng Prayut Chan-o-cha khả năng cao sẽ tiếp tục nắm quyền nhờ những quy định bầu cử mới mà chính quyền mới đưa ra gần đây. Hạ viện và Thượng viện, với 250 thành viên được chính quyền bổ nhiệm, sẽ cùng nhau chọn thủ tướng tiếp theo. Điều đó có nghĩa là đảng và các đồng minh của ông Prayuth chỉ cần giành được 126 ghế ở Hạ viện, trong khi Peau Thai và các đối tác "mặt trận dân chủ" đảng Tương lai mới hay đảng Puea Chat  sẽ cần tới 376 ghế.

Có thể mất hơn một tháng trước khi thủ tướng tiếp theo của Thái Lan được công bố bởi Ủy ban bầu cử được phép công bố kết quả chính thức cho tới ngày 9-5. Nếu PPRP bảo đảm liên minh, có khả năng ứng cử viên được đề cử duy nhất của họ, Thủ tướng Prayut, sẽ tiếp tục nắm quyền trong 4 năm nữa.

Nghi ngờ

Sự thể hiện mạnh mẽ của PPRP khiến các cử tri choáng váng bởi họ hy vọng cuộc bầu cử lần này sẽ nới lỏng sự kìm kẹp mà giới tinh hoa truyền thống và quân đội đang nắm giữ.

Nhiều người đã lên phương tiện truyền thông xã hội để nói lên những ngờ vực của họ về kết quả của cuộc bầu cử mà các nhà phê bình cho là sai lệch một cách có hệ thống và ủng hộ quân đội ngay từ đầu. Các "hashtag" bằng tiếng Thái được dịch là "Ủy ban bầu cử" và "cuộc bầu cử gian lận" đang là xu hướng trên Twitter ở Thái Lan. Nhiều người đề cập đến sự không nhất quán giữa các con số cử tri đi bầu cử và bỏ phiếu trong một số khu vực. Một số người đặt câu hỏi về tỷ lệ bỏ phiếu chung dưới 70%, thấp hơn nhiều so với dự kiến.

"Có sự nghi ngờ về các lá phiếu bổ sung trong đó số phiếu bầu cao hơn số cử tri ở một số quận", phát ngôn viên của Peau Thai, bà Ladawan Wongsriwong nói. "Cũng có những báo cáo về việc mua phiếu bầu", bà Ladawan cho biết thêm. Bà nói rằng nhóm pháp lý của Peau Thai đang xem xét liệu có nên gửi khiếu nại lên Ủy ban bầu cử hay không.

Tương lai mới (FFP), đảng lần đầu tham gia cuộc bầu cử nhờ vào sự hấp dẫn đối với các cử tri trẻ, cũng đặt câu hỏi về các con số bầu cử. "Rõ ràng có một số bất thường với các con số vì chúng không phải là tổng cộng. Điều này khiến mọi người hoài nghi về kết quả bầu cử", phát ngôn viên của đảng Tương lai mới, Pannika Wanich, nói. "Ủy ban bầu cử nên giải quyết vấn đề này bởi vì nếu người dân cảm thấy họ không thể tin tưởng vào kết quả, sẽ có nhiều vấn đề xảy ra trong thời gian tới", bà Pannika nói.

Người phát ngôn của PPRP từ chối đưa ra bình luận về những lo ngại của các đối thủ. Jarungwit Pumma, Tổng thư ký của Ủy ban bầu cử, từ chối bình luận và cho biết các câu hỏi về kết quả sẽ được giải quyết tại cuộc họp báo sắp tới.

Ngôi sao đang lên và sự sụp đổ của người cũ

Một trong những ngôi sao của cuộc bầu cử lần này là đảng Tương lai mới (FFP), đã nhận được 5,3 triệu phiếu bầu trong lần kiểm đếm cuối cùng, đưa nó trở thành đảng lớn thứ ba của Thái Lan.

FFP đã trở nên vô cùng nổi tiếng với 7 triệu cử tri lần đầu tiên đi bỏ phiếu của đất nước thông qua các chính sách tương đối tiến bộ, chiến dịch truyền thông xã hội thông thái và nhà lãnh đạo tỷ phú Thanathorn Juangroongruangkit. Thể hiện mình là một trong những đảng chống chính quyền quân sự, chiến dịch của FFP bao gồm các cam kết thay đổi hiến pháp do quân đội soạn thảo, cắt giảm ngân sách quốc phòng, tăng tính minh bạch của chính phủ và củng cố các thể chế dân chủ.

Trong khi đó, đảng chính trị lâu đời nhất Thái Lan, đảng Dân chủ, là đảng về thứ hai trong cuộc bầu cử vào năm 2011, hiện đang trên đường mất đi thành trì ở Bangkok, với kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy đảng này chỉ xếp thứ tư với 3,28 triệu phiếu bầu. Lãnh đạo đảng Dân chủ, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, tuyên bố từ chức tối 24-3 sau kết quả thảm hại của đảng này.

AN BÌNH