Nhiều sai phạm ở Học viện Âm nhạc Huế
(Cadn.com.vn) - Tuyển dụng lao động không đúng quy trình, tùy tiện sử dụng ngân sách, không nâng lương cho người lao động đến hạn... là những sai phạm của Học viện Âm nhạc (HVAN) Huế vừa được cơ quan chủ quản là Bộ VH- TT & DL phát hiện tại buổi làm việc vào trung tuần tháng 7-2015.
Phát hiện hàng loạt sai phạm
Trước tình trạng HVAN Huế làm thâm hụt ngân sách trầm trọng, khiến 141 giảng viên, nhân viên hợp đồng có nguy cơ bị mất việc giữa chừng, ngày 17 và 18-7, cơ quan chủ quản là Bộ VH-TT &DL cử đại diện Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ này làm việc với HVAN Huế. Qua buổi làm việc, đại diện của Vụ này cho biết, việc quản lý ngân sách của HVAN Huế bộc lộ nhiều bất ổn; thủ tục hợp đồng lao động (HĐLĐ) và tuyển dụng lao động của HV này cũng có nhiều sai phạm cần chấn chỉnh.
Về HĐLĐ, Đoàn xác định nhiều trường hợp quá thời hạn nâng lương nhưng chưa được nâng lương. Từ năm 2009 đến nay, 9 trường hợp là bảo vệ, lái xe và nhân viên kỹ thuật được ký HĐLĐ không xác định thời hạn, hồ sơ không thể hiện nâng lương. Ngoài ra, 34 trường hợp không xác định thời hạn tuyển dụng là giảng viên, chuyên viên và nhân viên do HV tuyển dụng giai đoạn 2007 -2013 có 14 trường hợp không hưởng đúng bậc lương. Trong số 107 HĐLĐ không xác định thời hạn là nhạc công, giảng viên, chuyên viên và nhân viên, có đến 40 người được HV ký trong vòng 6 tháng. Theo đoàn kiểm tra, việc làm này là sai quy định hiện hành, vì đây thực chất là hợp đồng mùa vụ. Nhiều trường hợp cũng được xác định làm ngược quy trình, thay vì có quyết định tuyển dụng trước sau đó mới hợp đồng làm việc thì HV làm ngược lại. Đặc biệt, năm 2013, HV có 14 trường hợp được ký HĐ không xác định thời hạn nhưng khi đoàn công tác đề nghị HVAN cung cấp hồ sơ nhưng học viện không cung cấp được...
Không chỉ sai phạm nghiêm trọng về khâu tuyển dụng lao động, về mặt tài chính, HVAN Huế đã sử dụng nguồn ngân sách cấp để chi trả cho HĐLĐ là sai quy định. HVAN Huế hiện có 256 cán bộ, nhân viên, trong đó hơn một nửa là LĐHĐ. Thay vì lấy các nguồn thu từ các hoạt động để trả lương cho những người thuộc diện hợp đồng thì HV này lại lấy nguồn ngân sách để trả dẫn đến thâm hụt quỹ lương. Kết quả kiểm tra cho thấy, quỹ lương cho HĐLĐ năm 2014 tăng 250% so với năm 2011, trong khi số thu sự nghiệp năm 2014 chỉ tăng 5% so với năm 2011.
Học viện Âm nhạc Huế, nơi xảy ra nhiều sai phạm trong những năm gần đây. |
Tuyển dụng mập mờ?
Nhiều cán bộ, nhân viên hợp đồng của HVAN Huế cho biết, cách đây gần 1 tháng, họ bất ngờ nhận được văn bản có thể sẽ phải nghỉ việc vì HV không có tiền trả lương. Tại buổi đối thoại với người lao động (NLĐ) được tổ chức chiều 10-7 do Hiệu trưởng Nguyễn Việt Đức chủ trì, ông Đức cho biết, năm 2011, với 1.200 học viên, HVAN Huế thu hơn 4,6 tỷ đồng học phí, cân đối thu-chi còn dư 1,8 tỷ đồng. Năm 2012 với 1.296 học viên, thu hơn 4,7 tỷ đồng học phí, chi lương hợp đồng hơn 4 tỷ đồng. Năm 2013, HV chỉ còn 785 học viên, nguồn thu từ học phí của HV là hơn 3,8 tỷ đồng nhưng chi lương hợp đồng tăng lên 5,4 tỷ đồng (âm khoảng 1,6 tỷ đồng)... Đây chính là lý do chính để lãnh đạo HVAN Huế tính đến việc sa thải hoặc cho tạm nghỉ việc không lương đối với 141 giảng viên, nhân viên hợp đồng đang làm việc.
Hiện, HVAN Huế có 256 cán bộ, nhân viên hợp đồng (102 biên chế và 144 LĐHĐ). Đặc biệt, năm 2010-2011 tại HVAN Huế có 87 HĐLĐ được ký (trong số này có 20 người đã được tuyển vào biên chế). Nhưng từ năm 2011 đến nay, HV tiếp tục tuyển dụng và ký HĐLĐ thêm 98 người, nâng tổng cán bộ, nhân viên HĐLĐ lên 144 người. Theo một số giảng viên, chính vì việc tuyển lao động ồ ạt, trong khi đó lượng học viên ngày càng giảm nên dẫn đến tình trạng thâm hụt quỹ lương.
Trong khi lãnh đạo HVAN Huế đã đối thoại và dự kiến mấy tháng cuối năm 2015 sẽ cho nghỉ việc đối với 141 cán bộ, giảng viên và nhân viên do không có lương để trả thì ngày 25-6-2015, Bộ VH-TT&DL đã phê duyệt kế hoạch thi tuyển viên chức 2015 của HVAN dựa trên bản kế hoạch do đơn vị này trình lên. Theo đó, HV tuyển 13 chỉ tiêu gồm 10 giảng viên và 3 chuyên viên. Một số giảng viên công tác lâu năm tại HVAN cho biết, bản kế hoạch tuyển chỉ tiêu mới này là không căn cứ vào nhu cầu của từng khoa phòng của HV, trong đó, có khoa thừa giảng viên nhưng vẫn tuyển. Một số giảng viên cho rằng, việc tuyển dụng này có biểu hiện sai quy định Luật Viên chức năm 2012. Theo quy định, việc tuyển dụng phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập... nhưng tại Khoa Âm nhạc Truyền thống hiện tại có 8 giảng viên (5 biên chế và 3 hợp đồng) với tổng số 21 học viên và tất cả đều là chuyên ngành đàn tranh. Như vậy, nhu cầu thực tế của các khoa này đang thừa giảng viên đàn tranh. Trong khi bộ môn đàn nguyệt chỉ có 1 giảng viên hợp đồng với 8 sinh viên, nhưng HV không tuyển dụng là điều bất hợp lý. Ngoài ra, nhiều cán bộ cho biết, việc thi tuyển không khách quan khi có vị trí tuyển bằng loại khá, có vị trí tuyển bằng loại giỏi...
Trước đó, giữa năm 2014, một số cán bộ của HVAN Huế đã gửi đơn khiếu nại tới Bộ VH- TT & DL về những khuất tất trong kỳ thi tuyển công chức của HVAN Huế do ông Nguyễn Việt Đức- Hiệu trưởng làm Chủ tịch hội đồng. Trong đơn khiếu nại cho biết, kỳ thi tuyển viên chức được tổ chức vào tháng 4-2014, kết quả thi tuyển, cả hai con gái của ông Đức đều trúng tuyển biên chế. Ngay sau đó, Thanh tra Bộ VH- TT & DL đã vào cuộc và quyết định hủy kết quả thi viên chức đối với hai người con gái của ông Đức và ra quyết định kỷ luật với hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Việt Đức.
H.Lan-T.Duy