Báo Công An Đà Nẵng

Nhiều nước vạch đường “sống chung với COVID-19”

Thứ bảy, 25/09/2021 15:07

Từ Châu Á, Châu Âu đến Châu Mỹ Latinh, giới chức lãnh đạo tiếp tục kêu gọi người dân tiêm vaccine và mở rộng các đợt tiêm mới vì cho rằng đây là “chìa khóa” đẩy lùi dịch COVID-19, là tấm áo giáp để “sống chung” với dịch.

Hành khách quét ứng dụng theo dõi tình trạng sức khỏe trước khi lên du thuyền ở Langkawi, Malaysia, ngày 17-9. Ảnh: AFP

Hơn 18 tháng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều nước trên thế giới quyết định đã đến lúc mở cửa và áp dụng mô hình “sống chung với COVID-19”. Nhiều nước có tỷ lệ tiêm vaccine đáng ngưỡng mộ, số khác lại đưa ra quyết định rằng “cái giá” của việc kéo dài các quy định hạn chế về kinh tế và xã hội còn cao hơn những lợi ích mà chúng mang lại.

Các nước Đông Nam Á

Sau nhiều tháng phong tỏa chống dịch, các nước Đông Nam Á đang tiến dần đến việc bỏ chiến lược “Zero Covid-19” và vạch ra con đường sống chung với đại dịch.

Các chính phủ như Singapore, Indonesia, Malaysia hay Thái Lan đang tìm cách phục hồi nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch, bằng cách mở lại biên giới và không gian công cộng. Tuy nhiên, đối với nhiều nhà lãnh đạo và phần lớn người dân trong khu vực, dường như không có nhiều lựa chọn khác. Nguồn cung vaccine vẫn ở mức thấp và càng trầm trọng hơn do sự chậm trễ lặp đi lặp lại và tình trạng thiếu hụt toàn cầu. Chờ đợi nhu cầu vaccine toàn cầu giảm và nguồn cung mở rộng cũng không thực sự là một lựa chọn. Trong khi đó, mọi người mất cơ hội làm việc và phải ở trong nhà nhiều ngày, các gia đình rơi vào cảnh khó khăn.

Khi đại dịch kéo dài, mọi người cũng đều mệt mỏi. Vì vậy, không chỉ là vấn đề kinh tế, các chính phủ cũng phải đối mặt với áp lực từ phía người dân để mở cửa trở lại. Điều này đặt các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo Châu Á vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Có thể thấy, việc các nước Đông Nam Á nhanh chóng mở cửa lại phản ánh cách tiếp cận “sống chung với COVID-19” giống tại các nước phương Tây như Anh và các vùng của Mỹ, nơi cuộc sống hàng ngày về cơ bản đã trở lại bình thường.

Giới chức Singapore đã bắt đầu nới lỏng một số quy định hạn chế trong tháng 8, cho phép những người đã tiêm vaccine đầy đủ được ăn uống tại các nhà hàng và tụ tập nhóm đến 5 người, thay vì hai người như trước đó. Malaysia, một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trong khu vực với hơn 56% dân số được tiêm đầy đủ, đã mở cửa trở lại Langkawi, một cụm gồm 99 hòn đảo và là điểm đến nghỉ lễ hàng đầu, cho khách du lịch trong nước vào tuần trước.

Indonesia, quốc gia đã tiêm chủng cho hơn 16% dân số, cũng đã nới lỏng các hạn chế, cho phép các không gian công cộng hoạt động trở lại trong khi các nhà máy cũng hoạt động hết công suất. Du khách nước ngoài có thể đến một số nơi nhất định, trong đó có cả đảo Bali, vào tháng 10 tới. Thái Lan, nơi có khoảng 21% dân số đã được tiêm đầy đủ, có kế hoạch mở cửa trở lại thủ đô Bangkok và các điểm đến lớn khác cho du khách nước ngoài vào tháng 11 nhằm nỗ lực vực dậy ngành du lịch trọng điểm.

Các nước Châu Âu

Chính phủ Đan Mạch đã dỡ bỏ tất cả các quy định hạn chế còn lại liên quan đến dịch COVID-19 vào ngày 10-9, với quan điểm rằng COVID-19 đã không còn là “một mối đe dọa nghiêm trọng với xã hội”.

Người dân Đan Mạch giờ đây có thể vào các câu lạc bộ đêm và nhà hàng mà không cần xuất trình “hộ chiếu COVID-19”, sử dụng các phương tiện công cộng mà không cần đeo khẩu trang và tụ tập đông người mà không bị hạn chế. Nói cách khác, Đan Mạch đã quay lại cuộc sống trước đại dịch. Chìa khóa cho sự thành công của Đan Mạch một phần nằm ở tiến trình tiêm vaccine của nước này. Dù có nhiều tín hiệu lạc quan như vậy, nhưng Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke hồi tháng trước vẫn cảnh báo cần thận trọng khi chính phủ Đan Mạch thông báo ngày dự kiến chấm dứt các quy định hạn chế.

Anh đi tiên phong trong chiến lược “sống chung với Covid-19” và cuộc sống ở vương quốc này đang dần trở lại bình thường.

Nam Phi, Chile

Nam Phi đang bắt đầu nới lỏng các quy định hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến dịch COVID-19, khi tốc độ lây nhiễm tại nước này đang giảm dần.

Trong đó, lệnh giới nghiêm vào ban đêm trên toàn quốc đã được rút ngắn lại từ 23 giờ đến 4 giờ sáng, quy mô tụ tập đã được tăng lên 250 người ở trong nhà và 500 người ở ngoài trời, và các lệnh giới hạn đối với hoạt động bán đồ uống có cồn cũng được cắt giảm hơn nữa. Quyết định nới lỏng này, được Tổng thống Cyril Ramaphosa công bố ngày 12-9, là rất đáng chú ý đối với một quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp và đã vượt qua phần lớn đại dịch nhờ các quy định giãn cách xã hội cực kỳ nghiêm ngặt.

Trong khi đó, Chile đã được cộng đồng quốc tế khen ngợi về chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 thành công. Theo những báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Chile, gần 87% người dân đủ điều kiện đã được tiêm vaccine đầy đủ. Thậm chí, Chile đã bắt đầu triển khai tiêm mũi tăng cường cho những người đã được tiêm vaccine đầy đủ.

KHẢ ANH