Báo Công An Đà Nẵng

Nhiều nước thắt chặt các biện pháp trừng phạt Nga

Thứ ba, 05/07/2022 14:43
Nhân viên đại sứ quán Nga tại Bulgaria cùng gia đình khởi hành về nước tại sân bay Sofia hôm 3-7. Ảnh: AFP

Cấm đi lại đối với 16 cá nhân

Theo Thủ tướng Anthony Albanese, Australia sẽ bổ sung áp đặt trừng phạt và cấm đi lại đối với 16 cá nhân gồm các bộ trưởng và nhà tài phiệt Nga, nâng tổng số công dân Nga bị Canberra áp đặt trừng phạt lên 843 người. Ngoài ra, Australia còn cấm nhập khẩu vàng từ Nga.

Thủ tướng Australia đưa ra tuyên bố trên tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev. Tại cuộc họp báo, ông Albanese cũng cho biết Australia sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine, trong đó có cả xe bọc thép và thiết bị bay không người lái. Theo ông Albanese, Australia sẽ cung cấp cho Ukraine hỗ trợ quân sự trị giá 100 triệu AUD.

Cấm sử dụng dầu mỏ của Nga

Cùng ngày 3-7, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Anh cho biết bộ này cảnh báo loại bỏ các nhà cung cấp nhiên liệu sử dụng dầu mỏ của Nga. Tờ The Telegraph dẫn nguồn tin trên nêu rõ: "Nếu các sản phẩm dầu cung cấp cho Bộ Quốc phòng Anh được phát hiện có nguồn gốc từ các nhà cung cấp Nga, chúng tôi sẽ hành động ngay lập tức để đổi sang các nhà cung cấp thay thế".

Bộ Quốc phòng Anh được cho là mua nhiên liệu từ một loạt nhà cung cấp, trong đó có nhiên liệu máy bay từ công ty Motor Oil Hellas của Hy Lạp, doanh nghiệp đã ký thỏa thuận có hiệu lực trong 5 năm với công ty dầu khí Rosneft của Nga hồi tháng 11-2017. Trong khi đó, dữ liệu theo dõi tàu chở dầu cho thấy các chuyến dầu nhiên liệu đã được chuyển từ Nga cho công ty Motor Oil Hellas ở Corinth kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, theo người phát ngôn trên, Bộ Quốc phòng Anh đã được đảm bảo rằng nhiên liệu do Motor Oil Hellas cung cấp không có nguồn gốc từ Nga.

Tháng 3 vừa qua, Anh tuyên bố sẽ loại bỏ dần nhập khẩu dầu Nga vào cuối năm 2022, sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Trước khi xảy ra xung đột, nhập khẩu dầu từ Nga đáp ứng 8% tổng nhu cầu dầu mỏ và 18% dầu diesel của Anh. Tờ The Telegraph ngày 3-7 đưa tin Ngoại trưởng Anh Liz Truss không loại trừ khả năng tịch thu tài sản của các công dân Nga ở Anh và chuyển số tiền đó cho Ukraine để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng của cuộc xung đột.

Trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Nga

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và nhiều quốc gia châu Âu gia tăng, truyền thông Bulgaria cho biết, ngày 3-7, hai máy bay chở 70 nhân viên ngoại giao Nga và người thân đã cất cánh rời khỏi Bulgaria để trở về nước. Đây là lần trục xuất lớn nhất từ trước tới nay của Bulgaria với Đại sứ quán Nga mặc dù hai quốc gia này đã có mối quan hệ gần gũi truyền thống từ nhiều năm trước.

Quyết định trục xuất của Bulgaria đối với các nhà ngoại giao Nga được thông báo bởi quyền Thủ tướng Kiril Petkov, người có lập trường mạnh mẽ chống lại Nga và thân phương Tây. Thủ tướng Petkov, người vừa thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào cuối tháng 6, tuyên bố Moscow sử dụng chiến thuật "chiến tranh lai" để hạ bệ chính phủ của mình.

Trước đó, vào ngày 1-7, Đại sứ Nga đã ra tối hậu thư cho Bulgaria để đảo ngược quyết định trục xuất này và đe dọa rằng Moscow sẽ cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao. Bà cho rằng sẽ đề xuất với lãnh đạo nước Nga về vấn đề đóng cửa Đại sứ quán Nga tại Bulgaria, điều này đồng nghĩa với việc Bulgaria có thể đóng cửa Đại sứ quán ở Moscow.

Trước đó, Bulgaria đã ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow kể từ khi nước này phát động cuộc chiến với Ukraine hơn 4 tháng trước. Vào cuối tháng 4, Nga cũng đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Bulgaria sau khi các quan chức từ chối yêu cầu của Moscow thanh toán hóa đơn khí đốt bằng đồng ruble.

AN BÌNH

EU cân nhắc thành lập cơ quan để cân đối các biện pháp trừng phạt Nga

Ủy viên châu Âu phụ trách các dịch vụ tài chính, bà Mairead McGuinness cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận việc thiết lập một cơ quan mới nhằm cân đối việc thực thi các biện pháp trừng phạt Nga của tất cả các quốc gia thành viên.

Financial Times số ra ngày 3-7 dẫn phát biểu của bà McGuinness nêu rõ bà ủng hộ ý tưởng thành lập cơ quan trên để có được cái nhìn bao quát về các biện pháp trừng phạt và việc thực thi các lệnh trừng phạt này. Theo bà, một số quốc gia thành viên EU hiện có "cơ sở hạ tầng vững chắc" để triển khai các biện pháp trừng phạt, trong khi những quốc gia khác không có được điều kiện tương tự. Bà McGuinness cho biết nhóm Renew Europe (Đổi mới châu Âu) tại Nghị viện châu Âu mới đây đã đề xuất thiết lập một "văn phòng trung ương" để thực thi các biện pháp trừng phạt có mục tiêu. Bà McGuinness thừa nhận rằng Ủy ban châu Âu đang làm việc với các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác để đảm bảo rằng họ không hành động thái quá khi thực hiện các biện pháp trừng phạt tài chính.