Báo Công An Đà Nẵng

Nhiều nước siết chặt COVID-19 dịp Giáng sinh

Thứ ba, 21/12/2021 15:10

Sau khi Hà Lan bất ngờ chính thức phong tỏa toàn bộ đất nước trong dịp Giáng sinh để ngăn biến chủng Omicron, chính phủ nhiều nước châu Âu cũng đã tăng cường các biện pháp chống dịch tương tự.

Mọi người xếp hàng chờ được xét nghiệm COVID-19 ở Hạ Manhattan, Mỹ. Ảnh: New York Times

Chỉ còn một tuần nữa đến Giáng sinh, dịp lễ tết cuối năm rất quan trọng ở nhiều nước, nhưng với sự lây lan của biến chủng Omicron, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại châu Âu ngày càng nghiêm trọng khiến chính quyền các nước phải tăng cường thắt chặt các biện pháp phòng dịch, sức ép đặc biệt gia tăng đối với những người chưa tiêm chủng.

Lệnh thắt chặt nhất là Hà Lan khi nước này tuyên bố chính thức phong tỏa toàn bộ đất nước trong dịp Giáng sinh để ngăn biến chủng Omicron. Bắt đầu từ ngày 19-12, toàn bộ đất nước Hà Lan phải đặt dưới lệnh phong tỏa trong vòng 4 tuần, với việc đóng cửa toàn bộ trường học, quán bar, nhà hàng và các cửa hàng không thiết yếu. Người dân cũng phải hạn chế tối đa việc tiếp xúc với những người khác không cùng gia đình.  Các con phố mua sắm tại thành phố Hague, Hà Lan vắng vẻ hơn mọi ngày dù đang giữa mùa mua sắm.

Đức cũng thông báo sẽ không phong tỏa dịp Giáng sinh nhưng đã đặt ra những yêu cầu nhập cảnh mới. Kể từ ngày hôm nay, mọi hành khách nhập cảnh vào Đức từ Anh sẽ buộc phải cách ly trong 14 ngày, bất kể họ đã được tiêm phòng 2 mũi hay chưa. Hạn chế đi lại mới cũng được áp dụng với những người đến từ Đan Mạch, Pháp và Na Uy - những nước mà Đức đánh giá là có nguy cơ lây nhiễm cao.

Đan Mạch ghi nhận số ca nhiễm thường nhật cao kỷ lục, trong đó gần 25% liên quan đến Omicron. Vì vậy, kể từ ngày 19-12, chính phủ nước này quy định nhà hát, rạp phim, khán phòng biểu diễn nhạc, công viên vui chơi giải trí và bảo tàng sẽ phải ngưng hoạt động trong vòng 1 tháng. Tại Ireland, kể từ ngày 19-12, quán bia rượu, thức uống giải khát và nhà hàng sẽ phải đóng cửa từ 22 giờ. Trong khi đó, ngày 17-12 là ngày thứ ba liên tiếp Anh ghi nhận số ca nhiễm thường nhật cao kỷ lục: 93.045 ca mới trong vòng 24 giờ. Ở Pháp, hiện giờ cơ quan y tế nhận định có khoảng 7-10% số ca nhiễm mới có liên quan đến biến thể Omicron. Kể từ hôm nay 18-12, Pháp tái áp dụng quy định chỉ có những ai có lý do cực kỳ quan trọng mới được sang Anh hoặc từ Anh sang Pháp.

Ngay trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU), nhiều nước như Ireland, Bồ Đào Nha, Italia và Hy Lạp cũng yêu cầu các du khách châu Âu, kể cả đã tiêm phòng đầy đủ, vẫn phải trình kết quả xét nghiệm âm tính. Áo, quốc gia vừa áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc, bắt đầu từ ngày 20-12 chỉ cho phép những người đã được tiêm phòng nhập cảnh. Những người chưa tiêm mũi tăng cường sẽ phải làm xét nghiệm để được nhập cảnh. Phát biểu tại họp báo, Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg thừa nhận chính phủ đã không thành công trong việc thuyết phục người dân đi tiêm phòng và phải đưa yêu cầu tiêm phòng bắt buộc, có hiệu lực từ tháng 2-2022.

Riêng tại Pháp, Thủ tướng Pháp Jean Castex đã thông báo hàng loạt biện pháp hạn chế mới dịp lễ Tết cuối năm: các buổi biểu diễn nhạc, bắn pháo hoa, tụ tập đông người trong đêm giao thừa đều bị cấm. Vào đầu tháng 1-2022, một dự luật đổi chứng nhận y tế thành chứng nhận vaccine sẽ được đệ trình, theo đó để đến nhiều nơi như nhà hàng, các cơ sở văn hóa, giải trí… người dân bắt buộc phải có chứng nhận đã tiêm đầy hoặc đã lành bệnh và cũng đã tiêm liều tăng cường. Mỹ cũng có những biện pháp thắt chặt các biện pháp chống dịch khi số ca nhiễm mới chủng Omicron ở nước này tăng chóng mặt.

Việc các nước đang bước vào mùa lễ hội nhân dịp Giáng sinh và năm mới 2022, thời điểm mọi người thường gặp gỡ hay tổ chức tiệc mừng, cộng với nhiệt độ xuống thấp vào mùa Đông được cho là điều kiện lý tưởng để virus phát tán, nhất là biến thể Omicron được đánh giá có khả năng lây truyền cao hơn Delta. Giới chức Mỹ và cả Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo Omicron có thể trở thành biến chủng thống trị tại châu Âu vào tháng 1-2022.

KHẢ ANH