Báo Công An Đà Nẵng

Nhiều người lập bến bãi, mua bán cát trái phép ở P. Điện Ngọc

Thứ sáu, 22/01/2016 10:27

(Cadn.com.vn) - Người dân thôn Viêm Trung, P. Điện Ngọc, TX Điện Bàn (Quảng Nam) bức xúc phản ánh với Báo Công an TP Đà Nẵng về việc một số tư nhân bất chấp pháp luật, ngang nhiên lập bến bãi mua bán cát trái phép. Nhiều người còn nghi vấn có sự "tiếp tay" từ chính quyền cơ sở trong việc tư nhân tự ý lập bến cát trái phép.

Giữa tháng 1-2016, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã đến thôn Viêm Trung ghi nhận thực tế và nhận thấy tại đây có 3 bến cát, gồm: một bến của Công ty TNHH Minh Hoàng Hy; một bến của ông Phạm Văn Thịnh (trú P. Điện Ngọc) và một bến của ông V. (trú P. Điện Ngọc) đang thi công cơ sở hạ tầng. Trong đó, bến cát của Cty Minh Hoàng Hy hoạt động từ năm 2010 đến nay, đã có giấy phép do các cơ quan chức năng cấp; còn bến cát của ông Phạm Văn Thịnh dù hoạt động khá tấp nập song về mặt pháp lý vẫn là hoạt động... chui. Bà N.T.H, người dân thôn Viêm Trung, cho biết: Hoạt động mua bán, vận chuyển cát ở đây diễn ra chủ yếu vào ban đêm, từ 22 giờ đến 5 giờ ngày hôm sau. Cát được mua bán ở đây gần như tất cả được khai thác trái phép từ các địa phương khác và vận chuyển vào ban đêm để tránh việc tuần tra, kiểm soát của cơ quan chức năng.

Cảnh mua bán tấp nập tại bến cát của ông Phạm Văn Thịnh.

Để tìm hiểu về tình trạng bến cát không có giấy phép thành lập vẫn ngang nhiên hoạt động, ngày 18-1, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng có buổi làm việc với ông Phạm Ngọc Anh, Phó phòng TN&MT TX Điện Bàn. Theo ông Anh, Phòng TN&MT đã nhận thông tin sự việc và đã cử cán bộ xuống địa bàn kiểm tra, xử lý. Đối với bến cát của ông Thịnh, đoàn kiểm tra lập biên bản, yêu cầu đình chỉ hoạt động. Riêng bến cát của ông V. đang trong quá trình lập thủ tục xin cấp giấy phép nên chỉ yêu cầu tạm đình chỉ thi công. Ông Anh còn cho biết thêm, thủ tục thành lập bến cát phải đầy đủ các loại giấy, gồm: giấy phép kinh doanh, giấy phép thành lập bến thủy nội địa, cam kết bảo vệ môi trường, hợp đồng mua bán cát, sạn với các mỏ được Nhà nước cho phép khai thác.

Cũng trong ngày 18-1, chúng tôi có buổi làm việc với ông Phan Văn Huyến, Chủ tịch UBND P. Điện Ngọc và ông Trần Mười, cán bộ địa chính P. Điện Ngọc và đều được 2 cán bộ này xác nhận: Bến cát của ông V. hiện đã có giấy phép lập bến thủy nội địa, các giấy phép khác đang lập thủ tục trình các cơ quan chức năng. Riêng bến cát của ông Phạm Văn Thịnh, cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có bất cứ loại giấy phép nào. Đối với diện tích đất lập bến, ông Thịnh có hợp đồng thuê 400m2 đất của phường, số diện tích đất còn lại khoảng gần 1.000m2 được thuê của người dân. Riêng nguồn gốc cát, do không thuộc thẩm quyền nên UBND phường không thể kiểm tra, làm rõ.

Con đường thi công dở dang vào bến cát của ông V.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, hoạt động mua bán tại bãi cát do ông Thịnh làm chủ diễn ra khá ì xèo, hàng ngày có hàng chục thuyền chở đầy cát cập bến, bốc dỡ và hàng trăm lượt xe đến đây chờ đến lượt lấy cát, ước tính mỗi ngày có hàng ngàn mét khối cát được mua bán tại đây. Tuy nhiên, số cát trên có phải được khai thác trái phép hay không, đó là câu hỏi được dư luận dành cho các cơ quan chức năng tại Quảng Nam. Theo lời một người dân tại thôn Viêm Trung cho chúng tôi biết, từ khi bến cát trái phép này đi vào hoạt động đã "đẩy nhanh" tiến độ xuống cấp của hệ thống giao thông trong khu vực...

Với những gì đã diễn ra tại Điện Ngọc, cho thấy tình trạng lập bến bãi, kinh doanh cát trái phép đang diễn ra công khai, và trong thời gian dài nhưng các cơ quan chức năng vẫn không có biện pháp xử lý. Điều đó chẳng những gây ra dư luận xấu tại địa phương mà còn tạo điều kiện cho những đối tượng khai thác cát trái phép hoạt động, gây tác động xấu đến môi trường. Đã đến lúc các cơ quan chức năng tại Quảng Nam cần mạnh tay hơn nữa nhằm lập lại trật tự trong lĩnh vực kinh doanh cát, sạn và tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước.

M.T