Nhiều tác nhân làm gia tăng rủi ro thiên tai tại miền Trung - Tây Nguyên
Ngày 23-2, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị bàn giải pháp phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng trong bối cảnh các giải pháp của chính quyền và ngành chức năng chưa theo kịp những diễn biến bất thường, sự cực đoan của thời tiết, các tỉnh thành đang đối mặt với nhiều thách thức.
Công an H. Phước Sơn (Quảng Nam) cắt núi vào hỗ trợ người dân bị lũ ống, sạt lở đất chia cắt nhiều ngày cuối năm 2020.
Tác động tiêu cực từ tự nhiên và con người
Miền Trung và Tây Nguyên gồm 19 tỉnh, thành phố, có địa lý phức tạp, chủ yếu là đồi núi, chia cắt, đồng bằng ven biển nhỏ hẹp, hệ thống sông, suối dày đặc, ngắn, dốc. Đặc điểm này thường gây ra ngập lụt lớn khu vực đồng bằng thấp phía Đông. Đây là loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại lớn nhất cho khu vực và xảy ra với mức độ ngày càng khốc liệt. Cùng với đó, lũ quét, sạt lở đất cũng gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đây cũng là khu vực có thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, biến động mạnh. Theo thống kê trong 40 năm gần đây, trong tổng số 374 cơn bão hoạt động trên biển Đông, có 148 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta, trong đó 94 cơn đổ bộ vào khu vực miền Trung, tập trung trong các tháng 9,11.
Ngoài ra, sạt lở bờ sông, bờ biển cũng thường xuyên xảy ra, đặc biệt là sau các trận bão, mưa lũ, gây thiệt hại lớn về nhà, đất sản xuất, cơ sở hạ tầng trong khu vực. Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra với quy mô, tốc độ ngày càng gia tăng, trung bình 5-10m/năm, cá biệt có những nơi tới 25m/năm. Hiện tồn tại 88 vị trí với tổng chiều dài 129 km sạt lở nghiêm trọng, một số vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm như khu vực Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam. Miền Trung - Tây Nguyên hàng năm còn đối mặt với bão mạnh, siêu bão cấp 14-16, giật cấp 17, quỹ đạo di chuyển phức tạp và bão muộn tác động vào khu vực miền Trung. Cùng với đó, mưa lớn cực đoan trong thời gian ngắn gây lũ, ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng.
Trong giai đoạn 2017-2021, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành tổng hợp nhu cầu và đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 5.720 tỷ đồng cho các tỉnh trong khu vực để khắc phục hậu quả thiên tai, tập trung di dời dân cư khẩn cấp, khắc phục công trình đê điều, chống sạt lở, công trình thủy lợi, giao thông nội tỉnh, y tế, trường học, nước sạch và các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu khác. Cùng với đó là tham mưu điều chỉnh các chính sách, Luật, Nghị định bám sát thực tiễn, phát huy hiệu quả công tác hỗ trợ nhất là nguồn lực từ ngân sách Trung ương.
Đến thời điểm hiện tại, đã có 17/19 tỉnh, thành phố hoàn thành xây dựng phương án ứng phó thiên tai và rà soát phương án ứng phó thiên tai trong điều kiện dịch bệnh. 3.309 xã/3.443 xã phường đã thành lập, kiện toàn Đội xung kích Phòng chống thiên tai với sự tham gia của 197.305 người có nhiệm vụ hỗ trợ người dân ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Một đoạn đường lên xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) bị sạt lở chia cắt trong đợt mưa lũ cuối năm 2020.
Kiến nghị đẩy nhanh việc phân vùng, lập bản đồ cảnh báo thiên tai
Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên trong những công tác phòng, chống thiên tai trong khu vực vẫn còn bộc lộ nhiều vấn đề, tồn tại chưa theo dịp diễn biến cực đoan của thời tiết. Cụ thể dự báo định lượng mưa, lũ một số trường hợp còn chưa sát với diễn biến thực tế; việc xây dựng, vận hành các hồ chứa thượng nguồn ảnh hưởng lớn đến công tác dự báo, cảnh báo lũ, ngập lụt, song không được cập nhật, chia sẻ thường xuyên dẫn đến thiếu thông tin trong vận hành. Cả vùng hiện có 638 hồ chứa thủy lợi hư hỏng, xuống cấp kéo dài nhưng chưa có kinh phí đầu tư, sửa chữa. Hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn thượng nguồn chưa đồng bộ đã gây nhiều khó khăn cho việc dự báo về mưa, lũ và lưu lượng dòng chảy đến hồ cần bố trí lắp đặt tăng dày trạm. Hệ thống camera giám sát khu vực đầu mối, cũng như các khu vực dân sinh kinh tế ở hạ du chịu tác động lớn khi xả lũ chưa được lắp đặt đầy đủ hệ thống cảnh báo còi hú, đèn, loa phát thanh theo các cấp báo động. Cùng với đó việc xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, khu dân cư chưa tính toán đầy đủ dẫn đến việc cản trở thoát lũ hoặc kéo dài thời gian ngập sâu. Các tuyến đường quốc lộ 1A, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường sắt Bắc Nam có hướng vuông góc với dòng chảy gây cản lũ; khẩu độ các cầu, cống qua đường không đảm bảo thoát lũ.
Về mặt chủ quan, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cũng đánh giá, nhận thức, mức độ quan tâm của chính quyền và người dân một số nơi còn hạn chế nên chưa tập trung đề ra giải pháp cụ thể cũng như đầu tư thích đáng cho công tác phòng chống thiên tai. Thậm chí một số nơi trong quá trình xây dựng hạ tầng, sinh sống, sản xuất còn làm gia tăng rủi ro thiên tai và thiệt hại. Hệ thống tổ chức bộ máy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hầu hết là kiêm nhiệm, thiếu trang thiết bị chuyên dùng, công cụ hỗ trợ theo dõi, giám sát, kết nối chỉ đạo điều hành dẫn đến lúng túng, bị động trong ứng phó, khắc phục hậu quả đối với thiên tai lớn.
CBCS Sư đoàn 372 đưa một sản phụ vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam) lên máy bay ra khỏi vùng cô lập do sạt lở núi năm 2020.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia, trong đó có khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, Ban Chỉ đạo đẩy nhanh hoàn thành việc triển khai Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Cạnh đó là xây dựng các kế hoạch quản lý lũ tổng hợp theo lưu vực sông; kế hoạch phòng, chống bão mạnh, siêu bão, lũ quét, sạt lở đất, chống hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển. Các địa phương, bộ ngành cũng cần đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai, trong đó có Quỹ phòng, chống, bảo hiểm rủi ro thiên tai. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cũng kiến nghị từ cấp trung ương đến địa phương nhanh chóng kiện toàn, nâng cao năng lực cơ quan phòng, chống thiên tai, thành lập Văn phòng thường trực cấp tỉnh chuyên trách trên cơ sở sắp xếp lại bộ máy hiện có. Cùng với đó là tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập, thông tin truyền thông về phòng, chống thiên tai; triển khai thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng lồng ghép thực hiện tiêu chí 3.2 trong xây dựng nông thôn mới. Để đảm bảo chức năng cắt lũ cho hạ du trong mùa mưa, các địa phương cũng kiến nghị bộ ngành liên quan rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông Mã, sông Cả, sông Hương, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Kôn - Hà Thanh, sông Ba, sông Sê San, sông Srepok đồng thời bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các điều kiện đảm bảo vận hành quy trình liên hồ.
BẢO NAM